'Ngân hàng máu sống' từ các y bác sĩ

05/04/2015 07:00 GMT+7

Không chỉ cấp cứu, chữa bệnh, các y bác sĩ trẻ của Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng còn sẵn sàng hiến máu cứu bệnh nhân giữa đêm khuya.

Không chỉ cấp cứu, chữa bệnh, các y bác sĩ trẻ của Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng còn sẵn sàng hiến máu cứu bệnh nhân giữa đêm khuya.

>> Khen thưởng 3 cán bộ y tế hiến máu cứu sản phụ 

Nhóm y bác sĩ  thuộc 'ngân hàng máu sống' (Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng) sẵn sàng hiến máu cấp cứu - Ảnh: An DyNhóm y bác sĩ  thuộc "ngân hàng máu sống" (Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng)
sẵn sàng hiến máu cấp cứu - Ảnh: An Dy
Câu chuyện về hai bác sĩ trẻ Lưu Hồng Tuyên và Lê Khắc Hiệu (Khoa Sản - Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng) đã hiến máu để truyền cho sản phụ trong chính ca trực của mình khiến nhiều người xúc động và cảm phục.

Sản phụ Zơ Rum Chăm (32 tuổi, trú Quảng Nam) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thai ngôi ngược, tiểu cầu xuống thấp, tiền sản giật có chỉ định phẫu thuật cấp cứu nên cần nguồn máu nóng để khẩn cấp lọc tiểu cầu, truyền cho sản phụ khi mổ. Hai bác sĩ này đã quyết định tiếp máu cho sản phụ để mổ cấp cứu, đảm bảo tính mạng cả mẹ lẫn con.

Câu chuyện này có thể mới với những bệnh nhân điều trị tại bệnh viện trong thời điểm ấy, nhưng không mới đối với những nhân viên y tế, bởi tại đây có hẳn một “ngân hàng máu sống” từ chính các y bác sĩ.

Ngay trong khu vực trực cấp cứu hay phòng mổ ở các khoa đều có danh sách y bác sĩ sẵn sàng hiến máu tình nguyện bất kỳ lúc nào. Danh sách đó dài đến hơn 200 người với đầy đủ thông tin cá nhân, số điện thoại liên lạc và quan trọng nhất là thông tin nhóm máu. “Các thành viên trong danh sách đều sẵn sàng hiến máu bất kỳ lúc nào, tất nhiên vẫn phải đảm bảo nhân sự của kíp trực.

Trong danh sách này, nhóm máu B chiếm ưu thế, trong khi máu AB, máu hiếm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, bất kể khi nào cần, các y bác sĩ cũng sẵn sàng tinh thần cứu người bệnh, không chỉ bằng nghiệp vụ mà bằng cả dòng máu nóng trong cơ thể mình”, bác sĩ Lê Đức Toàn, Bí thư Đoàn Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, cho biết.

Trong danh sách đặc biệt ấy, có những cái tên rất quen thuộc đối với công tác hiến máu như bác sĩ: Nguyễn Đạt Huy, Nguyễn Lê Minh Thuận, điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Oanh, Trần Thị Minh Lựu… nhiều người đã hiến máu đến hơn 10 lần.

Tính “chuyên nghiệp” trong công tác huy động hiến máu ở “ngân hàng máu sống” này không chỉ ở danh sách hơn 200 người với đầy đủ thông tin, mà còn ở ngay trong khâu cấp cứu, tiếp nhận bệnh và trong phòng mổ. “Các bác sĩ trực sẽ đánh giá, tiên lượng nhu cầu máu, nhóm máu cần thiết và liên hệ để Đoàn thanh niên bệnh viện điều động khẩn cấp các thành viên trong nhóm ngân hàng máu sống. Mỗi lần điều động như vậy sẽ tối thiểu 6 người có mặt và sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh”, bác sĩ Toàn cho biết.

“Có ngày cuối tuần, vừa về đến quê cách hơn hai chục cây số, nghe điện thoại khẩn cấp, không dám nói mình đang ở quê, sợ mọi người ái ngại, tôi phải quay trở ra. Tinh thần cấp cứu người bệnh thì ai cũng có như nhau. Nhưng lần đó thì không đến phiên mình được cho máu, vì nguồn máu huy động đã đủ”, Kim Oanh, cô gái trẻ có hơn 10 lần hiến máu tình nguyện, chia sẻ.

Bác sĩ Chu Hoàng Khánh Hương (Khoa Sản), người thường có mặt trong các ca mổ cấp cứu, cho biết tinh thần sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh của các y bác sĩ trẻ là thực sự đáng trân quý. “Vì nhóm máu B trong danh sách hiến máu rất đông nên thường bị “chê”. Có nhiều bạn đã sẵn sàng trong đội hình hiến máu cấp cứu, nhưng sau đó ra về vì “dư” máu, hoặc do ưu tiên lấy máu của bác sĩ nam”, bác sĩ Hương nói giọng xúc động, pha lẫn niềm cảm phục và tự hào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.