Mua bán ngoại tệ ở đâu thì không bị phạt?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/10/2018 13:40 GMT+7

Ngày càng nhiều bạn trẻ đi du lịch, công tác nước ngoài có nhu cầu mua bán ngoại tệ , tuy nhiên có số ít người quan tâm nơi đó có được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước hay không.

Mới đây, vụ việc một người ở Cần Thơ bị phạt tới 90 triệu đồng khi đi đổi 100 đô la Mỹ ra tiền Việt Nam ở một tiệm vàng không được cấp phép mua bán ngoại tệ được nhiều người chú ý.
Nơi nào tiện lợi thì tới
[VIDEO] Quan điểm của các luật sư về việc xử phạt người đổi 100 USD
Anh Trần Văn Tiến, trú đường Nguyễn Duy, P.9, Q.8, TP.HCM cho biết anh hay tới một số tiệm vàng trên đường Nguyễn Thị Tần, Q.8 khi có nhu cầu mua bán đô la Mỹ, Hồng Kông, Singapore trước các chuyến đi du lịch. “Khi cần đổi ngoại tệ, tôi hay tới tiệm vàng quen biết và uy tín, giao dịch nhanh chóng, không cần thủ tục, giấy tờ gì lòng vòng”, anh Tiến chia sẻ.
Khi được hỏi, anh có quan tâm tới tiệm vàng này cho phép mua bán ngoại tệ không, anh Tiến nói: “Tôi không để ý, tôi mua bán ở đây cả chục năm rồi, không thấy vấn đề gì”.
Nhiều người đổi ngoại tệ tại một tiệm vàng ở TP.HCM ngày 24.10 Trung Dung
Chị Nguyễn Cao Như, 27 tuổi, cựu sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết cô hay tới trung tâm đổi tiền tại góc Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp (TP.HCM), đây là nơi được phép giao dịch ngoại tệ của một ngân hàng.
“Tại đây không chỉ đổi được đô la Mỹ, Hồng Kông, tôi còn có thể đổi được ngoại tệ của nhiều quốc gia như Lào, Campuchia…”, chị Như nói.
Anh V.H. 28 tuổi, cựu phóng viên tại tạp chí Thể thao văn hóa và đàn ông, trú Q.1, TP.HCM, nói: “Trước đây tôi hay đổi tiền ở các tiệm treo biển đổi tiền, nhưng vì công việc bận rộn, tôi thường đổi tiền ở ngay các sân bay”.
Theo anh V.H: “Tôi không quan tâm tới chuyện các tiệm, trung tâm hay nơi tôi đổi tiền có được cho phép hay không vì đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước ngăn chặn những trung tâm làm việc trái pháp luật. Nếu đã có cơ sở đổi tiền ngay mặt đường rồi thì nhà nước phải quản lý, người dân đến sử dụng dịch vụ, làm sao có thể quản hết được, chẳng lẽ tới nơi hỏi chị ơi ở đây có được phép đổi tiền không thì em mới đổi sao?”.
Theo ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện nay có 97 đại lý thu đổi ngoại tệ của 72 tổ chức kinh tế làm trong các lĩnh vực cơ sở lưu trú du lịch, sân bay quốc tế, trò chơi điện tử có thưởng, trung tâm thương mại…
Những đại lý này đều có bảng hiệu để người dân nhận biết đó là đại lý của ngân hàng nào.
T.Xuân - M.Phương
Bà Nguyễn Thị Anh, 67 tuổi, công nhân nghỉ hưu, trú đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM, cho biết con gái mỗi năm đều gửi tiền đô la Mỹ từ nước ngoài về để biếu bố mẹ, bà thường tới một số tiệm vàng gần chợ Bến Thành, Q.1 để đổi mà cũng không biết nơi đó có được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước hay không. “Tôi chưa bị phạt bao giờ, cũng chưa thấy ai hỏi gì đến giấy tờ chứng minh tôi đổi tiền làm gì. Ở đâu tiện như vậy thì tôi đến thôi”, bà Anh nói.
Đổi tiền ở đâu thì không bị phạt?
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mua, bán ngoại tệ. Bên cạnh đó, người dân có thể tới các điểm kinh doanh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh ngoại tệ.
Bà Lê Thị Hiền, Giám đốc tài chính, Tập đoàn DOJI (có thực hiện thu mua ngoại tệ tại 1 trung tâm trong hệ thống được Ngân hàng Nhà nước cấp phép) cho biết trong bối cảnh hiện nay, thị trường mua bán ngoại tệ trên "chợ đen" vẫn hoạt động sôi nổi.
"Việc thu đổi ngoại tệ trên thị trường 'chợ đen' thường đơn giản hơn về thủ tục nên nhiều khi khách hàng theo thói quen cũng vẫn thực hiện việc giao dịch trên thị trường tự do. Tuy nhiên, họ không nghĩ đến những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn khi không thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước", bà Hiền nói.
Người dân đổi ngoại tệ tại một điểm thu đổi có phép tại Q.Bình Thạnh TP.HCM ngày 24.10 Ngọc Dương
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, luật sư Nguyễn Minh Thuận, đoàn luật sư TP.HCM cho rằng việc quản lý các địa điểm trao đổi USD hay các ngoại tệ khác hợp pháp thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều người dân tới một tiệm vàng hay một trung tâm đổi tiền có thể không biết nơi đó có được cấp phép hay không. Cách tốt nhất đó là mỗi trung tâm trao đổi ngoại tệ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động hãy treo tấm biển lớn để tất cả khách hàng của mình có thể nhìn và phân biệt với những địa điểm mua bán ngoại tệ "lậu", bất hợp pháp.
"Thậm chí, mỗi trung tâm này có thể dán ngay giấy phép hoạt động, được phép trao đổi mua bán ngoại tệ của mình ngay ở cửa hàng để ai tới cũng có thể nhìn thấy. Nếu cửa hàng nào, trung tâm nào cũng có thể làm điều này mà khách hàng vẫn thích gần, thích tiện lợi mà chọn những nơi không có giấy phép thì họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật với việc mua bán ngoại tệ vi phạm pháp luật của mình", luật sư Thuận nêu ý kiến.
Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế. Trong đó có ghi rõ điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ:
Có địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm theo quy định sau: Cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên; cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thủy); khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài được cấp phép theo quy định pháp luật; văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam; khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có khách nước ngoài tham quan, mua sắm.
Có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ: Có nơi giao dịch riêng biệt (phòng hoặc quầy giao dịch không gắn liền với các hoạt động kinh doanh khác, chỉ chuyên làm dịch vụ đổi ngoại tệ); nơi giao dịch phải trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc tối thiểu bao gồm điện thoại, máy fax, két sắt, bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ.
Nhân viên trực tiếp làm ở đại lý đổi ngoại tệ phải có giấy xác nhận do tổ chức tín dụng ủy quyền cấp, xác nhận đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả.
Có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.