Né… lời chúc

01/02/2011 16:01 GMT+7

(TN Xuân Tân Mão) Tết, người ta thường chúc nhau những lời tốt đẹp. Vậy mà có những người lại tìm mọi cách để “né” lời chúc của thiên hạ dành cho mình.

Minh Nương năm nay 33 tuổi. Cô là giáo viên tiếng Anh tại một trường dân lập ở TP.HCM. Ngày 24 tháng chạp âm lịch, cô háo hức chuẩn bị hành lý cho chuyến về quê ăn tết. Sau một năm làm việc quần quật, tối còn liên tục chạy sô ở những trung tâm ngoại ngữ nên Nương rất sung sướng khi nghĩ tới cảnh được nằm thảnh thơi trên chiếc võng trong khu vườn yên ả ở nhà mình, gác lại mọi lo toan. Chợt cô nhớ gần đây, mỗi khi điện thoại về nhà, mấy đứa cháu không kịp để cô hỏi thăm mà cứ đồng thanh hò hét trong máy: “Cô Nương ơi, lo lấy chồng đi!”; “Cô mau mau đẻ em bé cho con bồng, kẻo lớn tuổi rồi đẻ con chậm thông minh đó”(?!)... Sau mỗi câu của chúng, hình như có ai đấy đang “nhắc tuồng”!

Trút tâm sự với đứa em gái, nó nói: “Là mấy người hàng xóm nhà mình chứ ai. Họ bảo người lớn chúc chị đã nhiều lần, nhiều năm nhưng không ăn thua. Nên bây giờ họ chuyển sang “tập dượt” cho mấy đứa con nít, chờ chị về tết là tụi nó chúc tới tấp. Làm sao để chị sốt ruột lập gia đình mới thôi!”. Nghe đến đấy, Nương không biết nên cười hay mếu.

Nại cớ phải chạy tin cho một tờ báo mạng tại TP.HCM, Thu Miên (32 tuổi, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết cô sẽ về thăm gia đình khi... tết không còn. Thực ra, Miên ngại gặp nhiều người ở quê, ngại những lời chúc đại loại: “Chúc cô Ba năm mới có gì mới nghe”, hoặc “Cô Ba năm mới kiếm được tấm chồng”.

Miên bộc bạch: “Ở quê tôi, con gái ngoài 20 tuổi đã lấy chồng sạch bách. Quay đi quay lại hình như chỉ mỗi mình tôi còn “tồn kho”, nên bất đắc dĩ trở thành trung tâm chú ý”. Đó là chưa kể những người quá đỗi nhiệt tình còn liệt kê một loạt “viễn cảnh đen tối” lúc tuổi xế chiều để... hù người độc thân.

Không chỉ phụ nữ, ngay cả những đấng nam nhi cũng cho biết họ cảm nhận “áp lực vô hình” từ những người xung quanh khi kết hôn muộn hoặc không muốn lập gia đình. Anh Hòa, 35 tuổi, có hộ khẩu tại TP.HCM là mẫu người khá thành đạt, được nhiều cô gái ngưỡng mộ. Nhưng Hòa vẫn còn mải mê tập trung xây dựng sự nghiệp hơn là xây dựng gia đình. Ngỡ anh rất tự tin, ai dè gần đây gặp lại, Hòa cũng than thở: “Ngày thường đã khổ vì đi đâu cũng bị hỏi thăm vụ lấy vợ muộn. Tết đến càng bội thực bởi những lời chưa nói ra đã biết họ chúc gì!”. Anh này bổ sung: “Khổ nữa là khi làm bất cứ thứ giấy tờ gì từ đứng tên giấy tờ nhà đất, xe cho đến vay tiền… đều phải làm chứng nhận độc thân. Riết rồi mấy cán bộ phường cũng quen mặt với cái mác độc thân của mình vì ký riết”.

Tết năm ngoái, ở quê tôi suýt xảy ra vụ ẩu đả vì liên quan đến những lời chúc. Số là, khi gặp một anh kỹ sư máy tính 38 tuổi làm tại Nha Trang - Khánh Hòa lâu ngày trở về quê cũ trong tình trạng “độc thân bền vững”. Nhiều người trong xóm chúc anh mau mau lấy vợ, sinh con. Một người chúc, hai người chúc, anh kỹ sư nọ còn vui vẻ nói cười. Nhưng càng về sau, anh đâm ngượng và cuối cùng chuyển sang nổi dóa lúc nào không hay. Lời lẽ chân quê có khi không rõ ý khiến anh kỹ sư cho rằng người ta đang chế giễu hoặc thương hại mình, thậm chí còn nghi ngờ giới tính thật của anh.

Hoàng Châu - 36 tuổi, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận cho hay trước đây chị cũng từng "né" tết bằng nhiều cách (đi du lịch, trốn biệt trong nhà...). Tuy nhiên, sau thời gian đeo đuổi thực hiện những đam mê của mình, chị trở nên yêu đời hơn: "Càng ngày, những lời chúc như thế càng dày lên theo tuổi tác. Những lời chúc ấy không thể biến chuyển cuộc đời mình". Chị Châu chia sẻ thêm: “Khi bạn ở hoàn cảnh như tôi và nhận những lời chúc “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, bạn đừng nên căng thẳng làm gì. Ngược lại, hãy xem đó là niềm vui vì còn có những người quan tâm đến bạn”.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.