Lần đầu tiên 'chọn mặt gửi vàng'

22/05/2016 07:18 GMT+7

Hôm nay những công dân sinh từ 22.5.1998 trở về trước lần đầu tiên cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân thông qua hoạt động bầu cử.

Mỗi người một tâm trạng, một suy nghĩ nhưng hầu hết đều bày tỏ sự hào hứng vì lần đầu tiên được “chọn mặt gửi vàng”.
Hoàng Anh, HS lớp 12A4, Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM, bày tỏ: “Nhiều năm nay khu em ở rất mất vệ sinh. Nhiều người thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó nhiều gia đình thường cãi, đánh nhau gây mất đoàn kết. Em đã tìm hiểu kỹ về các ứng cử viên. Em rất mong các ứng viên trúng cử sẽ quan tâm sâu sát tới các vấn đề dân sinh, xã hội để làm cho môi trường sống ở khu mình ở và những khu phố khác chưa thật tốt sẽ trở nên đáng sống hơn”.
Hào hứng không kém Hoàng Anh là Nguyễn Thanh Hải (P.4, Q.8, TP.HCM): “Trước nay em không hề quan tâm tới chính trị nhưng từ khi nhận được thẻ cử tri em ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình. Em cho rằng hầu hết các ứng viên được đề cử và ứng cử vào danh sách đại biểu đều là những người ưu tú và đã có những việc làm có ích cho xã hội. Tuy nhiên ai sẽ là người phù hợp để đảm nhận trọng trách lãnh đạo? Em nghĩ đó phải là người đi lên từ địa phương, am hiểu về tình hình thực tế trên địa bàn và có nhiệt huyết muốn thay đổi xã hội tốt đẹp hơn”.
Tỏ ra khá quan tâm tới tình hình tại địa phương, Hoàng Thị Hoa (lớp 12A14, Trường THPT Lê Xoay, Vĩnh Phúc, nói: “Em thích đi bầu cử lắm vì đây là lần đầu em được tham gia vào việc chính trị. Trước đây em chỉ được nghe người lớn bàn luận việc đất nước mà không được tham gia”.
Hoa nói thêm: “Chỉ với một vài công trình dân sinh nhỏ mà ở địa phương em có rất nhiều thắc mắc. Thậm chí họ đã làm đơn tố cáo nhưng chưa có kết quả thật sự. Em cho rằng người làm lãnh đạo dù cấp thấp hay cấp cao đều cần liêm khiết và chính trực. Còn khi làm lãnh đạo địa phương mà đã bớt xén thì khi lên cao, làm những việc lớn thử hỏi đất nước sẽ thế nào. Với vai trò một công dân em nghĩ trách nhiệm của mình là chọn ra danh sách những người có đủ phẩm chất để bầu”.
Còn Nguyễn Ngọc Đào (P.2, Q.4, TP.HCM) đã không ngủ được: “Mấy hôm nay em xem thời sự kỹ lắm. Em rất bức xúc khi đọc Báo Thanh Niên đăng thông tin lãnh đạo ở một số địa phương tổ chức thu tiền của các hộ gia đình được cấp gạo hỗ trợ với lý do trả tiền vận chuyển, hoặc cấp gạo nhưng không đủ số lượng quy định (15 kg/người/tháng - PV). Em thấy rất thất vọng về những người lãnh đạo như thế và rất mong lá phiếu của mình có thể góp phần lựa chọn ra những cán bộ làm được việc cho dân nhờ”.
Không chỉ thể hiện chính kiến của mình, nhiều HS cũng cho rằng việc bầu cử là bước chuyển từ một đứa trẻ chính thức trở thành một công dân, từ đó ý thức được trách nhiệm và nhiệm vụ của mình với những vấn đề chung của xã hội.
“Trước đây em không quan tâm nhiều tới việc ai làm lãnh đạo. Em chỉ biết làm tốt bổn phận của mình là học tập cho tốt. Nhưng khi có thẻ cử tri và danh sách những người ứng cử và được đề cử đại diện cho quyền lợi của mình, em đã tham khảo ý kiến của ba mẹ và tìm hiểu kỹ về lịch sử hoạt động của từng người. Bây giờ em đã có lựa chọn và đang khá hồi hộp chờ đợi xem kết quả bầu cử sẽ như thế nào”, Lê Trung Hiếu, lớp 12A9, Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.