Nhà sư, MC, Ca sĩ

26/09/2010 05:29 GMT+7

Giới phật tử mệnh danh Đại đức Thích Bản Hoan là MC kiêm ca sỹ. Hỏi: Phải chăng thầy đang mưu cầu sự nổi tiếng? Thầy trả lời: “Nếu mưu cầu sự nổi tiếng, khi 17 tuổi, thầy đã đi theo nghệ thuật rồi”.

Sư thầy Thích Bản Hoan trụ trì chùa Phúc Linh, huyện An Dương, Hải Phòng, sinh ra trong gia đình “đặc nông dân” (chữ dùng của thầy). Trong 6 anh chị em, chỉ mình thầy, con út, yêu nghệ thuật, là cây văn nghệ từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Học lớp 8, tranh thủ thời gian nghỉ hè, thầy xin đi theo đoàn cải lương Hoa Quỳnh Biển, nuôi ý định sau này sẽ thi vào trường sân khấu điện ảnh. Nhưng 17 tuổi, thầy lại bỏ tất cả, quy y vào cửa phật, trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ.

Thầy kể: Gia đình không đồng ý cho thầy đi tu. Khi bố ốm, thầy về thăm cụ. Cụ giận đến mức từ chối nhận con. Đó đã là câu chuyện xưa cũ…

Hát như chuyên nghiệp

Nhiều người biết đến thầy Thích Bản Hoan với vai trò MC. Nhưng tâm nguyện lớn nhất của thầy vẫn là dùng âm nhạc để truyền tải đạo đức, triết lý Phật. Sư thầy có những bài “tủ”: Cúc ơi, Chuyện ngày xưa của mẹ, Công thầy ví tựa biển khơi, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Tâm sự người cài hoa trắng, Vu lan nhớ mẹ.

Ông hát trong các sự kiện Phật giáo và trong những buổi thuyết giảng về đạo Phật. Khác với các ca sỹ, lên sân khấu là hát, bao giờ sư thầy cũng phải giải thích, phải giảng đạo thông qua nội dung bài hát, rồi mới hát.

Hỏi: Làm MC hay ca sỹ, là những hoạt động bề nổi, phải chăng thầy mưu cầu sự nổi tiếng? Ông nói: “Nếu chỉ mưu cầu sự nổi tiếng thầy đã đi theo nghệ thuật. Đức Phật dạy là: Nhân tu vạn hạnh. Mỗi người có cách tu khác nhau, miễn là không vi phạm đạo đức, pháp luật, giới luật nhà Phật, tùy theo khả năng, trình độ của mình mà cống hiến cho Phật pháp, cho xã hội. Mình đi tu chỉ cần mình biết mình, đức Phật hiểu mình là được, còn thiên hạ bá nhân bá khẩu”.

Sư thầy làm việc gì cũng luôn cố gắng đạt hiệu quả cao nhất. Như chuyện thầy làm MC cũng được đào tạo bài bản. Việc thầy hát cũng thế, thầy chăm chút từng bài hát, từ phần nhạc đệm.


Đại đức Thích Bản Hoan trong một buổi giao lưu với các ca sĩ và thanh niên - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong lần dự Đại hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, thầy được nghe ca sỹ trẻ Cao Thái Sơn hát bài Cúc ơi, nói về người con gái chưa đầy 20 tuổi đã phải chết dưới bom đạn giặc Mỹ, không tìm thấy xác, rất xúc động. Chính Cao Thái Sơn đã khóc trên sân khấu, rất nhiều khán giả đã khóc, bản thân sư thầy cũng khóc.

Sau đó, thầy lên mạng tìm bài hát này. “Mỗi lần nghe bài hát thầy đều nổi da gà, ký ức chiến tranh hiện về, thầy lại khóc”. Thầy tải bài hát, nhờ nhạc sỹ phối khí lại. Cúc ơi đã được thầy hát trong lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long do Hội Phật giáo Hải Phòng tổ chức, trước 5 ngàn khán giả. Thầy hát xong, khán giả vỗ tay rào rào: “Thầy ơi, hát nữa đi”.

Khi đi giảng đạo, thầy hay hát và dạy mọi người bài Chuyện ngày xưa của mẹ. Thỉnh thoảng, thầy trình diễn bài hát này trên sân khấu, trong dịp lễ Vu Lan, trong những chương trình sự kiện Phật giáo. Đi đến trái tim nhanh nhất, không gì bằng âm nhạc, sư thầy ý thức điều đó.

Thầy tự thấy mình hát không hay, nhưng một ca sỹ nổi tiếng là giảng viên thanh nhạc lại nhận xét rằng: “Nếu không nhìn thấy thầy, chỉ nghe tiếng hát, ngỡ là nghệ sỹ cải lương chuyên nghiệp”. Bài hát Phật hoàng Trần Nhân Tông do thầy thể hiện trong chương trình giao lưu Phật hoàng Trần Nhân Tông với thiền phái Trúc Lâm, từng được ghi hình tại chùa Sùng Phúc (Hà Nội) và phát sóng trên VTV2.


Làm MC cho VTV - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đại đức Thích Bản Hoan - ca sỹ hát công đức

Thầy quen và thân với không ít ca sỹ nổi tiếng. Giải thích điều này, thầy bảo: “Chẳng qua là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Chẳng tìm đến người nổi tiếng để “ăn theo”, bởi người tu hành danh lợi vốn không màng.

Mình đi tu chỉ cần mình biết mình, đức Phật hiểu mình là được, còn thiên hạ bá nhân bá khẩu
Như sự quen biết ca sỹ Lô Thuỷ chẳng hạn, cũng do vô tình. Lô Thuỷ hát ở chùa Quán Sứ, gặp thầy, đồng cảm hoá thành thân quen. Chính Lô Thuỷ tâm sự: “Tôi biểu diễn ở rất nhiều sự kiện do thầy tổ chức. Tôi rất quý thầy vì thầy là người có tài và sống rất tình cảm, lại khiêm tốn”.

Những lúc khủng hoảng trong đời sống riêng, cô hay lên mạng chat cùng sư thầy, lại được những lời khuyên bổ ích. Thủy chăm đọc sách Phật, tìm được sự thư thái tinh thần trong đó, cũng là nhờ thầy.

Hay như bài Chuyện ngày xưa của mẹ, nằm trong album Phép màu của ca sỹ Nguyễn Phi Hùng. Thầy biết Phi Hùng trong đợt chiếu bộ phim Duyên trần thoát tục, do anh thủ vai chính. Trong lần đi công tác Sài Gòn, thầy gọi điện cho Phi Hùng. Chàng ca sỹ trẻ tới đón thầy đi dự một buổi ca nhạc từ thiện ra mắt trường ca cải lương Trần Nhân Tông của nghệ sỹ Bạch Tuyết.

Sau buổi đó, sư thầy ngồi nói chuyện với Phi Hùng, được biết anh đang làm DVD từ thiện. Ông nhận lời phát hành cho anh 500 đĩa tại Hải Phòng.Vào ngày 11 tháng 11 này, nhân dịp nhà chùa khánh thành, một số anh chị em ca sỹ thành danh của làng nhạc xin được đến hát cúng công đức.

Đại đức Thích Bản Hoan nhiều lần được bầu chọn là gương thanh niên tiêu biểu. Năm 2006, đại đức là 1 trong số 75 thanh niên điển hình cả nước được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng bằng khen, tại Hội nghị biểu dương “Thanh niên sống đẹp” do T.Ư Đoàn thanh niên tổ chức. Năm 2010, Đại đức là 1 trong 53 gương mặt thanh niên tiêu biểu đại diện cho 29 tỉnh miền Bắc trong lễ tuyên dương thanh niên làm theo lời Bác, sống vì cộng đồng.
“Tại sao phải mời ca sỹ nổi tiếng đến hát?”, tôi thắc mắc. Thầy đáp: “Sự xuất hiện của ca sỹ nổi tiếng là động lực thu hút quần chúng”. Các sự kiện Phật đản thường có lượng khán giả khoảng vài ngàn người, ít là 4-5 trăm người.

“Làm thế nào để mời được “sao” hát và cát- xê của họ là bao nhiêu?”. Thầy trả lời rằng: “Mời được nghệ sỹ nổi tiếng hay không còn phụ thuộc vào tâm đức và sự hiểu biết của họ. Mất kinh phí như bên ngoài thì nhà chùa không có điều kiện, vì các sự kiện có thu vé đâu”.

Thù lao cho ca sỹ không gọi là cát- xê, mà gọi là “lộc”. Nhưng thường các ca sỹ không nhận lộc, họ hát công đức (không cát-xê). Ở miền nam, nghệ sỹ hát nhạc Phật có vẻ rầm rộ hơn. Có cả những tên tuổi như Đàm Vĩnh Hưng, Đức Tuấn, Phi Hùng, Cao Thái Sơn…

Thầy kể kỷ niệm với Tùng Dương. Trong lần hát tại chùa Phúc Linh do thầy trụ trì, thầy gửi “lộc” cho Tùng Dương 2 triệu. Nhưng anh và mẹ anh nhất mực từ chối, vì đó là cơ hội để họ làm công đức bằng tiếng hát.

Tôi hỏi: “Có người nói nhà tu xa lánh xa hồng trần và sống khổ hạnh, thầy thấy sao?”. Thầy trả lời: “Bác sĩ mà không có bệnh nhân thì sao gọi là bác sĩ, đạo mà lìa đời thì sao gọi là đạo”. Tôi hiểu triết lý dấn thân qua lời đáp của thầy.

Một ngày của sư thầy khá bận rộn với nhiều công việc khác nhau. Nhưng làm gì, ở đâu, thầy cũng khoác trên mình chiếc áo nhà Phật. Thầy nói : “Chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng thầy tu không thể thiếu chiếc áo. Cái tâm mình sáng thì vạn sự đều sáng. Còn ai hiểu thế nào là việc của họ, Tôi phải luôn có chính kiến của mình chứ và tôi sẽ không giống người đẽo cày bên đường, cô hiểu câu chuyện này chứ ?”

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.