Nhiều ca lây nhiễm Covid-19 ở cộng đồng: Nghề nào sống được thời dịch?

23/05/2021 07:47 GMT+7

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở TP.HCM trong những ngày gần đây dấy lên sự lo ngại của nhiều người. Và người trẻ cũng không ngoại lệ.

Một trong những trăn trở, thắc mắc của họ, đó chính là làm gì để sống khi dịch Covid-19 tái bùng phát và làm nghề gì để kiếm thêm thời dịch bệnh?

Quán xá khắp Sài Gòn treo biển "bán mang về" những ngày Covid-19 nóng bỏng

Thâm hụt...

Sở dĩ có những câu hỏi ấy, là vì Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của mọi người. Ảnh hưởng lớn nhất có lẽ là thu nhập.
Anh Lê Thế Toàn (33 tuổi), kinh doanh phòng trọ ở hẻm 30 Phan Tây Hồ (P.7, Q.Phú Nhuận), cho biết: “Mình thuê nhà giá 30 triệu đồng/tháng. Với 14 phòng, mình cho người khác thuê lại kiếm lời. Lúc trước, tất cả phòng đều chật khách. Nhưng bây giờ, chỉ còn 6 phòng có khách thuê”.
Anh Toàn cho biết thêm hệ thống nhà cho thuê của anh không chỉ ở đường Phan Tây Hồ, mà còn ở những điểm khác như đường Phùng Văn Cung, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Công Hoan (Q.Phú Nhuận) cũng rơi vào cảnh ảm đạm tương tự. “Mỗi tháng, tính tất cả các điểm nhà trọ cho thuê, mình lỗ gần 50 triệu đồng. Mình đã nghĩ tới phương án trả lại nhà nếu dịch kéo dài”.
Chị Lê Thị Thế (ở đường số 3, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) mới mở tiệm gội đầu, chăm sóc mụn được khoảng 4 tháng nay. “Thời gian đầu, lượng khách đông đúc. Nhưng dần dần, nhất là dạo gần đây, mỗi ngày chỉ có... 1 đến 2 khách. Thậm chí, nhiều ngày vắng khách hoàn toàn”, chị Thế nói. Với chi phí thuê mặt bằng mỗi tháng 8 triệu đồng, lương nhân viên 6 triệu đồng, chưa kể tiền điện, nước, internet..., mỗi tháng chị bị thâm hụt trên 10 triệu đồng. Chị cho biết đã có ý định... “bán hết đồ đạc... chạy lấy người” nếu những ngày tới dịch Covid-19 có diễn biến xấu và khó lường hơn.
Nhiều ca lây nhiễm Covid-19 ở cộng đồng: Nghề nào sống được thời dịch?1

Một bạn trẻ từng làm công nhân, sau khi công ty ngừng hoạt động, đã chấp nhận làm “thợ đụng” ở một cơ sở nước uống đóng chai

ẢNH: P.X

Dịch Covid-19 không những khiến những người khởi sự kinh doanh điêu đứng, mà còn khiến những người vốn dĩ có công việc, tiền lương ổn định cũng rơi vào cảnh rầu rĩ.
“Lương mình lúc trước là 12 triệu mỗi tháng. Gần một năm nay giảm chỉ còn 50%. Trong khi chi phí sinh hoạt vẫn như cũ nên mình cũng ngạt thở lắm”, Trần Thị Thúy (26 tuổi, nhân viên một công ty quảng cáo ở P.13, Q.Tân Bình) chia sẻ.

Sáng 23.5: Thêm 33 ca Covid-19 tại Đồng Nai, Ninh Bình, Bắc Ninh

Bù đắp thu nhập bằng nghề gì ?

Chính những thâm hụt về lương, thu nhập vì chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như vậy, nên nhiều người trẻ tìm kiếm cách để xoay trở lúc khó khăn. Có không ít người đã tìm được lối ra để có "đồng ra đồng vào", vượt qua những ngày khốn khó.
Anh Lê Văn Tòa (37 tuổi, ở đường Bình Long, Q.Bình Tân), làm nghề xây dựng, nhà thầu ế hợp đồng, anh quyết định đổi nghề bằng cách chạy xe vận chuyển đồ. “Tầm một tháng nay, có lẽ vì việc kinh doanh ế ẩm nên nhiều quán ăn, tiệm spa... “gãy gánh giữa chừng”, thanh lý đồ đạc, chuyển hướng kinh doanh. Nhiều người cũng dọn phòng trọ tìm thuê nơi rẻ hơn... nên tôi cũng chạy được nhiều”, anh chia sẻ. Mỗi ngày anh nhận từ 2 - 3 cuốc xe, thu nhập dao động từ 400.000 - 700.000 đồng.
Nhiều ca lây nhiễm Covid-19 ở cộng đồng: Nghề nào sống được thời dịch?2

Anh Tòa cho biết nghề vận chuyển đồ giúp vượt qua khó khăn thời Covid-19

Một trong những nghề được xem là “hot” cho người trẻ trong mùa Covid-19, đó là bán đồ ăn trực tuyến. Nhóm bạn của Nguyễn Thị Nương (23 tuổi, quê Cà Mau) đang ở trọ tại đường Sinco (P.An Lạc, Q.Bình Tân), lúc trước đều làm công nhân. Sau đó, công việc ít dần, không thể cầm cự nổi. Trước tình cảnh đó, Nương và các bạn rủ nhau nấu đồ ăn, tham gia vào các hội nhóm dân cư các chung cư lân cận để rao bán. Nhờ vậy, cũng có thu nhập đều đặn. Nhất là mới đây, UBND TP.HCM có thông báo yêu cầu các quán ăn uống không bán tại chỗ, chỉ được bán mang đi, khuyến khích giao hàng tại nhà...
Từ khi việc bán đồ ăn trực tuyến “hot” đã mở ra cơ hội với một nghề khác là giao hàng. Vũ Anh Quân (24 tuổi, nhà ở đường Thành Thái, Q.10) cho biết khi dịch có chiều hướng trở lại, cũng là lúc “nổ” đơn hàng đi chợ trực tuyến và giao thức ăn tăng đột biến hằng ngày. “Lúc trước, mỗi ngày nhận khoảng 20 đơn hàng, thì mấy ngày gần đây, có thêm khoảng 10 - 15 đơn hàng. Chịu chạy thì kiếm sống được”, Quân cho hay và nói thêm, mùa Covid-19, có đông bạn bè, cả nam lẫn nữ, đăng ký làm đối tác giao hàng với các ứng dụng như: Baemin, Grab, Now, GoViet…
Ngoài ra, người trẻ còn hiến kế một số công việc có thể kiếm thêm thu nhập trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành như làm YouTuber, tìm khách để hướng dẫn tập thể hình tại nhà, bán hàng online, gia sư... Thậm chí có người còn làm "thợ đụng", ai kêu gì làm nấy, không nề hà việc khó khăn nào. Nhờ vậy họ cũng có thêm những nguồn thu nhập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.