Những cơn bão biển hãi hùng

14/06/2009 22:36 GMT+7

Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng tại khu vực thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hơn 20 năm qua, cán bộ, chiến sĩ hải quân đơn vị nhà giàn DK1, Đoàn hải quân M71 đã không ngại gian khổ, kiên cường bám trụ, vững vàng nơi đầu ngọn gió...

Khu vực DK1 là vùng biển thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, có vị trí vô cùng quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng đối với đất nước. Khu vực này có 9 bãi ngầm được đặt tên là: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Vũng May, Ba Kè, Bãi Đất, Bãi Đình. Đây là khu vực thường xuất hiện bão lớn từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau, điều kiện khí tượng, thủy văn vùng biển này vô cùng phức tạp.

Tại đây, 7 cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh, thân xác các anh đã mãi mãi nằm lại với biển khơi trên thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tá Bùi Văn Bổng, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/77 kể về những cơn bão hãi hùng nhất, điển hình là cơn bão số 10, tràn qua khu vực DK1 với sức gió mạnh cấp 10, cấp 11, sóng cao tới 14 - 15m liên tục chồm lên như muốn nhấn chìm những căn nhà giàn xuống biển... Bão mỗi lúc mỗi mạnh thêm. Tới quá nửa đêm thì 2-3 cơn sóng thần nổi lên liên tiếp nhấn chìm nhà giàn và cuốn theo 8 cán bộ, chiến sĩ xuống đáy biển đêm. Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, thượng úy quân y Lê Đức Là và trung sĩ Hồ Văn Hiền đã anh dũng hy sinh. Thiếu tá Bùi Văn Bổng là một trong những người may mắn thoát chết trong cơn bão lớn này.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, đơn vị DK1 liên tục gần 10 năm đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng, được tặng thưởng nhiều huân chương chiến công và đặc biệt được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2005.

Ngày 5.7.2009, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam này (gọi tắt là DK1).

Ngồi với chúng tôi, anh hồi tưởng lại chuyện cách đây 20 năm với đôi mắt đỏ hoe nhớ thương đồng đội. “Lúc đó khoảng 2 giờ sáng ngày 4.12.1990, nhà giàn Phúc Tần do tôi làm chỉ huy trưởng đã đổ ập hoàn toàn xuống biển. Anh em chúng tôi ai vớ được gì thì ôm chặt vào người. Có người thì ôm được miếng phao vỡ, có người ôm được thùng phuy, có người ôm được phao bè sắt và bị dòng nước hung hãn kéo xuống rồi nhấn chìm”, anh Bổng kể.

Cùng với 2 đồng đội là Quảng và Quỳnh, các anh đã chia nhau một tấm xốp mỏng. Ban đầu thì còn thấy mọi người xung quanh nhưng một lúc sau thì chẳng thấy ai. Chịu đựng từ 2 giờ sáng đến 5 giờ chiều, các anh mới được tàu HQ 711 đến cứu. Hơn 1 ngày trời trên biển, cả 3 người nhịn đói, nhịn khát. Thế mà hễ vớt được ống nước cất nào, cả 3 người lại bẻ ra chia cho nhau từng giọt nước ngọt. Chỉ trong chiều hôm ấy, tàu HQ 711, đã vớt được 5 người, khi được cứu lên tàu, ai cũng đã lả đi vì kiệt sức.

 
Thiếu tá Bùi Văn Bổng - người trở về sau cơn bão năm 1990

Tám năm sau, cơn bão số 5 (ngày 14.12.1998) với sức gió lớn hơn cấp 12 cộng thêm những đợt sóng thần lại một lần nữa xô đổ nhà lô 2A, Phúc Nguyên. Đại úy chỉ huy trưởng nhà giàn Vũ Văn Chương, chuẩn úy ra-đa Lê Đức Hồng, chuẩn úy cơ điện Nguyễn Văn An đã phải ra đi mãi không về.

Thời điểm đó, khi được tin dữ, Quân chủng Hải quân ra lệnh cho các tàu đang trực chiến tại khu vực thềm lục địa khẩn trương cơ động đến cứu đồng đội. Tàu HQ 606 nhanh chóng có mặt tại hiện trường, đại úy, thuyền trưởng Lê Văn Muộn nói với đồng đội trên tàu: “Tất cả chú ý, đồng đội đang mong chờ chúng ta từng giờ, từng phút. Một chút chậm trễ của chúng ta là đồng đội mất đi cơ hội được sống...”.

Qua hàng giờ tìm kiếm, có lúc đã tính toán trở về vì đã hết hy vọng nhưng với tình yêu thương đồng đội, các anh đã nán lại và phát hiện được sự sống trên một cái phao. Khi nghe tổ quan sát la lên: “Báo cáo, có người trên phao”, thì thuyền trưởng Lê Văn Muộn đã vừa khóc vừa báo về Sở chỉ huy vì quá đỗi mừng vui...

Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.