Một cuộc đời - Kỳ 3: Người tù khổ sai (*)

20/04/2006 22:44 GMT+7

* Kỳ 1 * Kỳ 2 ...Lãnh án mười hai năm tù khổ sai tại Buôn Ma Thuột, Trương Kiểm trăn trở giữa sự sống và cái chết. Chết mòn mỏi trong tù? Cánh chim từng vẫy vùng tìm kiếm tự do khắp chân trời nay phải chịu một bề xếp cánh.

m thầm trong thế giới nhà tù chờ đợi sao? Máu trong người sôi động đòi tháo cũi sổ lồng, dù đã tính tới hiểm nguy luôn kề cận. Trương Kiểm lại gặp may lần nữa. Anh có người chia sẻ: Võ Toàn - con người đã xuất hiện ở cái làng Phụng Tây năm nào để công nhận tổ chức Đảng cơ sở của "bọn trẻ". Người bình thường tin rằng số phận anh "có bề trên giúp đỡ". Ở đây chí lớn gặp nhau trên con đường lớn! Họ vượt ngục bằng thùng phi lăn xuống suối giống như Nguyễn Thành Hản, người cộng sản nổi tiếng, đồng hương với Trương Kiểm đã làm. Cả hai đều thất bại ở hai thời điểm khác nhau. Việc bại lộ, Nguyễn Thành Hản bị xử bắn. Bấy giờ, "Mẫu quốc" còn yên vị trên chiếc ghế thuộc địa. Khi nhóm Trương Kiểm bị lộ trong thùng phi, "Mẫu quốc" đang chết gí dưới gót sắt Đức quốc xã. Anh thoát nạn xử bắn.

Thời cơ thoát ngục dường như chỉ có một. Thời gian ủng hộ, anh tiếp tục sống cùng chi bộ Đảng với những con người nổi tiếng chống thực dân. Ngoài Võ Chí Công còn có Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực - những thuyền trưởng dày dạn đại dương, mà anh là thủy thủ từng trải. Thấm thoát đã 3 năm trôi qua anh ở nhà lao khét tiếng này. Tình hình bên ngoài biến đổi nhanh chóng: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Mệnh lệnh có một không hai như ngòi nổ đã châm ra toàn đất nước. Như cởi tấm lòng, hàng nghìn tù chính trị Buôn Ma Thuột bung ra. Đây mới là thời khắc lịch sử trao chìa khóa vạn năng tháo cũi sổ lồng, mở hội non sông. Rừng núi Tây Nguyên bừng dậy giấc ngủ nghìn năm mở lối cho những người cùng khổ bay vù đi bốn phương trời. Những cánh chim khao khát uống ánh trời tự do, suối thanh xuân lặn lội trong đau khổ tìm kiếm tự do. Trương Kiểm bật lên như mũi tên cùng với ba đồng chí nữa lao vút xuống đồng bằng Phú Yên, sẵn sàng quật đổ bộ máy  chính quyền cũ, quét rác rưởi tàn dư khi có lệnh.

Bắt đầu bằng cái gì đây trong khi chỉ có hai bàn tay trắng? Một lần nữa, đối với anh, tổ chức là trước hết! Kinh nghiệm cuộc đời chăng? Giờ đây cũng không thể ngồi nhìn những biến động dữ dội từng ngày trước mắt và thời cơ nhích gần thêm cháy cả ruột gan. Lập tức anh cùng với bốn đồng chí nữa lập ra Tỉnh ủy lâm thời. Anh đổi tên mình thành Trương Kim An. Bọn chỉ điểm chịu chết không thấy Trương Kiểm đâu nữa. Các huyện ủy ra đời, các tổ chức đội ngũ quần chúng mở rộng khắp tỉnh Phú Yên. Lúc này đang là những ngày tháng 5.1945. Những ngày tháng bát nháo trên đường phố luôn có tiếng rêu rao "Đại Đông Á vạn tuế". Ngọn gió độc này đang cố làm ô nhiễm bầu không khí khắp nơi bằng thứ "độc lập" bánh vẽ của thiên hoàng. Tỉnh ủy lâm thời và con người như Trương Kiểm làm sao có thể ngồi yên được? Phú Yên sôi sục táo bạo mở trang sử mới! Thành lập Ban khởi nghĩa, Trương Kim An được cử làm trưởng ban.

Từ đây qua mỗi chặng đường khói lửa, Trương Kiểm lại phải đổi tên mới. Đối với tôi, anh vẫn là người thanh niên hàng xóm năm nào trong sương sớm. Cho nên mới dại dột khi anh tới thăm nhà, vội chào "anh Kiểm" liền bị ông già mắng: "Thôi anh, cháu nó không biết!". Không biết hai người nói với nhau chuyện gì, lắng lặng trầm trầm như linh cảm cuộc chia tay không tránh khỏi. Hai cuộc đời đầy sôi động và biến động này cùng xuất phát từ cái xóm nhỏ làng Phụng Tây xa xưa, những tưởng chỉ "lạc quan phơi phới" trên đường, san bằng mọi gian nguy đi tới mọi chiến thắng.


“Giữa rừng bàn bạc việc quân”. Đồng chí Trương Chí Cương (ngồi giữa, bàn đầu) cùng với đồng chí Võ Chí Công (ngồi bên phải, bàn đầu)

Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy đang vào hồi kết. Lạ làm sao, hơn hai chục năm sau, tôi lại có dịp đứng bên giường bệnh chành thanh niên ấy trong phút chót đời mình giữa lúc quân ngụy đang xô nhau trốn chạy khỏi Buôn Ma Thuột. Ông còn tỉnh táo nhưng chỉ nói được mấy tiếng phều phào: "Điểm trúng huyệt rồi!". Ông chỉ được nhấm một tí quả ngọt mà suốt đời đã "hiến dâng" vì nó.

Tôi vẫn dắt xe chầm chậm trên đường Trương Chí Cương giữa trưa hè nắng lửa, lần theo dấu vết ông những năm tháng làm nên một đời người. Hình như nơi nào có khó khăn, người ta lại điều chàng thanh niên này tới. Cuối năm 1946, tỉnh Ninh Thuận bị giặc Pháp đánh phá khắp nơi, Trương Kiểm khăn gói lên đường vào làm Bí thư Tỉnh ủy theo yêu cầu của Xứ ủy Trung Bộ. Chưa hết, rồi anh sẽ phải đi nữa, hoặc đòi được đi nữa cho đến ngày kiệt sức, nhưng không "nằm rên". Hàng núi việc buổi đầu kháng chiến đang chờ. Là thanh niên chưa vợ, anh chỉ có cái túi xách bên mình và một trái tim đầy máu nóng. Không kể ngày đêm, con người này quyết cùng tỉnh ủy sống quên mình trong cuộc Kháng chiến 9 năm. Lần thứ hai, anh đổi tên mình thành Trương Công Thuận. Hồ sơ cũ của Pháp để lại, không tìm ra cái tên Trương Kiểm mang án tù khổ sai ở đâu.

Những ngày tháng chiến đấu ấy, cái gì cũng nóng bỏng, cũng khẩn cấp! Khẩn cấp giành lại trong tay địch vùng nông thôn rộng lớn! Khẩn cấp lập lại căn cứ địa chiến khu Bắc Ái! Khẩn cấp đưa người đi nằm sát cơ sở, đi giữ chính quyền. Khẩn cấp tạo dựng bộ đội địa phương! Có một khẩn cấp riêng tư nữa thật êm đềm: một mối tình Trương Kiểm - Kim Xuyến ngọt lịm đất Ninh Thuận quê vợ. Ấy là vào năm 1947, Kim Xuyến, cô gái đội mũ tai bèo thắt lưng da, vượt qua đoạn đường nắng cháy, giọng trong trẻo, cái giọng con gái Ninh Thuận nghe dịu mát cả trưa hè: "Áo quần tôi luôn sạch. Ảnh giặt cho tôi đó!". "Anh em họ xì xào, ảnh cứ giành, đem ra suối giặt!".

Theo chồng, Kim Xuyến lấy tên mới để che mắt địch, Đức - tên con gái đầu lòng của chị. Cháu bé phải gửãi bà ngoại trong vùng địch tạm chiếm. Chuyện chẳng ai ngờ tới, cháu bé phải chịu biệt tăm ba mẹ gần ba mươi năm liền, tưởng sẽ sum họp sau ngày thống nhất đất nước. Nhưng thật trớ trêu, cha mẹ không còn nữa!

Năm 1950, trên đất Bình Thuận, Trương Công Thuận được triệu tập dự hội nghị toàn Đảng ở Việt Bắc với tư cách ủy viên Phân khu cực Nam (Khu VI cũ). Với niềm vui tràn ngập, anh vượt qua trăm suối ngàn khe nuôi ước mơ gặp vị lãnh tụ tài ba của dân tộc. Mới hay trời không phụ lòng người! Anh tưởng mình nằm mơ, giấc mơ suốt một đời người chưa dễ đã có giữa những ngày đất nước còn sôi bỏng trong khói lửa.

Đoàn Xoa (Còn tiếp)

(*) Tít do Thanh Niên đặt

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.