Người sáng tạo tuyệt phẩm đầu máy xe lửa

04/06/2009 12:20 GMT+7

(TNTS) Đang làm trưởng bộ phận marketing tại một công ty viễn thông lớn, Đào Minh Đức bỗng nộp đơn nghỉ việc và “lặn” mất tăm. Điện thoại tắt, Yahoo không “đỏ”… hầu như bạn bè không ai tìm ra Đức. Vài tháng sau, người ta thấy Đức xuất hiện trên diễn đàn mô hình với một sản phẩm rất “khủng”: Mô hình chiếc đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian S3/6 độc đáo thuộc hạng nhất Việt Nam.

Ngọn lửa đam mê

Có vầng trán hói và rộng như... bác học, giọng Bắc trầm đục, dáng đi thủng thẳng của một người bàng quan với thế sự, nhiều người nghĩ Đức ra dáng của một triết gia hơn làm marketing. Thế nên khi phát hiện ra Đức có thêm thú đam mê đặc biệt về kỹ thuật và chế tạo mô hình, bạn bè không khỏi giật mình. Có người nói Đức bị “hâm” vì không ai dám liều bỏ cả công việc tốt đẹp đang làm để đeo đuổi niềm đam mê lạ lùng đó. Thế nhưng với Đức thì lại “không thể kìm hãm sự sung sướng đó lại” khi cho rằng, công việc thì có nhiều lựa chọn nhưng đam mê chỉ có một. 

 

Đào Minh Đức - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đâu ai biết rằng thú chơi mô hình đã “ngấm” vào trong máu của Đức từ cái thời tóc còn để chỏm. Đức bồi hồi kể lại tuổi thơ đầy kỷ niệm: “Những năm 1980 - 1985, đồ chơi dành cho trẻ em không nhiều nên sau mỗi lần đi học về, tôi lại cùng anh trai trốn sau nhà để hì hụi làm mấy mô hình đồ chơi, nào là cối xay gió, xe jeep, xe tải và máy bay trực thăng UH1C từ mấy vỏ lon sữa hộp. Đặc biệt là mô hình tàu thủy chạy phành phạch trên nước nghe rất sướng. Sản phẩm lúc đó tuy không đẹp vì mới bé xíu thì làm gì đã biết đến mô hình, tỷ lệ, bản vẽ… nhưng bóng dáng của các mô hình vận hành y như thật cứ chạy rầm rập trong giấc mơ của tôi”.

Một ngày đẹp trời, trong khi đang dọn dẹp lại căn nhà vừa được đại tu, Đức tình cờ trông thấy bản vẽ mô hình chiếc đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian S3/6 lẫn trong đống bản vẽ sưu tầm của anh trai. Ngồi thẫn thờ giữa đống phế liệu phải “thủ tiêu” sau khi sửa nhà, ý tưởng làm một mô hình từ các vật liệu phế thải chợt sáng lên trong đầu, và ngọn lửa đam mê về mô hình trong Đức bùng cháy.

“Tuyệt phẩm” độc nhất vô nhị 

Mô hình chiếc đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian S3/6 là thành quả sau 3 tháng ở “ẩn” tại gia để thỏa chí đam mê. Nếu so với bản vẽ nguyên mẫu chiếc Bavarian series S3/6 được sản xuất ở Tây Đức (cũ) trong Thế chiến I, “về hưu” năm 1969, thì mô hình mà Đức làm có số lượng các bộ phận, chi tiết cơ bản gần như đủ và đúng vị trí tương ứng so với tàu thật. Và có tỷ lệ đồng dạng tuân thủ đến 99% kích thước thật, theo tỷ lệ là 1/36 với các thông số 15 cm x 90 cm x 10 cm (cao x dài x rộng). Tổng trọng lượng kèm 12 pin nặng 2,5 kg. 

 

Toàn cảnh chiếc đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian S3/6 do Minh Đức chế tạo

Sự xuất hiện của chiếc đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian S3/6 hầm hố này đã làm dân chơi mô hình “điên đảo”, bởi trong thế giới đam mê của họ, lâu nay người ta chỉ mới nghĩ tới việc chế tạo máy bay, xe hơi, tàu thủy… chứ ít ai dám mạo hiểm chế tạo một chiếc đầu máy xe lửa chỉn chu và hoành tráng đến như vậy. Bởi ngoài những đòi hỏi về sự kiên nhẫn, tài hoa và tỉ mỉ, người chế tạo phải có lòng đam mê mãnh liệt mới có thể đi hết được chặng đường hoàn thiện vì có quá nhiều chi tiết rất phức tạp dễ làm nản lòng người chơi. Do vậy khi chiếc đầu máy xe lửa hơi nước Bavarian S3/6 của Đức được trình làng, nhiều thành viên đã phải thốt lên ngưỡng mộ: “Đây quả là tuyệt phẩm độc nhất vô nhị”.

Đức chia sẻ: “Ban đầu nhìn bản thiết kế cũng hơi choáng thiệt, bởi muốn tái hiện nó người làm phải mất ít nhất từ 2 – 3 tháng để mày mò chế tạo từng chi tiết và bộ phận như: Hệ thống ống dẫn hơi xung quanh nồi hơi (boiler), hệ thống van hơi, đồng hồ áp suất hơi trong cabine, hệ thống trục khuỷu, hệ thống thắng kèm các bố thắng cho 12 bánh của đầu máy.

Hay hệ thống giảm xóc đầy đủ cho cả 28 bánh của đầu máy, toa than (tender) và toa bồn (tankcar) (20 nhíp và 8 lò xo), 6 giảm chấn buffer (lò xo nhún) ở mũi tàu, sau đuôi tender, sau đuôi tankcar có tác dụng chống hư hỏng cho tàu khi đâm phải chướng ngại vật, 2 pít- tông và 2 xi-lanh ở phía đầu của tàu, nắp mở ra đóng vào để tải than đá cho buồng đốt, cửa xả xỉ than ở dưới buồng đốt, 2 ghế ngồi mở ra đóng vào dễ dàng cho người lái, 8 cần điều khiển kèm 1 vô lăng trong cabine.

Cả bộ mô hình (gồm 1 đầu tàu, 1 tender và 1 tankcar) chuyển động tiến và lùi bởi 1 động cơ điện hai chiều sử dụng 4 pin AA, điều khiển từ xa. 3 đèn pha và 1 đèn buồng lái (đèn LED) sử dụng 8 pin AA. Hệ thống trục khuỷu trong gầm và các trục truyền động (cánh tay đòn) cho 6 bánh chính 2 bên đầu máy hoạt động theo nguyên lý thực... Thế nhưng máu đam mê đã nổi lên thì cái gì cũng không từ”.

Vật liệu để tái hiện chiếc đầu máy xe lửa này được Đức thu lượm trong đống phế liệu sau khi làm nhà như: sắt tấm, ống nước pvc, ống inox, mica, các kiểu bu-long, ốc vít, long đền, dây điện đồng, dây thép, các kiểu nhựa rác, cát sỏi, anten tv... và nhiều thứ rác “tạp pí lù” khác. 

Chỉn chu và sắc sảo đến từng chi tiết là cảm nhận đầu tiên khi nhìn thấy chiếc đầu máy xe lửa chạy vận hành thử vào đường hầm. Một thành viên đã phải thốt lên thán phục: “Nếu để một người không có tâm huyết và đam mê làm cùng một mô hình này thì anh ta có thể sẽ bỏ qua 2 cái tay đòn nối với trục khuỷu (của đôi bánh giữa).

Vì khi đặt đầu máy đứng dậy, người xem cũng không nhìn thấy tay đòn và trục khuỷu kia nằm ẩn bên trong gầm tàu, mà không nhìn thấy được thì làm nó làm gì ?!”. Thế nhưng Đức lại rị mọ làm từng chi tiết để tạo độ hoàn hảo và sắc sảo cho tác phẩm. Thậm chí anh còn cố tình tạo ra vẻ cũ kỹ, gỉ sét và ám khói cho giống như thật. Đặc biệt là đường ray dài 2m, khổ ray 5 cm, Đức đã phải tỉ mẩn và kiên trì với đủ tà vẹt, đá rải dưới nền ray…

Xong mô hình này, Đức bật mí là đang “âm mưu” chế tạo thêm 2 “con” Kriegslok (BR52) bằng thép với mức độ hầm hố và độc đáo hơn. Anh bảo đã đi sắm thêm máy khoan bàn, các máy mài mini và đang xây dựng lý thuyết để chuyển form từ bản vẽ giấy ra thực tế. Hy vọng sắp tới đây, dân chơi mô hình lại được dịp ngả nghiêng trước các tuyệt phẩm mới của anh.

Kim Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.