Lương thấp, lao động tìm đường về quê

08/10/2009 14:22 GMT+7

8h sáng, "chợ lao động" ở dốc Bưởi, Giảng Võ... vắng hoe, chỉ có vài người đang túm tụm nói chuyện bên lề đường. Trong các phiên của sàn giao dịch việc làm Hà Nội, doanh nghiệp (DN) cũng phải "chạy đua" để tìm lao động phổ thông (LĐPT).

Tại các KCN, LĐ "khăn gói" về quê khá nhiều. Lương thấp, việc vất vả là nguyên nhân chính khiến "dòng" LĐ đang chảy ngược về quê.

"Không sống nổi ở thành phố”

Gặp Nguyễn Thị Thập (Giao Thủy, Nam Định) khi cô vừa nghỉ việc ở Cty Hoya tại KCN Bắc Thăng Long HN, cô cho biết: “Em lên HN làm đã được 4 năm, làm ca làm kíp đủ cả nhưng lương cũng chỉ 1,5 triệu/ tháng, tằn tiện lắm mới đủ sống. Nếu ở lại thành phố thì không sống nổi với mức giá cả hiện nay”.

CN đã làm việc từ 3 - 4 năm tại KCN đều tính đường về quê bởi một số DN đối xử với NLĐ theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, tăng ca, dãn ca liên tục, chế độ lương thưởng không đảm bảo, đến khi thiếu việc làm thì sa thải hàng loạt khiến họ luôn ở thế bị động, công việc bấp bênh.

NLĐ di cư ra thành phố với mong muốn chủ yếu là cải thiện đời sống, hy vọng sẽ được “đổi đời” ở thành thị nhưng khi vấp phải thực tế việc làm khó khăn, họ lại phải tìm đường về quê.

Theo bà Phạm Thúy Anh - GĐ Trung tâm hợp tác phát triển nguồn nhân lực, ràng buộc giữa DN và LĐ không chặt chẽ nên khó giữ chân LĐ. Một số DN sử dụng LĐ của Cty cung ứng (LĐ gián tiếp, LĐ hợp đồng, LĐ thầu phụ...) nên lương, thưởng và các chế độ khác của CN hợp đồng rất eo hẹp. Có CN chuyển vài chỗ làm trong 1 năm, nguyên nhân chủ yếu vẫn là “lương không đủ sống” thấy DN nào trả cao hơn thì chuyển.

Cần tạo nhiều việc làm tại chỗ

Mặc dù sức ép về việc làm cho LĐ nông thôn khá lớn, số lượng người trong độ tuổi LĐ thất nghiệp đang chiếm tỉ lệ cao, nhưng số LĐPT không thích làm việc ổn định tại các DN, Cty, KCN cũng đang có xu hướng gia tăng.

Khi mức thu nhập không đủ trang trải cuộc sống họ sẽ về quê tìm việc hoặc dịch chuyển từ thành thị này sang thành thị kia để tìm việc. Ông Vũ Xuân Phong – Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề Sở LĐTBXH Ninh Bình - đánh giá: “KCN ở địa phương đang trở thành nơi thu hút LĐ tại chỗ vì lợi thế gần nhà, chi phí sinh hoạt không cao. Vấn đề đặt ra là kết nối các cơ sở đào tạo nghề với các DN để giúp LĐ có nghề ổn định, tạo việc làm bền vững”.

Thực tế, LĐPT khó bám trụ lại thành phố khi không tiền trả sinh hoạt phí, không tay nghề. Họ về nông thôn là sự chuyển dịch hợp lý làm giảm bớt căng thẳng về việc làm ở đô thị.

Tuy nhiên, "dòng chảy ngược” này chỉ tạm thời bởi cuối năm việc thời vụ nhiều, LĐ sẽ lại ra thành phố kiếm việc. Câu hỏi đặt ra cho các DN “khát” LĐPT là làm thế nào để thu hút nguồn nhân lực dồi dào từ nông thôn vẫn không có lời giải bởi với mức lương thấp NLĐ dù muốn ổn định cũng không thể gắn bó với DN. Họ chỉ xem công việc ở thành thị là cách “tăng thêm thu nhập” chứ không phải để tạo dựng cuộc sống lâu dài.

Theo Linh Nhung / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.