Không có bậc thang cuối cùng

20/05/2014 03:00 GMT+7

Đó là quan niệm của nam sinh viên khuyết tật Nguyễn Chung Tú, đang học ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Đó là quan niệm của nam sinh viên khuyết tật Nguyễn Chung Tú, đang học ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Không có bậc thang cuối cùng
Nguyễn Chung Tú (ngồi xe lăn) và người mẹ rất mực thương yêu (đứng sau) cùng các bạn - Ảnh: Nhân vật cung cấp

21 tuổi là 21 năm Tú lớn lên trên lưng mẹ vì bản thân không thể đi lại, ngay cả ngồi cũng không vững. Thế nhưng liên tục 12 năm học phổ thông, Tú đều đạt học sinh giỏi.

Lúc nhỏ khi thấy Tú có dấu hiệu sức khỏe yếu, mẹ em (cô Chung Thị Do) lo lắng đưa con đến bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận Tú bị nhược cơ do di chứng chất độc da cam từ người cha, không thể chữa trị. Đành phải đưa con về nhà nhưng với hy vọng “còn nước còn tát”. Ngày ngày cô Do sắc thuốc bắc, thuốc nam cho Tú uống. Lên 6 tuổi, đôi chân của Tú vẫn chỉ ngúc ngắc mà không thể nâng nổi thân người. Sự di chuyển của em hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ. Hằng ngày tới trường mẹ phải cõng em suốt đoạn đường dài hơn 4 km. Thương mẹ vất vả, có lần Tú hỏi: “Sao mẹ không bỏ con đi?”. Lúc đó, mẹ Tú cười và trả lời đầy tình thương yêu: “Vì con là con của mẹ”. Câu trả lời ấy như một nguồn sức mạnh tiếp sức cho Tú vượt qua nỗi đau thân xác.

Ngay từ những năm học tiểu học, Tú đã tỏ ra thông minh, ham học. Ở lớp Tú rất chú ý lắng nghe thầy cô giảng; về nhà đọc thêm nhiều loại sách mượn của bạn bè và các anh chị lớp trên. Nhiều hôm mải học Tú quên cả ăn cơm. Ông Nguyễn Văn Tâm, cha Tú cho biết: “Sức khỏe của Tú rất yếu, thường xuyên bị những cơn đau nhức xương hành hạ. Tôi đã khuyên nó nghỉ học nhưng càng khuyên em nó càng say học hơn. Dần dần tôi nhận ra nó đọc sách một phần là để quên đi những cơn đau ấy”.

 
Cuộc thi Gương nghị lực phi thường do Báo Thanh Niên và Tôn Hoa Sen tổ chức 

Năm Tú học lớp 5, hy vọng có thể chữa lành bệnh cho em tắt ngấm khi đôi chân của em mất hết cảm giác rồi liệt hẳn, muốn ngồi được cũng cần phải có bệ đỡ. Tú xúc động nhớ lại: “Lúc đó, em òa khóc trong nỗi thất vọng tột cùng. Nhưng em đau một thì cha mẹ đau mười, nên sau đó em nín lặng, vui cười và động viên mẹ: Con không sao đâu, ngày mai con lại đi học được mà. Nghe vậy, mẹ bế em lên, khóc nấc”. Thời khắc ấy cũng là lúc đánh dấu sự đi lại của Tú hoàn toàn gắn liền trên lưng mẹ.

Bước vào THCS, quãng đường đến trường xa hơn, lưng mẹ cõng Tú cũng nặng hơn. Nỗi vất vả mưu sinh và chăm bẵm đứa con bất hạnh khiến mẹ Tú già đi trông thấy. Gia đình khó khăn, cha mẹ Tú đã có ý định để Tú học hết THCS sẽ cho nghỉ ở nhà. Biết dự định đó, Tú buồn lắm nên càng lao vào học nhiều hơn với khát vọng sẽ làm cha mẹ thay đổi ý định. Và quả thực, Tú đã thi đậu vào trường chuyên với số điểm rất cao. Cha mẹ Tú thương con, không đành lòng bắt con nghỉ học. Người mẹ lại cõng con tới trường suốt 3 năm THPT.

Mặc dù tay yếu, chân bị liệt, sức khỏe hạn chế, lại thường đau nhức khắp người nhưng Tú vẫn lạc quan, thân thiện với bạn bè trong lớp. Tú sẵn sàng hướng dẫn các bạn cùng học tập và luôn đưa ra phương pháp giải bài dễ hiểu nhất. Với nỗ lực vượt bậc, Tú giữ vững danh hiệu học sinh giỏi suốt 12 năm liền và trở thành niềm tự hào của Trường THPT Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Sau đó, Tú trúng tuyển vào 2 trường ĐH và đã chọn học ngành công nghệ thông tin tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Tú quan niệm trong cuộc sống mỗi người không có bậc thang cuối cùng, nó chỉ xuất hiện khi con người ta dừng lại. Chia sẻ về dự định tương lai, Tú tiết lộ: “Tốt nghiệp ra trường mình sẽ mở một trung tâm vi tính dạy trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật để các em trở thành người hữu ích, tự tin hòa nhập với cộng đồng”. 

Hoàng Đình Thành

>> Cô gái đồng hành cùng sinh viên khuyết tật
>> Thừa Thiên-Huế: Một sinh viên khuyết tật nhận được học bổng 3.600 USD từ Tập đoàn máy tính IBM
>> Mỹ: Chương trình hỗ trợ sinh viên khuyết tật ở bậc đại học    

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.