Nhen nhóm tình cảm môn lý luận cho người trẻ

06/03/2017 10:33 GMT+7

Hội thi Ánh sáng soi đường lần thứ 2 sẽ là sân chơi giúp thanh niên, sinh viên học tập, cập nhật thêm những kiến thức mới trong việc tìm hiểu, học tập và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào đời sống.

Đa dạng hình thức dự thi
Ngày 5.3 tại Hà Nội, T.Ư Đoàn phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức lễ khai mạc hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Ánh sáng soi đường lần thứ 2.
Diễn ra từ tháng 3 - 5, hội thi năm nay có hai bảng thi cá nhân và đội tuyển với sự kết hợp giữa hình thức thi trực tuyến trên internet và sân khấu hóa. Ở bảng thi cá nhân, sinh viên VN đang học tập trong nước và nước ngoài đăng ký dự thi trực tuyến qua website www.anhsangsoiduong.vn. Bảng thi cá nhân năm nay được bổ sung gần 4.000 câu hỏi trắc nghiệm mới, nâng tổng số câu hỏi lên 5.824, cập nhật vấn đề thời sự về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Website dự thi được thiết kế với nhiều phiên bản khác nhau giúp thí sinh có thể tham gia hội thi trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng... có kết nối internet.
Ở bảng thi đội tuyển, mỗi tỉnh thành đoàn trên cả nước sẽ chọn đội thi với 7 thành viên gồm 3 phần thi: Nhà thông thái trẻ, Kết nối tri thức và Chúng tôi là sinh viên.
Hội thi năm nay có giải thưởng đặc biệt hấp dẫn dành cho các cá nhân và tập thể, với tổng số tiền thưởng lên tới 320 triệu đồng.
Xem lại phương pháp giảng dạy ở nhà trường
Trong ngày khai mạc, website chính thức của cuộc thi đã có hàng nghìn tài khoản đăng ký. Còn ĐH Quốc gia Hà Nội, Hội Sinh viên đã mở phòng thi tập trung với hàng trăm sinh viên dự thi.
Hà Thị Vân Anh (Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết thực tế nhiều sinh viên ngại học những môn học lý luận vì lượng kiến thức rất nhiều, khó học và khô khan. Nhưng trải nghiệm ở hội thi này thì khác. Theo Vân Anh, nhiều câu hỏi lý thuyết từ giáo trình được lược hóa, thiết kế dưới dạng tình huống thực tế giúp thí sinh dễ thu nhận kiến thức hơn so với cách truyền giảng thụ động trên giảng đường.
Trong nhóm dự thi tại ĐH Quốc gia Hà Nội, Hoàng Hải Đăng, sinh viên chuyên ngành y dược, đặc biệt thích thú bộ câu hỏi về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh theo kiểu vừa kiểm tra kiến thức vừa đánh giá kỹ năng của thí sinh. “Không chỉ được mở mang, nâng cao kiến thức mà mỗi câu hỏi về cuộc đời, lối sống giản dị và ý chí tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là những bài học thiết thực, gần gũi nhất mà sinh viên có thể học tập ngay trong đời sống hằng ngày”, Hải Đăng nói.
Cố vấn của hội thi, GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho rằng hội thi lần thứ nhất thu hút hàng chục nghìn thí sinh tham dự. Nhiều người giành giải cao không phải là sinh viên chuyên ngành lý luận. Điều này cho thấy kiến thức các môn học này phần lớn do thí sinh tự đọc, tìm hiểu và tự tích lũy.
“Tôi tin hội thi này là cách thiết thực để nhen nhóm, khơi dậy tình cảm trong các bạn trẻ hôm nay tìm đến với các môn học lý luận, lớn hơn đó là tình cảm yêu nước. Qua đây cần tiếp tục kiến nghị với ngành giáo dục xem lại phương pháp đào tạo, giảng dạy các môn khoa học lý luận khi mấy chục năm qua rồi, giáo trình các môn học gần như không có sự đổi mới, cập nhật kiến thức mới thì làm sao hấp dẫn được sinh viên”, GS Nguyễn Trọng Chuẩn bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.