Ngại đến phòng tham vấn tâm lý vì sợ bị nói là người thần kinh

Tấn Đạt
Tấn Đạt
03/11/2020 18:34 GMT+7

Bị nói là thần kinh khi đến phòng tham vấn tâm lý, sợ biết bí mật của bản thân…Đó là những vấn đề mà nhiều người đặc ra trong buổi hội thảo về tâm lý tại một trường ở TP.HCM.

“Mẹ đâu có bị khùng”

Tại hội thảo Sinh viên và sức khỏe tinh thần do Trường ĐH Hoa Sen tổ chức vào cuối tháng 10, nhiều sinh viên (SV), giảng viên đã bày tỏ nhiều câu chuyện về vấn đề tâm lý của bản thân.
Mở đầu buổi trò chuyện, N.T.T.K, 19 tuổi, là SV khoa Thiết kế thời trang, Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ từ khi lên TP.HCM để học tập thì lối sống bị xáo trộn vì chưa thích nghi được, rồi nhiều khi buồn chuyện học hành cũng không biết tâm sự cùng ai, có những đêm stress không ngủ được.
“Em rất ngại đến phòng tham vấn tâm lý SV của trường để giải bày những thắc mắc, cũng như lo âu vì sợ mọi người nhòm ngó và biết mình gặp vấn đề nào đó, đặc biệt là sợ bị nói rằng là kẻ có vấn đề thần kinh, bị khùng”, T.K. nói trong lo lắng.

Nhiều bạn trẻ ngại đến nhưng nơi hỗ trợ tâm lý

Ảnh: Tấn Đạt

Là người đã trải qua lứa tuổi sinh viên, cũng như có những lo lắng trong giai đoạn tuổi trẻ, cô Lê Trần Kiều Vân, giảng viên khoa Kinh tế - Quản trị, Trường ĐH Hoa Sen, cho biết theo quan sát, SV thường có một rào cản rất lớn là khi ai đến phòng tham vấn tâm lý là nghĩ ngay đến việc có vấn đề về thần kinh, hoặc gặp một chuyện gì đó nặng nề trong cuộc sống.
“Hồi đó mình còn đi học cũng không dám đến phòng tham vấn tâm lý ở trường vì sợ mọi người nghĩ mình bị thần kinh. Ngay cả bây giờ, mỗi lần em gái hay mẹ mình bị stress thì mình nói rằng hãy đi tham vấn tâm lý để giải tỏa nhưng mẹ mình né tránh và nói 'mẹ đâu có bị khùng đâu'”, cô Kiều Văn tâm sự.

Hãy đến khi có những câu chuyện, khó khăn... còn rất là nhỏ

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, giảng viên bộ môn Tâm lý học, Trường ĐH Hoa Sen, cho biết thông thường chúng ta đã quen gắn việc gặp khó khăn, rối loạn tâm lý chung với việc tâm thần, dẫn đến chuyện ai đó đi tham vấn hoặc hỗ trợ tâm lý thì cứ nghĩ họ đang gặp một vấn đề gì đó rất kinh khủng hoặc có vấn đề về thần kinh.
“Đối với người nước ngoài việc đi tham vấn tâm lý không phải là khi bản thân bị rối loạn, hay mắc một vấn đề nào đó nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần. Đôi khi họ cần một định hướng, một người lắng nghe… để họ có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho mình”, thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân cho biết.
Cũng tại buổi hội thảo, thạc sĩ Lê Thị Minh Tâm, giảng viên tâm lý học Trường ĐH RMIT, chỉ ra những rào cản mà nhiều SV, bạn trẻ ngại đến tham vấn tâm lý như: Chưa thấy được hiệu quả của việc tham vấn, hay sợ chuyên gia không giữ bí mật cho mình… từ đó các bạn cứ ôm bầu tâm sự, để rồi dẫn đến những hệ lụy ngoài ý muốn như gây ra bệnh trầm cảm, nặng thì tự tử…

Các chuyên gia tâm lý chia sẻ trong buổi hội thảo

Ảnh: Tấn Đạt

“Hãy đến khi những câu chuyện, những khó khăn, những thử thách còn rất là nhỏ thì mọi chuyện sẽ được giải quyết nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn”, thạc sĩ Lê Thị Minh Tâm chia sẻ.
Cô Minh Tâm còn cho biết những bạn có dấu hiệu mất đi tính tự chủ của bản thân khi mà không biết mình muốn gì, cần gì…cũng nên đến phòng tham vấn tâm lý.
“Ngoài việc lo âu, hay stress thì có những thắc mắc, khó khăn liên quan đến quá trình phát triển tâm lý, sự tự tin của bản thân, những vấn đề nhận diện về giới… thì cũng cần tìm đến những chuyên gia tư vấn tâm lý để giải đáp”, cô Minh Tâm nói thêm.

Chia sẻ với những người biết lắng nghe

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi, công tác tại Công ty phát triển giá trị sống (TP.HCM), cho biết ngoài gặp các chuyên gia ở phòng tham vấn tâm lý uy tín, khi bản thân đang có vấn đề tâm lý thì nên đến phòng, ban hỗ trợ học sinh, sinh viên của nhà trường để được tư vấn. Đặc biệt là nên tâm sự, nói chuyện với những người thân yêu trong gia đình, bạn bè của mình. Hay những người có thể ngồi lắng nghe chia sẻ, động viên mình, trao cho mình niềm tin để bản thân có thể trút được gánh nặng ra bên ngoài.
“Nếu cứ giữ trong lòng sẽ tạo thành năng lượng xấu, gây hại cho suy nghĩ và cơ thể. Từ đó, dẫn đến những bệnh như sang chấn tâm lý, trầm cảm và dễ nguy cơ dẫn đến khủng hoảng, rồi tự hủy hoại bản thân bằng cách như rạch tay, tìm đến chất kích thích… để che lấp những nỗi đau đang có của họ, nguy hiểm nhất là tìm đến việc tự tử để kết thúc mọi chuyện”, chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.