Khát vọng đổi tàu

21/02/2015 05:11 GMT+7

(TN Xuân) Đam mê biển cùng khát vọng của tuổi trẻ, Võ Công Tứ đã dành dụm, vay tiền đóng con tàu lớn nhất vùng Cửa Việt.

(TN Xuân) Đam mê biển cùng khát vọng của tuổi trẻ, Võ Công Tứ đã dành dụm, vay tiền đóng con tàu lớn nhất vùng Cửa Việt.

Sau gần 20 năm mơ ước, anh Tứ mới đóng được con tàu “khủng” cho riêng mình
Sau gần 20 năm mơ ước, anh Tứ mới đóng được con tàu “khủng” cho riêng mình
Ở khu phố 7, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị hầu như ai cũng biết câu chuyện “hổ phụ sinh hổ tử” trong gia đình anh Tứ. Cha anh là một tay sát ngư nức tiếng làng chài này một thời, ông Võ Đoàn, nay đã qua tuổi 65. Đến tận bây giờ, nhiều người còn truyền tai nhau về những chuyến biển thần kỳ dưới sự chỉ huy của vị thuyền trưởng lão luyện.
Là con cả trong gia đình, lại vốn mê chuyện biển bờ nên học xong lớp 7 thì Tứ theo phụ giúp cha vươn khơi. Con nhà tông, Tứ nhanh chóng quen với việc lênh đênh trên sóng nước và tiếp thu nhiều kinh nghiệm đi biển để đời của các bậc cha chú.
Dù “dưới trướng” của cha nhưng với sự máu lửa của tuổi trẻ, anh không nhất nhất nghe theo cha mình. Những phán đoán của anh nhiều lần... trật lất, nhưng cũng không ít lần khiến cha phải gật gù. “Tính tôi vốn không thích chuyện con hát mẹ khen hay nhưng phải nói thật là thằng Tứ nhiều khi làm tôi bất ngờ bởi bản năng trời phú. Có lúc nó phát hiện được luồng cá rất nhanh”, ông Đoàn nói. Kinh nghiệm của Tứ cũng mỗi lúc một dày thêm qua những chuyến biển trúng đậm của 2 cha con. “Dù làm nghề lưới bùng nhùng hay làm nghề lưới rê thì thời đó cha con tôi thường gặp may. Ngoài những loại cá thường thường như cá ngừ, cá cờ... đôi khi chúng tôi tóm được những đàn cá nhám, cá hồng đỏ. Với những loài cá có giá trị cao như thế, chỉ cần đánh 2 tấn là ấm rồi”, anh Tứ kể.
Dưới bến cảng Cửa Việt, con tàu của Tứ luôn khác biệt so với những con tàu khác
Dưới bến cảng Cửa Việt, con tàu của Tứ luôn khác biệt so với những con tàu khác
Sau khi được cha trao lại ghế thuyền trưởng, khát vọng “đổi tàu to để ra biển lớn” càng thôi thúc Tứ quyết tâm thực hiện. “Biết là sẽ nợ nần nhưng đang thanh niên mà không ước mơ, phấn đấu thì biết đến bao giờ mới thỏa nguyện”, anh chia sẻ. Nói là làm, đầu năm 2014, với số tiền tích góp nhiều năm, bán tàu cũ và thế chấp nhà vay thêm tiền, anh tiến hành đóng tàu lớn. Đến tháng 8.2014, con tàu màu xanh với vốn đầu tư ban đầu lên đến 4 tỉ đồng của anh lừng lững rẽ sóng vào cảng Cửa Việt trước sự ngỡ ngàng của người dân làng chài.
Nhiều người ở làng chài Cửa Việt tin rằng anh Tứ sẽ làm nên nghiệp lớn cùng với con tàu lớn nhất vùng - Ảnh: Nguyễn Phúc
Nhiều người ở làng chài Cửa Việt tin rằng anh Tứ sẽ làm nên nghiệp lớn cùng với
con tàu lớn nhất vùng - Ảnh: Nguyễn Phúc
Theo tính toán của Tứ, trước đây mỗi chuyến biển trên tàu cũ anh chỉ tốn tầm 25 triệu đồng thì nay số tiền để mua 2.000 lít dầu và 300 cây nước đá... cho một chuyến ra khơi của tàu mới phải tốn gấp đôi. Bù lại, số ngày lênh đênh trên biển gần cả tháng, thay vì chỉ đi một tuần như trước. Chưa hết, trước đây chỉ nghe báo gió mùa thì đã “co giò” chạy vào bờ còn nay tàu của anh đã chịu được sóng gió cấp 7, cấp 8. “Với khoản nợ và số tiền bỏ ra, mỗi chuyến ra khơi tôi phải kiếm hơn 150 đến 200 triệu thì mới lo đủ mọi chi phí. Nhưng tôi thực sự có niềm tin mình sẽ làm được”, Tứ nhẩm tính và khẳng khái: “Đóng tàu này thì tất yếu phải đi ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chứ đi loanh quanh trong bờ thì đóng làm gì. Sợ cấy chi? Ngư dân mà sợ ra biển thì khác chi nông dân sợ ra đồng, nhà giáo sợ lên bục giảng. Cơm áo, gạo tiền ở ngoài đó, không xông ra thì chả nhẽ người ta mang đến dâng cho à”.
Nói bỗ bã, đúng chất người miền biển vậy nhưng khi chia tay nhau trên cầu Cửa Việt lộng gió, Tứ quay sang nhìn tôi hỏi, câu hỏi dường như chỉ để tìm sự đồng cảm: “Anh tin tôi làm được chứ?”. Tôi không trả lời mà chỉ tay về phía cảng, nơi có con tàu của Tứ, nó khác biệt với những con tàu còn lại về tầm vóc... Và tôi đồ rằng, ngoài kia - biển Đông - những đàn cá tôm đang đợi vị thuyền trưởng trẻ tuổi này cùng con tàu “khủng” của anh vươn khơi đánh bắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.