Người trẻ làm công bộc của dân: Mang đổi thay đến vùng cao

15/05/2012 03:15 GMT+7

Vượt qua trở ngại, các đội viên dự án 600 phó chủ tịch xã bước đầu khẳng định mình trên cương vị mới qua từng công việc cụ thể.

Phá đá sửa đường

Phụ trách mảng kinh tế, Hoàng Minh Đức - Phó chủ tịch xã Lương Thông, huyện Thông Nông (Cao Bằng) nhanh chóng “ghi điểm” với người dân và tập thể cán bộ xã. Sau ngày bổ nhiệm, Đức được giao tổ chức và tiếp nhận đội tình nguyện từ dưới xuôi lên. Thấy đường đi lại trong xóm Cần Nông còn cheo leo, hiểm trở, Đức chủ động đặt hàng đoàn tình nguyện giúp cải tạo đường. Ngoài đội tình nguyện, Đức vận động thêm thanh niên, hộ gia đình trong xóm chia sẻ, góp sức lao động. Gần một tháng bạt đồi phá đá, các con đường trong xóm đã bớt gập ghềnh giúp trẻ em thuận tiện đến trường, người dân cũng dễ gùi hàng đi chợ.

Hoàng Minh Đức đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi thuyết phục hai hộ dân hiến đất làm cầu ở xóm Nũng Dịch. Dự án có từ trước khi Đức về xã nhưng không thể triển khai vì có 2 hộ dân người Mông quyết không bàn giao mặt bằng. Là cán bộ trẻ mới về xã, Đức tranh thủ cơ hội này xuống “chào sân” làm quen với trưởng xóm và các hộ dân. Nhưng nói đến chuyện xây cầu, chủ hộ xua tay từ chối. Biết cách này không ổn, Đức gặp từng cán bộ trong xóm, tìm đủ lý lẽ thuyết phục họ. Khi đã thông, họ chủ động đến các hộ dân vận động. Kiên trì làm công tác dân vận, Đức nhận về thành quả không ngờ, hai hộ dân tự nguyện hiến đất làm cầu và chỉ nhận về phần tiền đền bù hoa màu.

“Thành công này là công sức của cán bộ các cấp, em chỉ đưa ra phương pháp, thuyết phục mọi người cùng vào cuộc mà thôi. Thời gian ở xã, em phải đối mặt với quá nhiều tình huống phức tạp, nếu không có sự giúp đỡ tận tình của cán bộ cơ sở, chắc chắn em không thể hoàn thành nhiệm vụ”, Đức khiêm tốn chia sẻ.

Người trẻ làm công bộc của dân 
Ngoài thời gian ngồi bàn giấy, Vi Thị Xuân Hồng (thứ hai từ phải sang) luôn dành thời gian tìm hiểu đời sống người dân - Ảnh: Phan Hậu

Người trẻ làm công bộc của dân 1 
Phó chủ tịch xã Lương Thông, Hoàng Minh Đức vận động dân hiến đất làm cầu

Không ngồi yên ở ủy ban

Vi Thị Xuân Hồng (23 tuổi)- Phó chủ tịch xã Sĩ Hai (H.Hà Quảng) - là đội viên trẻ nhất trong số 44 trí thức trẻ tham gia dự án tại Cao Bằng. Hồng là cán bộ nhỏ tuổi nhất trong bộ máy cán bộ công tác tại ủy ban xã. Trúng tuyển dự án, Hồng đi làm trong sự lo lắng của gia đình. Cả nhà lo Hồng trẻ người non dạ, mới ra trường đã làm chức to, chẳng biết có làm nổi không. Gia đình Hồng làm nông nghiệp, bố mẹ nuôi 3 anh em ăn học. Khi Hồng ra trường, gia đình làm thủ tục vay ngân hàng mua xe đi lại nhưng vì quá nghèo, chẳng có tài sản thế chấp nên ngân hàng không thể giải ngân. Gần 3 tháng đi thực tập từ nhà lên Sĩ Hai dài hơn 30 km, có ngày Hồng đi chung xe với đồng nghiệp, có khi thì đứng chờ bên đường xin đi nhờ xe. Trúng tuyển vào dự án, Hồng mang quyết định bổ nhiệm ra ngân hàng làm tín chấp vay được 20 triệu đồng để mua xe máy đi làm.

Ở xã Sĩ Hai, Hồng đảm nhận mảng kinh tế nông, lâm nghiệp, phù hợp với chuyên ngành đã học. Công việc không thể ngồi mãi ở ủy ban, Hồng liên tục chạy xe các xóm giữ mối liên lạc với bà con. Ngoài giọng hát hay, nữ phó chủ tịch xã này cực kỳ thạo việc khi trực tiếp xuống đồng hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc ngô, lạc.

Công việc khá bận rộn, có khi đến cuối tuần cũng không thể về nhà. Hồng được lãnh đạo tin tưởng giao xử lý rất nhiều việc ngoài mảng chính đã phân công. Khi thì lên xóm kiểm tra, nghiệm thu việc làm đường; lúc lại đi xin ngòi nổ về phá đá mở đường. Đến mùa đông thì lại đi khắp các xóm hướng dẫn bà con làm chuồng tránh rét, bảo vệ đàn trâu bò. Người dân Hồng Sỹ vừa thật thà lại tin cán bộ nên việc gì cũng báo xuống xã. Có lần đang ngồi làm việc, người dân hớt hải chạy vào báo tin, con lợn của nhà bỗng dưng lăn ra chết. Không thể bỏ mặc họ, Hồng lại tìm cán bộ thú y cùng lên xóm tìm hiểu nguyên nhân.

Những thiếu hụt cần bù lấp

Nhiều trí thức trẻ được bổ nhiệm phó chủ tịch xã nhưng lại phụ trách mảng công việc không đúng với chuyên ngành đã học đang gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong giải quyết và điều hành công việc.

Có bằng cử nhân chuyên ngành giáo dục chính trị - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Thu Trang được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch phụ trách kinh tế của xã Lương Can, H.Thông Nông. Chẳng biết nên vui hay nên buồn, bởi từ sau ngày nhận quyết định, công việc hiện tại của Trang chỉ là tiếp cận và tìm hiểu về lĩnh vực này hoặc triển khai nhiệm vụ ở trên giao xuống. Theo Trang, khó khăn đầu tiên bản thân gặp phải là vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp. Dù địa phương đã xác định được cây trồng vật nuôi thế mạnh, nhưng đi thực tế phổ biến, hướng dẫn cho bà con, Trang cực kỳ bối rối vì không biết nên bắt đầu từ đâu. “Học về ngành lý luận, lại sinh ra và lớn lên ở thị xã, gia đình cũng chẳng làm nông nghiệp nên em chẳng biết tí gì về trồng trọt hay chăn nuôi nên không thể tự mình xuống hướng dẫn cho bà con. Đi cơ sở, bà con có thắc mắc gì thì em chỉ biết tìm cán bộ khuyến nông nhờ họ hỗ trợ”, Trang chia sẻ.

Cũng học ngành giống Trang, Bàn Văn Quảng - Phó chủ tịch xã Yên Thổ, H.Bảo Lâm cũng đang đối mặt với nhiều tình huống phức tạp phát sinh trong công việc. Ở Yên Thổ, tranh chấp quyền sở hữu đất đai đang là vấn đề nóng tại địa phương. Từ khi giữ cương vị phó chủ tịch xã, Quảng đã tiếp nhận 6 vụ khiếu kiện tranh chấp đất rừng giữa các hộ dân. Chẳng vụ nào giống vụ nào, đều có những tình huống phức tạp ở mức độ khác nhau, đòi hỏi người xử lý nắm rất chắc và áp dụng các quy định về pháp luật. Còn Quảng chẳng biết gì về lĩnh vực này nên giải đáp thắc mắc, khiếu nại của người dân là việc làm quá khả năng. Mỗi lần có khiếu nại tranh chấp, Quảng phải tìm đọc văn bản pháp luật hướng dẫn trên mạng nhưng chưa thể đưa ra cách giải quyết làm thỏa mãn các hộ dân. Quảng cho biết, thời gian dự án bồi dưỡng, đội viên chỉ học chung về kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước. Trong khi đó, công việc ngoài thực tế muôn hình vạn trạng, nảy sinh quá nhiều tình huống đa dạng. “Nếu dự án tiếp tục bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý kinh tế và văn hóa - xã hội, hai mảng công việc mà các đội viên dự án đang đảm nhận tại các xã, sẽ trang bị thêm kỹ năng xử lý công việc ngoài thực tế”, Quảng kiến nghị.

Còn tại xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, đội viên Sầm Văn Huy cũng khá lúng túng trong xử lý công việc. Huy tốt nghiệp ngành địa lý (Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên) và được bổ nhiệm làm phó chủ tịch xã mảng văn xã. Không hẳn là trái với chuyên ngành, nhưng sau gần 2 tháng làm việc, Huy chỉ nắm được những vấn đề cơ bản trong lĩnh vực y tế và giáo dục. “Xương” nhất là tư vấn giải quyết chính sách cho người lao động, thẩm định hồ sơ thủ tục để giải quyết chế độ chính sách cho người có công… Người dân nếu thắc mắc em chẳng biết gì để tư vấn giải đáp, nhiều lúc đi cơ sở cũng phải nhờ người đi cùng hỗ trợ”, Huy thật thà chia sẻ.

Phan Hậu

Ý kiến

“Ngoài sự chủ động học hỏi của các đội viên, Bộ Nội vụ cần có chương trình đào tạo bổ sung cho các trí thức trẻ. Công tác ở địa bàn khó khăn, đất nông nghiệp ít, nước sinh hoạt và sản xuất thiếu thốn quanh năm nên mục tiêu thoát nghèo, phát triển kinh tế là thách thức lớn dành cho phó chủ tịch xã. Chủ tịch xã phải là người giúp đỡ sát sao nhất.

Huyện quan tâm đỡ đầu và tỉnh cũng phải vào cuộc để đảm bảo sự hỗ trợ từ ba cấp cho các phó chủ tịch xã, tạo điều kiện cho họ làm việc đúng chức năng bổ nhiệm”.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

“Qua theo dõi, công tác tuyển chọn viên dự án tại Cao Bằng đảm bảo chất lượng. Quá trình công tác, đội viên còn gặp nhiều khó khăn tại địa bàn, đặc biệt là các đội viên đảm nhận công việc trái ngành. Theo quan điểm của tôi, dù học ngành nào cũng chỉ là kiến thức cơ bản, quan trọng là áp dụng kiến thức như thế nào. Mặt khác, trong 3 tháng tập huấn, các đội viên đã được trang bị phương pháp, kỹ năng cơ bản đối với công việc của phó chủ tịch xã. Nếu nắm chắc, tôi nghĩ sẽ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu để tiếp tục có thêm các lớp bồi dưỡng chuyên sâu dành cho các đội viên ở từng lĩnh vực cụ thể”.

Nguyễn Tiến Dĩnh Thứ trưởng Bộ Nội vụ

“Đội viên đăng ký dự án tốt nghiệp ở nhiều chuyên ngành khác nhau, nhưng sử dụng nhân lực lại phụ thuộc vào nhu cầu riêng của từng xã nên đội viên được phân công phụ trách mảng công việc không “khớp” với chuyên ngành đã là điều khó tránh. Lường trước khó khăn phát sinh này, huyện thường xuyên quán triệt cán bộ tại địa phương có sự chia sẻ, hướng dẫn và bồi dưỡng thêm cho các phó chủ tịch trong dự án”.

Nông Minh Huân Chủ tịch UBND huyện Thông Nông, Cao Bằng

Phan Hậu

>> Thầy giáo vùng cao trên xe lăn
>> Vận động sách cho trẻ em miền núi
>> Góp sách cho trẻ em miền núi
>> Xây nhà, trồng cây chờ đền bù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.