Năm chàng trai đi khắp Ấn Độ

28/11/2006 22:09 GMT+7

Sau 5 ngày lang thang qua các thánh tích của Phật giáo ở Ấn Độ và Nepal, đến ngày thứ 6, tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng (Podhgaya) ở bang Bihar của Ấn Độ thì bất ngờ gặp 5 chàng trai trẻ VN...

Ở Ấn Độ, gặp người VN không khó, nhất là ở những khu di tích Phật giáo. Tôi đã gặp rất nhiều người Việt ở Lâm Tỳ Ni (Nepal), ở kinh thành Xá Vệ, ở Nalanda, ở Câu Thi Na... Họ là du khách, là tu sĩ đi hành hương, là người đi học đạo, là kẻ đi xây chùa, là người đi truyền đạo... Nhưng 5 chàng trai trẻ này là trường hợp đặc biệt mà tôi chưa từng gặp.

Mới nhìn dễ lầm tưởng họ là những chàng trai bản xứ hoặc là dân đến từ Nepal hay Tây Tạng bởi vì râu tóc và cách ăn mặc của các chàng đã phần nào Ấn hóa. Nhờ một ni sư đến từ Đà Lạt mà tôi biết các bạn trẻ là người VN, vừa đến đây chừng vài tháng từ TP.HCM.

Năm bạn trẻ đó là Trần Quang Hiếu, Hoàng Hà, Thái Hoàng Phương, Nguyễn Đức Bo Toàn, Trần Thiên Sinh; tất cả đều là kiến trúc sư mới tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cách đây 2 năm. "Các bạn qua đây bao lâu rồi?", tôi hỏi. Hiếu trả lời: "được gần 2 tháng".

Trên đường theo ni cô Hồng Liên về thăm Trung tâm Thiền quốc tế, các chàng trai kể cho tôi nghe tên hàng loạt thành phố ở Ấn Độ mà các bạn đã đi qua. Các bạn ấy kể vanh vách các tên Ấn Độ mà tôi không thể nào ghi ra và nhớ hết được. "Tóm lại là bao nhiêu thành phố?" - đáp: "20 thành phố của 8 bang phía bắc". "Trời! Chỉ chưa đầy 2 tháng mà các bạn đi được nhiều vậy sao?" - Đáp: "Không những chỉ đi lướt qua mà bọn em còn dừng lại từng nơi xem xét, tham quan kỹ lưỡng".

Tôi chợt  quan tâm đến cách đi và vấn đề tiền nong của các bạn, bởi tôi đi theo một đoàn tham quan do Công ty lữ hành East Sea tổ chức, chỉ đi có 12 ngày và thăm khoảng 8 địa điểm đã tốn hết gần 2.000 USD cho mỗi người. Các bạn trẻ cho biết, mỗi bạn bỏ ra 1.500 USD rồi tự tổ chức đi, tiền vé máy bay từ VN qua New Delhi (hai chiều) hết 700 USD, số còn lại dùng để di chuyển từ New Delhi đi khắp nơi và dùng để ăn uống.


Đền Taj Mahal

"Bọn em ăn cơm bụi và di chuyển bằng tàu hoặc xe đò theo kiểu ba lô, tối ngủ lại nhà trọ rẻ tiền". Tôi chợt ái ngại cho các bạn vì tôi biết thức ăn bình dân của người Ấn không dễ nuốt trôi, chưa nói đến tập tục trong ăn uống lẫn vệ sinh. Ấn Độ là nước có trình độ khoa học kỹ thuật và nhiều ngành công nghệ đạt đến đỉnh cao nhưng dân Ấn nhiều nơi còn quá nghèo, phố xá nhếch nhác, người buôn kẻ bán lộn xộn, nhà cửa nhiều nơi quá nhỏ bé chật chội và chen chúc. Các bạn trẻ ấy đã sống theo kiểu ba lô gần hai tháng ở đây quả là rất giỏi.

"Điều gì thôi thúc các bạn đến đây và chịu đựng được khó khăn gian khổ như vậy?" - "Bọn em biết đất nước Ấn Độ có nhiều điều kỳ diệu, đặc biệt là những công trình kiến trúc, cổ đại cũng như hiện đại. Qua sách vở, bọn em biết nơi đây có những tác phẩm tầm cỡ của các "cây cổ thụ" siêu hạng trong làng kiến trúc thế giới ở thế kỷ 20 như Le Corbusier, Louis I.Kahn... Do vậy bọn em tìm mọi cách để sang đây tham quan tìm hiểu và học tập. Bọn em đi là để học!

"Thế những công trình nào gây cho các bạn ấn tượng mạnh mẽ nhất?" - "Về cổ đại dĩ nhiên là đền Taj Mahal nổi tiếng thế giới, anh đã đi đến đó chưa?". "Chưa, nhưng tôi sẽ đến đó vào vài ngày sắp đến. Ngoài ra?" - "Các pháo đài cổ ở khắp các thành phố do các tiểu vương xây dựng từ thời xa xưa. Anh có từng nghe nói về các pháo đài này?" - "Hoàn toàn chưa", tôi trả lời. "Mỗi pháo đài xây dựng theo mỗi kiểu khác nhau nhưng tất cả đều tuyệt vời về mặt kiến trúc. Nhưng quan trọng nhất là các đô thị hình thành và phát triển tự phát xung quanh các pháo đài. Đó là những đô thị cổ có từ cả ngàn năm nay, tuyệt vời lắm anh...". "Thế còn những công trình hiện đại?" - "Bọn em chưa đi hết tất cả các công trình nhưng cũng biết rằng ấn tượng nhất vẫn là tác phẩm của hai thiên tài kiến trúc thế giới như đã nói với anh. Đó là Thành phố Chandyga ở bang Punjap, vâng, cả một thành phố luôn. Người ta giao cho kiến trúc sư người Pháp Le Corbusier thiết kế ra cả một thành phố như vậy. Bọn em đến đây và đã choáng ngợp, thấy rằng tiền của và công sức bỏ ra để đi đến đây là xứng đáng. Rồi Trường đại học IIM do kiến trúc sư Louis I.Kahn người Mỹ thiết kế là một tuyệt tác về kiến trúc mà các kiến trúc sư không thể không tận mắt đến xem và học tập"...

Các bạn trẻ còn say sưa kể cho tôi nghe về nhiều công trình kiến trúc hiện đại danh tiếng khác ở khắp nước Ấn Độ mà các bạn đã đi qua. Các bạn cho biết rằng ở những công trình đó có rất nhiều kiến trúc sư khắp nơi đến tham quan học tập chứ không riêng gì các bạn. Khi được hỏi trước đây đã từng có kiến trúc sư trẻ nào qua đây tham quan học tập theo kiểu này hay chưa, các bạn nói: "Có chứ, trước bọn em đã có vài anh khóa trước đi rồi, nhưng các anh ấy đi riêng lẻ và ngắn ngày chứ không tổ chức thành một nhóm và đi dài ngày như thế này".

Đấy, 5 chàng trai đi khắp nước Ấn Độ là như vậy. Các bạn trẻ nào muốn đi tham quan và học tập những điều hay cái lạ ở xứ người, không riêng ngành kiến trúc. Nếu muốn học hỏi kinh nghiệm của người đi trước thì hãy viết thư về các địa chỉ sau đây để hỏi, tôi tin rằng 5 bạn trẻ này không từ chối trả lời: hababeo@yahoo.com; baotoan9x@yahoo.comtqhieeus@yahoo.com.

H.N.C

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.