'Nghiện' làm gốm tí hon

12/07/2015 06:00 GMT+7

(TNTS) Tốt nghiệp Khoa Kế toán - Kiểm toán của Trường đại học Văn Lang, nhưng Bùi Thanh Thuận lại bén duyên với nghiệp làm gốm. Độc đáo hơn, những sản phẩm gốm của bạn Bùi Thanh Thuận lại nhỏ xíu!

(TNTS) Tốt nghiệp Khoa Kế toán - Kiểm toán của Trường Đại học Văn Lang, nhưng Bùi Thanh Thuận lại bén duyên với nghiệp làm gốm. Độc đáo hơn, những sản phẩm gốm của bạn Bùi Thanh Thuận lại nhỏ xíu!

           Bùi Thanh Thuận
Nhiều người rất ngạc nhiên khi tận mắt thấy những sản phẩm gốm nằm gọn trong lòng bàn tay và thán phục trước sự khéo léo của Thanh Thuận.
Khi nghĩ đến gốm, thường người ta nghĩ đến những sản phẩm như ly, tách trà, chén, đĩa... hay những bình, lọ.
Nhưng gốm với bạn Thuận là những đóa sen tí hon nhỏ bằng đốt ngón tay người lớn, là lão ngư tiêu đang câu cá giữa hồ sen, là con chuồn chuồn nhỏ xíu đậu trên cành... “Những buổi đầu đến lớp học làm gốm, tôi được học và làm những sản phẩm cơ bản như ly, chén, đĩa... nhưng tôi thấy đơn điệu và nhàm chán. Tôi đã tự tạo ra những sản phẩm theo ý tưởng và sở thích của riêng mình”, Thanh Thuận chia sẻ.
Khi người xem thắc mắc về tính ứng dụng của những sản phẩm gốm tí hon, Thanh Thuận cho biết những sản phẩm này rất thuận tiện trong việc trang trí nhà cửa, quán xá. Bên cạnh đó, Thuận cũng thích tạo ra những chiếc đèn xông tinh dầu có kích thước nhỏ rất tinh tế, phù hợp trong những không gian như spa, khách sạn hay nội thất ngôi nhà... Gốm qua bàn tay của nghệ nhân đã không đơn thuần là đồ trang trí mà khiến cho không gian trở nên ấm áp, có hồn hơn.
Tạo ra những sản phẩm gốm đã khó, huống chi là những sản phẩm nhỏ xíu. Kể về quá trình làm ra một bông sen có kích thước lớn hơn đốt ngón tay một chút, Thanh Thuận nói: “Làm bông hoa to khó một, làm bông hoa nhỏ khó hơn nhiều lần. Phải nặn từng cánh hoa có độ cong và mỏng sao cho thật và có hồn nhất.
Trong quá trình tạo hình, những cánh hoa mỏng hay những thân cây nhỏ rất dễ vỡ nếu đất không đủ độ dẻo. Khâu tráng men cũng rất công phu, đòi hỏi phải làm thật nhanh để men phủ thật mỏng và đều màu, không để men thấm sâu vào đất vì như thế sẽ rất dễ vỡ. Đến công đoạn nung trong lò ở hàng ngàn độ C cũng rất quan trọng, lúc này, màu men sẽ chảy ra và bám chắc vào đất. Đây cũng là lúc sản phẩm mất hết nước và đất co lại hết cỡ, vì vậy sản phẩm sẽ có nguy cơ bị vỡ cao nhất.
Để có được một sản phẩm hoàn thiện như suy nghĩ và ý tưởng thật khó, có những sản phẩm sau khi ra lò bị vỡ, bị nứt... sai màu sắc, nhưng mình không nản. Bởi khi đó lại càng thấy những vật mình làm nên thật quý giá. Những sản phẩm hỏng cho mình có thêm nhiều kinh nghiệm để các sản phẩm về sau được hoàn thiện hơn”. Gian nan là vậy nhưng “khi thấy được những sản phẩm từ chính đôi bàn tay mình tạo ra sẽ rất vui. Điều đó cho mình cảm giác hạnh phúc, thời gian và công sức của mình thật có ý nghĩa”, Thuận tâm sự.
Đến với gốm bằng sự tình cờ, dần dần Bùi Thanh Thuận càng thấy yêu gốm và yêu các sản phẩm do chính tay mình làm ra. Thuận cho biết: “Làm gốm không đem lại nguồn thu nhập lớn. Nhưng mình nghĩ nếu là một người yêu nghệ thuật, yêu sáng tạo thì làm gốm là một việc khá thú vị và gây... nghiện”.
Nguồn cảm hứng để sáng tạo ra những sản phẩm gốm tí hon của Bùi Thanh Thuận đến từ những điều bình dị mà bạn bắt gặp thường ngày. Thanh Thuận tâm sự: “Có thể đối với người khác thì nó là quá đỗi bình thường, nhưng đối với tôi, tôi nhìn nhận theo một cách riêng của mình và tôi sẽ sàng lọc, thêm vào những cái riêng để hoàn thành ý tưởng. Một chú cá đang bơi, một cánh hoa rụng, hay chiếc lá khô bị sâu đục... cũng đủ để làm nên một tác phẩm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.