Lương quá thấp, làm sao có lao động giỏi?

17/11/2009 10:31 GMT+7

Tìm đủ cách để trả giá lao động thấp nhất nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn mang ảo tưởng có được đội ngũ lao động giỏi.

Trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp (DN) luôn than vãn không tìm ra lao động. Nhiều DN còn cho rằng đã “trải thảm đỏ”, tạo mọi điều kiện, thậm chí đã hạ chuẩn để tuyển lao động nhưng người lao động (NLĐ) vẫn “làm eo”. Thế nhưng, vấn đề cơ bản nhất là tiền lương để bảo đảm đời sống cho NLĐ thì phần lớn DN dường như quên mất.

Ngành nào lương cũng “bèo”   

Tuần qua, khi hàng ngàn công nhân (CN) Công ty Pung Kook đình công đòi tăng lương, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương rất lo lắng. Bởi đây là một trong những DN có mức lương được đánh giá khá cao ở KCN Sóng Thần. Hiện nay, thu nhập bình quân của CN đạt 1,8 - 2 triệu đồng/người/tháng. Về phía CN, họ cho biết: So với những DN khác tuy có khá hơn nhưng làm quần quật cả tháng mà lương chỉ bấy nhiêu thì không thể sống nổi. CN đòi tăng lương là tất yếu bởi mức thu nhập trên đã quá lạc hậu so với thực tế.

Có hai yếu tố DN cần quan tâm trong vấn đề tiền lương: Tầm nhìn lâu dài và cập nhật thông tin thị trường lao động. Cập nhật thông tin để trả công tương xứng và có tầm nhìn để NLĐ phát huy được khả năng, sự cống hiến thông qua các chế độ đãi ngộ như tiền lương, phúc lợi...

Nguyễn Hồng Hà (Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tại TPHCM)

Những tưởng CN công nghiệp mới có mức lương thấp nhưng các ngành dịch vụ, thương mại, tiền lương của NLĐ cũng không khá gì hơn. Tại quận Tân Bình – TPHCM, hàng trăm DN ngành thương mại, dịch vụ trả mức lương cho NLĐ rất thấp. Tại Công ty Khang Tùng, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, mức lương cao nhất trả cho NLĐ là 2 triệu đồng/tháng, thấp nhất 1,2 triệu đồng/tháng. Còn tại Công ty Đại Nghiệp, kinh doanh thiết bị điện, mức lương trả cho NLĐ chỉ từ 1 triệu – 2 triệu đồng/tháng. Hàng loạt công ty kinh doanh trang trí nội thất, điện tử, xây dựng, thiết kế, thực phẩm... mức lương cũng chỉ 2,5 triệu đồng/tháng trở xuống. 

Rao một đằng, tuyển một nẻo

DN luôn cho rằng tiền lương trả cho NLĐ luôn tuân thủ nguyên tắc thuận mua vừa bán. Thế nhưng trong cuộc mặc cả này, NLĐ ít có cơ hội để đề đạt nguyện vọng của mình, trừ những chức danh quan trọng đối với công ty như trưởng bộ phận, giám đốc lĩnh vực...

Chị N.M.H, tốt nghiệp đại học ngành kế toán tài chính, đã nộp hồ sơ tại một số DN rao tuyển kế toán, nhưng khi thương lượng về mức lương, chị đề nghị 2,5 triệu đồng/tháng thì các DN đều từ chối. Cách đây vài tháng, một DN có tên tuổi trong ngành sản xuất tấm lợp từng tuyên bố chiêu dụng người giỏi, có chế độ đãi ngộ lao động tốt đã tuyển dụng chị với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, làm việc tại xưởng sản xuất ở Bình Dương. Sau 2 tháng, công ty viện lý do khó khăn, yêu cầu giảm mức lương của chị còn 2 triệu đồng/tháng. Không được tôn trọng thỏa thuận, mức lương trên không đủ trang trải cuộc sống, chị nghỉ việc.

Đây cũng là “chiêu” của rất nhiều DN hiện nay. Khi Công ty Dục Quân (quận 8-TPHCM) đóng cửa vào đầu tháng 10-2009, ngay buổi sáng hôm đó,  nhân viên nhân sự của một công ty may tại KCX Linh Trung (quận Thủ Đức –TPHCM) đã có mặt phát tờ rơi kêu gọi CN đến làm việc. Mức lương mà công ty này đưa ra là 3 triệu đồng/tháng. Nhiều CN xôn xao, nhưng một CN cho biết đã từng làm việc ở công ty trên, muốn đạt mức lương 3 triệu đồng/tháng thì phải tăng ca hơn 100 giờ/tháng.

“Phù phép” bảng lương

Xây dựng thang, bảng lương với nhiều bậc để dãn thời gian tăng lương cho NLĐ được DN áp dụng phổ biến. Tại Công ty TNHH Thực phẩm TPHCM, có 15 bậc lương: Mức lương thấp nhất là 856.000 đồng/tháng nhưng mức lương cao nhất chỉ 2,4 triệu đồng/tháng. Dù kiên nhẫn cách mấy, NLĐ cũng không thể nào trải qua 15 bậc lương để có được mức lương cao nhất nhưng lại quá thấp như trên. Tương tự, Công ty Hoàng Xinh, H.L, N. K... (cùng ở quận Tân Bình – TPHCM) có đến 10 bậc lương nhưng mức lương cao nhất cũng chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Cách dãn bậc lương như trên là lợi bất cập hại. Mục tiêu phấn đấu quá dài lâu, quá nhiêu khê, trong khi mức hưởng thụ thấp, chắc chắn NLĐ phải tìm cơ hội khác. 

Tiền lương theo thỏa thuận chính là việc tôn trọng quyền lợi của cả hai phía. Nếu năng lực của NLĐ bị trả giá quá rẻ thì không những DN không có được NLĐ tốt mà còn cho thấy cái nhìn quá thiển cận của DN trong kinh doanh.

Theo Duy Phương (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.