Khởi nghiệp từ bàn tay trắng

17/03/2012 03:09 GMT+7

Qua cái nhìn đầu tiên thật khó nghĩ chàng trai có dáng người nhỏ gầy, khuôn mặt sạm màu nắng cháy là một ông chủ xưởng mộc có hơn 20 lao động, nổi tiếng ở khu vực bắc Hoài Nhơn (Bình Định).

Qua cái nhìn đầu tiên thật khó nghĩ chàng trai có dáng người nhỏ gầy, khuôn mặt sạm màu nắng cháy là một ông chủ xưởng mộc có hơn 20 lao động, nổi tiếng ở khu vực bắc Hoài Nhơn (Bình Định).

Đó chính là anh Nguyễn Văn Chương ở xã Hoài Châu (H.Hoài Nhơn). 20 tuổi, anh rời quê, bắt đầu cuộc sống tự lập ở TP.HCM. Với 2 bàn tay trắng, anh học việc ở những xưởng dạy nghề mộc, rồi được nhận làm khoán cho một công ty. Năm 2008, anh quyết định dùng kinh nghiệm hơn 10 năm làm mộc ở TP.HCM để về quê, gây dựng sự nghiệp tại quê nhà.

 
Anh Chương (trái) đang hướng dẫn học trò hoàn thiện sản phẩm - Ảnh: Minh Úc 

Về quê, mượn từ anh em họ hàng cộng chút vốn dành dụm, anh dựng được ngôi nhà cấp 4 cho gia đình. Tiếp đó, anh vay từ tất cả các nguồn hỗ trợ của địa phương để mở xưởng mộc tại nhà. Thời gian đầu, chỉ có Chương và 1, 2 học trò vừa được hướng dẫn nghề vừa phụ việc. Dần dà lên 10, 15 rồi tới 20 người tìm đến học nghề và làm cho Chương. Anh quan niệm: “Ở đây không có điều kiện thuê thợ chính, nên mình dạy từng người một, người đi trước chỉ người đi sau, mấy anh em trong xưởng cứ thế dìu nhau cùng làm”. Lương thợ cao nhất ở xưởng hiện nay là 160.000 đồng/người/ngày, thấp nhất là 70.000  đồng/người/ngày, tùy theo tính chất công việc.

“Ở xưởng mình không chỉ có thanh niên trong xã, chị em phụ nữ mà còn có bộ đội xuất ngũ. Những tháng không có hàng mình vẫn trả lương cho anh em đều đặn để lo cho gia đình. Anh em nào xây nhà mà không có vốn thì mình phụ một tay. Ở quê sống tình cảm thì mới mong anh em ở với mình được”, anh Chương bộc bạch.

Lúc tôi đến thăm, anh vội khoe chiếc xe tải 1 tấn vừa mới mua được. Anh hớn hở: “Sắp tới mình làm thêm sản phẩm nhôm nữa, sau này có xe rồi chở đi giao hàng cho tiện”. Thấy vậy, tôi nhắc đến số nợ ngân hàng gần trăm triệu từ khi mới khởi nghiệp, anh thật thà: “Trả xong hết rồi, nhưng vừa mới vay lại 70 triệu đồng để mua xe đây, xong chuyến hàng sắp tới thì mình sẽ trả đủ”.

Sản phẩm của anh chủ yếu là mặt hàng dùng trong nhà như tủ, giường, kệ…, từ chất liệu thường đến cao cấp. Sau gần 4 năm xây dựng thương hiệu, sản phẩm của anh Chương cũng đã tiêu thụ khắp tỉnh và ra đến Quảng Ngãi. Đó không chỉ là tin vui cho anh mà còn cho những lao động tại địa phương - những người đang sống bằng nguồn thu nhập chính từ công việc này. 

Minh Úc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.