Nếu anh là người tình...

08/07/2010 10:07 GMT+7

Đối với nhiều cô gái trẻ Trung Quốc, yếu tố quan trọng nhất trong tình yêu chân chính là những con số.

Một người đàn ông lý tưởng có thể cần có ngoại hình tương đối, khiếu hài hước, nhưng điều quan trọng nhất là anh ta phải sở hữu một ngôi nhà diện tích rộng rãi, một tài khoản ngân hàng nhiều chữ số và một chiếc xe hơi sang trọng thì càng tốt.

Ít nhất đó cũng là những gì người ta suy luận khi xem truyền hình Trung Quốc hiện nay. Trong thời gian qua, hàng loạt chương trình hẹn hò trên truyền hình bùng nổ, thu hút một lượng khán giả khổng lồ, mà nổi tiếng nhất là Nếu anh là người tình, Hãy hẹn hò, hay Tiến thẳng tới tình yêu.

Thà ngồi khóc trong chiếc BMW

Trong chương trình gây tiếng vang nhất Nếu anh là người tình, các chàng trai và cô gái tham dự chương trình với mong muốn tìm thấy một nửa thật sự hoàn hảo của mình. Mỗi chàng trai tham dự phải trải qua ba vòng “kiểm duyệt” của 24 cô gái trẻ, đẹp trước khi có thể hẹn hò với một cô. Và điều quan trọng nhất đối với các cô gái tham dự chương trình là các chàng trai càng giàu càng tốt.

“Rất nhiều người coi trinh tiết là một yếu tố quan trọng, nhưng cô gái nông cạn Ma Nuo trong chương trình Nếu anh là người tình thì dùng sự trinh tiết của mình như giấy vệ sinh, vì cô ta muốn trở thành một ngôi sao. Vâng, thế giới này cần tiền, nhưng quan điểm tiền là tất cả rõ ràng rất sai lầm” - blogger tên Wang Xi Jie viết trên diễn đàn Tianya.com.

Trong một buổi quay chương trình Nếu anh là người tình, Ma Nuo, cô người mẫu 22 tuổi đến từ Bắc Kinh, đã gây sốc khi một chàng trai ngỏ ý mời cô đi dạo quanh thành phố trên chiếc xe đạp của anh. Cô Ma Nuo từ chối thẳng thừng và trả lời lạnh tanh: “Tôi thà ngồi khóc trong chiếc BMW còn hơn là cười vang ở ghế sau một chiếc xe đạp”.

Ma Nuo chẳng phải là ngoại lệ hay muốn chơi nổi. Zhu Zhenfang, cô gái khác tham gia chương trình Nếu anh là người tình, khiến khán giả ồ lên khi từ chối bắt tay một chàng trai và đòi anh ta phải “trả 200.000 nhân dân tệ (29.000 USD) cho vinh dự này”. “Tại sao lại là 200.000 NDT? - cô kiêu hãnh nói - Vì đó là mức lương cơ bản mà bạn trai tôi phải kiếm mỗi tháng nếu muốn yêu tôi”.

Trong một buổi thu hình chương trình Tiến thẳng tới tình yêu, nhiều cô gái đã bĩu môi khi một doanh nhân diện mạo bình thường, cao chỉ 1,60m tiến lên sân khấu. Nhưng khi người đàn ông khoe chiếc nhẫn kim cương 1,5 carat, ngôi biệt thự mới mua và chiếc siêu xe Lamborghini thì các cô gái nhao nhao vây lấy anh. Cũng trong chương trình này, một cô gái lớn tiếng tuyên bố: “Đừng bắt chuyện với tôi, trừ phi anh giàu có”.

Tương tự, trong chương trình Nếu anh là người tình, một nam thí sinh tên Liu Yunchao cũng giành được nhiều “tình cảm” nồng ấm từ phía các cô khi kiêu hãnh khoe anh ta đang sở hữu ba chiếc xe thể thao và một tài khoản có gần 900.000 USD.

Phản ánh thực trạng xã hội

Người dân Trung Quốc đã phản ứng dữ dội với những chương trình hò hẹn tôn sùng vật chất này. Một blogger viết trên diễn đàn trang Sohu.com: “Điểm gây tranh cãi nhất của các chương trình này là những người tham dự chỉ tôn thờ tiền bạc và người giàu, hoàn toàn trái ngược với những quan điểm truyền thống về tình yêu và sự tôn trọng... Nhưng chúng ta chẳng thể làm gì khi có quá nhiều người suy nghĩ như vậy”.

Cũng trên diễn đàn Sohu.com, nhà văn Xie Yong cho rằng hiện tượng này không có gì lạ lùng trong xã hội Trung Quốc khi mọi truyền thống đã bị đảo lộn. “Những phụ nữ xuất hiện trong các chương trình đó rõ ràng là có thị hiếu thấp kém” - ông Xie Yong chua chát bình luận.

Một điều đáng ngạc nhiên là dù bị phản đối dữ dội, các chương trình như Nếu anh là người tình vẫn thu hút lượng khán giả kỷ lục. “Với phần lớn giới trẻ Trung Quốc, các chương trình như thế phản ánh sự thật xã hội Trung Quốc - nhà báo Gao Qihui bình luận trên Trung Quốc Nhật Báo - Ngày nay, rất nhiều phụ nữ không muốn cưới ai chưa có nhà cửa đàng hoàng, và đàn ông luôn tin rằng họ sẽ không được phụ nữ tôn trọng nếu không có nhiều tiền”.

Nhà báo Gao khẳng định tôn thờ tiền bạc đang là xu hướng phát triển mạnh trong các mối quan hệ, như một khảo sát mới đây của Sohu.com cho thấy người trẻ Trung Quốc coi việc có nhà là yếu tố quan trọng nhất của một cuộc hôn nhân.

“Chương trình Nếu anh là người tình không chỉ là một trò chơi hẹn hò, mà giống như một tấm gương đa chiều phản ánh những giá trị xã hội”, nhà phê bình xã hội Chen Zhigang nhận định. Ông Xiang Jianxin, phó chủ tịch Công ty hẹn hò Baihe.com ở Bắc Kinh, cho rằng việc các chương trình hẹn hò trên truyền hình ăn khách cho thấy sự bất an của những người độc thân tại Trung Quốc và gia đình họ. “Họ muốn cưới nhưng lại thiếu cảm giác an toàn trong tình yêu và trong các mối quan hệ khác”, ông Xiang nhận định.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.