Môi giới gia sư... “nổ”

01/11/2009 14:04 GMT+7

Nắm bắt nhu cầu muốn làm thêm bằng việc dạy kèm của nhiều sinh viên (SV) lẫn giáo viên, các trung tâm gia sư (GS) mọc lên như nấm sau mưa. Trong đó không ít cơ sở tìm cách “moi tiền” người xin việc. Mời nghe đọc bài

Giữa tháng 10, anh P. (ngụ ở P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) gọi điện đến Báo Thanh Niên phản ánh: “Công ty TNHH Yến Điệp chi nhánh trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, thời gian gần đây cứ liên tục cho GS đến nhà tôi, trong khi tôi đã bảo không có nhu cầu. Chưa đầy một tháng đã có cả chục người. Tôi bận buôn bán lu bu mà phải tiếp điện thoại, tiếp những vị khách không mời mà đến. Chịu hết xiết rồi!”.

Khi chúng tôi tìm đến nhà, anh P. đưa ra một số giấy giới thiệu GS của công ty này. Chưa hết bức xúc, anh nói: “Tội nghiệp mấy em SV, đã nghèo còn bị moi tiền. Em nào cũng cho biết phải đóng trước gần 300 ngàn đồng”. Anh P. cũng nói, lẽ ra Công ty Yến Điệp nên cử người trực tiếp đến gia đình anh tìm hiểu nhu cầu, đằng này cứ để mặc GS chịu đựng những lời trách mắng “giận cá chém thớt” từ phụ huynh.

“Nhiều người biết tiếng lắm (?!)”

Ngày 22.10, trong vai người cần kiếm chỗ dạy kèm, tôi tìm đến cơ sở Công ty TNHH Yến Điệp ở số 602/39/15 đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh. Tiếp tôi là một thanh niên có cặp mắt tròn xoe, nói liên hồi. Anh này hỏi tôi dạy được môn gì. Tôi “nổ banh trời” rằng tôi đang là giáo viên ngoại ngữ trong một trường cấp 3  ở Q.Tân Bình và có thể dạy được những lớp Anh văn trình độ cao. Không hề kiểm chứng giấy tờ của tôi, anh nhanh nhảu giở quyển sổ xem qua rồi bấm điện thoại...

Anh chàng thao thao với tôi: “Em giới thiệu cho chị chỗ này ngon lắm! Lương 700 ngàn đồng/tháng, tuần dạy 2 buổi, mỗi buổi chỉ một tiếng rưỡi. Lúc trước, em giới thiệu giáo viên nam đến nhưng chủ nhà không thích vì con họ là nữ”. Tôi hỏi: “Công ty không cử người đi với tôi, chủ nhà không tin thì sao?”. Nhân viên này đáp: “Chị lo gì! Có giấy giới thiệu, mộc đỏ hẳn hoi của công ty mà. Nhắc đến trung tâm GS này, nhiều người biết tiếng lắm (?!)”.

Rồi anh ta chìa ra trước mặt tôi hai bản hợp đồng, bảo tôi đồng ý thì ký vào. Bản hợp đồng có đến 12 điều, chiếm gần hai mặt giấy, chủ yếu quy định trách nhiệm của GS. “Chị đóng 40% tháng lương đầu, tức là 280 ngàn đồng và giữ một bản hợp đồng này”. “Lỡ phụ huynh không nhận, đại khái là không do lỗi của GS thì tôi có được hoàn tiền?” - tôi thắc mắc thì nhận được câu trả lời: “Trong hai ngày, chúng em sẽ giới thiệu chỗ khác cho chị liền. Giả sử chị muốn lấy lại tiền thì chờ từ 7- 14 ngày. Nhưng chị phải chịu mất 10% cho phí liên lạc trên số tiền đã đóng”. Tôi lại chê lương thấp, địa điểm xa... thì anh ta nói ngay: “Khi chị dạy hay, con họ thích, phụ huynh tiếc gì mà không bồi dưỡng thêm cho chị. Nhiều GS ở đây từng được như vậy rồi”...

Trong mọi trường hợp, cho dù lỗi của ai thì gia sư cũng là người chịu thiệt thòi. Chẳng hạn, phụ huynh yêu cầu giáo viên nam mà trung tâm cử giáo viên nữ đến...” Nguyễn Thị Thu Oanh (quê Trà Vinh)

Nếu không tự nhắc mình chỉ là “người đóng vai”, chắc tôi cũng khó lòng cưỡng lại tài thuyết phục của nhân viên trung tâm nói trên.

Kỷ niệm đau thương

Không cần nhìn giấy, cô Nguyễn Thị Thu Oanh (quê Trà Vinh) có thể đọc vanh vách một loạt địa chỉ các trung tâm GS trên địa bàn TP.HCM.

Bản thân Thu Oanh cũng đã gặp nhiều “kỷ niệm đau thương” khi tìm chỗ dạy kèm. Cô khẳng định, trong mọi trường hợp, cho dù lỗi của ai thì GS cũng là người chịu thiệt thòi. Chẳng hạn, phụ huynh yêu cầu giáo viên nam mà trung tâm cử giáo viên nữ đến; hoặc khi đến nơi thì phụ huynh bảo không có nhu cầu...

“Trường hợp này, trung tâm sẽ không trả tiền lại cho bạn mà bảo bạn chờ đợi, khi có lớp họ sẽ gọi lại. Nhưng họ lần lữa mãi, bạn phải rút lại tiền. Và theo hợp đồng, bạn phải chịu thiệt 10%”, Thu Oanh chia sẻ. Cô cho biết bản thân “cạch tới già” một số trung tâm GS mà theo cô là không uy tín như họ quảng cáo rầm rộ, đó là: Trung tâm K.T.T (một cơ sở ở P.4, Q.Gò Vấp; một cơ sở ở Q.Tân Bình); Trung tâm G.T (đường Tô Hiến Thành, Q.10)...

D., SV trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) là một trong những người bị Trung tâm GS N.V (P.22, Q.Bình Thạnh) giới thiệu “sai địa chỉ”. Cô cho biết, đây là lần đầu cô đi dạy kèm (dạy vẽ). Nhưng không ngờ “món quà” cô nhận được sau khi đóng 280 ngàn đồng trong ngày 4.10 cho trung tâm trên là... tràng mắng té tát của phụ huynh. D. cho hay, trung tâm hẹn lúc nào có lớp vẽ sẽ gọi. Chờ và... nản, D. xin rút tiền lại. Nhưng trung tâm hẹn đến ngày 2.11 mới giải quyết.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thu khăn gói lên TP.HCM tìm việc làm sau một năm tốt nghiệp trường ĐH Cần Thơ. Không có kinh nghiệm trong những công việc khác, Thu quyết định bám lấy nghề dạy kèm. Từ ngày 30.4 đến nay, Thu quay như chong chóng giữa 7 lớp học, với 12 học sinh từ lớp 1 - lớp 9. Bình quân mỗi tháng Thu kiếm được 8 triệu đồng. Bí quyết tìm được các lớp dạy kèm của GS năng động này là: săn lùng thông tin – chọn những trung tâm uy tín; hỏi càng chi tiết về công việc càng tốt; đọc thật kỹ hợp đồng trước khi ký; yêu cầu trung tâm cam kết rõ ràng...

Nhu cầu rất lớn

Mặc dù dạy kèm là nhu cầu lớn trong SV nhưng vẫn còn quá ít trung tâm hỗ trợ SV chuyên giới thiệu công việc này.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng - Phụ trách bộ phận việc làm Trung tâm hỗ trợ SV TP.HCM nhìn nhận: "Trước đây, trung tâm có lập nhóm GS nhưng hiện đã tan rã do hoạt động không mấy hiệu quả". Anh Hoàng cho biết, cách đây 2 năm, trung tâm cho in 10 ngàn tờ rơi (300 đồng/tờ) phát rộng rãi đến nhà dân. Thế nhưng, đa số phụ huynh vẫn muốn tìm đến những trung tâm chuyên giới thiệu gia sư. Theo anh Hoàng, trong tháng 11 này, trung tâm sẽ khôi phục đội hình gia sư.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ SV và việc làm trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho hay: số lượng lớp dạy kèm (giới thiệu hoàn toàn miễn phí) chiếm khoảng 60% trên tổng số việc làm thêm giới thiệu cho SV tại trung tâm. Chị Thúy khẳng định: "Nhu cầu của SV về việc dạy kèm là rất lớn. Thời gian qua, trung tâm đã nhận nhiều phản ánh của SV về việc cần tăng cường công tác giới thiệu lớp dạy kèm. Tuy nhiên, do văn phòng trung tâm nằm trong khuôn viên của trường ĐH Bách khoa nên hạn chế việc giao dịch. Nhiều phụ huynh có nhu cầu tìm SV của trường nhưng không có thông tin".

Nguyễn Như

Phóng sự của Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.