Nhật ký Blouse trắng - Kỳ 3: Bác sĩ 'tỉnh lẻ' và những chuyến đi

19/10/2015 08:11 GMT+7

Vũ Mạnh Hà, bác sĩ “tỉnh lẻ” Hà Giang đã trực tiếp phẫu thuật, đem lại ánh sáng cho gần 6.000 ca bệnh về mắt. Trưởng thành từ những chuyến đi cùng đồng nghiệp, bác sĩ trẻ đã đi đến tận bản, làng xa xôi, đem ánh sáng đến cho người nghèo.

Vũ Mạnh Hà, bác sĩ “tỉnh lẻ” Hà Giang đã trực tiếp phẫu thuật, đem lại ánh sáng cho gần 6.000 ca bệnh về mắt. Trưởng thành từ những chuyến đi cùng đồng nghiệp, bác sĩ trẻ đã đi đến tận bản, làng xa xôi, đem ánh sáng đến cho người nghèo.

TS-BS Vũ Mạnh Hà khám bệnh cho bà con dân tộc vùng sâu - Ảnh: Thúy AnhTS-BS Vũ Mạnh Hà khám bệnh cho bà con dân tộc vùng sâu - Ảnh: Thúy Anh
Cậu bé người Dao
Từ khi sinh ra Lý Tà Nái (dân tộc Dao, thôn Tân Minh, xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) đã không được may mắn như những bạn bè đồng trang lứa bởi căn bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh. Căn bệnh khiến Nái làm gì cũng lúng túng khó khăn bởi khả năng nhìn rất hạn chế. Còn bố mẹ của cháu đã mất niềm tin vào cuộc sống sau này của con trai mình khi nhìn cháu gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Khi đến trường, bàn học của cháu có vị trí đặc biệt trong lớp vì nó được kê gần bàn giáo viên để cháu có thể nhìn được lờ mờ. Những lúc ra chơi, trong khi bạn bè chạy nhảy, chơi đùa, cháu chỉ ngồi lặng lẽ quan sát. Cuộc sống của cháu cứ ngày ngày trôi qua ở nơi mà có lẽ không bao giờ người dân nghĩ đến các dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến. Căn bệnh như của Nái được mặc nhiên chấp nhận là không chữa được.
Năm 2014, bố mẹ cháu nghe lời y tá thôn bản quyết định cho cháu xuống huyện khám nhân dịp công tác của đoàn Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Giang về khám tại huyện. “Lúc đoàn chúng tôi gặp cháu, Nái được 10 tuổi, thị lực 2 mắt của cháu này chỉ còn 1/10, gần như mù. Chúng tôi khám và chẩn đoán cháu bị đục thủy tinh thể bẩm sinh cả hai mắt nhưng nhận định có thể chữa được. Khi nghe các bác sĩ giải thích như vậy, gia đình Nái bày tỏ niềm sung sướng”, bác sĩ Vũ Mạnh Hà nhớ rõ về bệnh nhân bé nhỏ.
“Ngay trong chuyến đi đó, chúng tôi đã phẫu thuật miễn phí cả 2 mắt cho cháu tại Bệnh viện huyện Hoàng Su Phì bằng phương pháp mổ phaco và thay thủy tinh thể nhân tạo cho Nái”, bác sĩ Hà kể lại.
“Khó có thể nói được sự vui mừng của đoàn y bác sĩ chúng tôi khi thấy thị lực của bệnh nhân đã được phục hồi đến 7/10. Chúng tôi cảm nhận được, cháu sẽ có những niềm vui rất đỗi bình thường như các bạn, sẽ vững vàng hơn, làm chủ cuộc sống của mình, được cùng tham gia công việc gia đình với cha, mẹ mà nhiều năm trước đó cháu gần như không thể”, bác sĩ Hà chia sẻ. Anh xúc động nói: “Trước lúc vào phòng mổ, cậu bé người Dao nhỏ bé trong bộ quần áo bệnh nhân màu xanh, nép bên mẹ chầm chậm bước đi, đôi mắt mơ hồ xa xôi, hai bàn tay gầy nắm vào nhau không giấu được căng thẳng, âu lo. Hình ảnh đó đã khiến chúng tôi nhớ cậu bé rất lâu và hiểu rằng ca mổ phải có được kết quả tốt nhất”.
Hành trình chưa dừng lại
“Khi chia tay đoàn, mẹ của Nái nắm chặt tay các y bác sĩ nói lời cảm ơn bằng tiếng Kinh còn ngọng nghịu. Gương mặt của người mẹ nước mắt chứa chan nhưng ngời hạnh phúc bên cậu bé Nái vẻ mặt đã bừng sáng hơn”, bác sĩ rưng rưng niềm hạnh phúc bởi bệnh nhân đã thực sự có một cuộc sống mới.
Trước Nái, trong chuyến đi khám tình nguyện về huyện vùng sâu Sí Mần, bác sĩ Hà đã gặp một cụ bà (dân tộc Mông, 78 tuổi) trong tình trạng toàn bộ hai mí mắt trên bị sa xuống, trùm phủ hết mắt. Người nhà của bà đã phải lấy sợi dây nhỏ tước từ cây lanh với một đầu dây buộc túm phần da mí mắt rồi kéo ngược lên, đầu dây kia cột vào chân tóc để phần mí mắt được nâng lên nhờ “lực kéo” của sợi dây. “Đây là hậu quả của căn bệnh mắt bị quặm. Tình trạng nặng như vậy cho thấy bệnh nhân chắc đã phải chung sống với quặm mắt khoảng 20 năm. Chúng tôi đã phẫu thuật, tạo hình mí mắt, giúp bà có thể nhìn được”, bác sĩ Hà chia sẻ.
“Ở miền núi Hà Giang, chuyên khoa mắt chưa đến được tuyến huyện nên các thầy thuốc chúng tôi vẫn cùng nhau tổ chức khám chữa bệnh tình nguyện với sợ hỗ trợ của lãnh đạo bệnh viện, Sở Y tế”, bác sĩ Hà tâm sự. Trong những chuyến đi, bác sĩ đã điều trị những ca bệnh rất hy hữu: gắp sán sống trong mắt hay bắt con vắt tươi bám trong mi mắt bệnh nhân.
“Tôi đã có gần 60 chuyến đi khám, phẫu thuật nhân đạo trong 5 năm qua, về tất cả các huyện của tỉnh mình. Thấy bà con thoát cảnh mù lòa, chúng tôi có thêm niềm vui, động lực đề những chuyến đi về cộng đồng không dừng lại”, bác sĩ Mạnh Hà hào hứng cho biết.
Hoạt động khám bệnh và phẫu thuật mắt tại cộng đồng ở Hà Giang được triển khai từ năm 2008 với sự tiên phong của TS-BS Vũ Mạnh Hà, khi đó là Trưởng khoa Mắt của bệnh viện đa khoa tỉnh. Sinh năm 1979, TS-BS Vũ Mạnh Hà nhận nhiệm vụ Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Giang khi 35 tuổi, năm 2014. Cũng ở tuổi này, anh đã hoàn thành nghiên cứu sinh, trở thành tiến sĩ ngành mắt trẻ nhất toàn quốc.
TS-BS Vũ Mạnh Hà đã áp dụng phương pháp mổ Phaco - phương pháp cho đường mổ rất nhỏ, sớm bình phục ngay từ những ngày đầu. Đến nay anh đã trực tiếp phẫu thuật cho gần 6.000 ca bệnh an toàn và phục hồi thị lực tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.