Những nghiên cứu gắn với đời thường - Kỳ 2: Biến đam mê thành sản phẩm hữu ích

25/02/2014 00:05 GMT+7

Nhiều sinh viên nghiên cứu thừa nhiệt huyết, đam mê nhưng lại thiếu kinh nghiệm, vốn, cũng như mối quan hệ... Dẫu vậy, bằng nỗ lực tự thân hoặc nhờ đòn bẩy trợ lực, không ít ý tưởng của họ đã được ứng dụng vào cuộc sống.

>> Những nghiên cứu gắn với đời thường

Những nghiên cứu gắn với đời thường - Kỳ 2: Biến đam mê thành sản phẩm hữu ích 1
Một số thành viên nhóm nghiên cứu bên chiếc máy đã được khách hàng đặt mua - Ảnh: Như Lịch

Giá thành thấp mà hiệu suất cao

Mới đây, một nhà máy chuyên về gia công bo mạch cho Nhật Bản nằm trong khu công nghiệp Việt  Nam - Singapore (tỉnh Bình Dương) đã đặt mua chiếc máy cắm linh kiện dán tự động loại nhỏ.

Đây quả là tin vui cho nhóm tác giả trẻ (gồm 6 sinh viên và 4 giáo viên) thuộc Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - những người đã nghiên cứu thành công chiếc máy nói trên.

Là người hướng dẫn và trực tiếp tham gia nghiên cứu, anh Lê Tấn Cường (Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ kiêm Chủ nhiệm CLB khoa học trẻ của trường) cho biết trăn trở thôi thúc các tác giả thực hiện đề tài này là: “Ở trong nước cũng như trên thế giới, hầu như người ta chỉ mới sản xuất ra những loại máy cắm linh kiện dán tự động có công suất lớn, với giá bán từ 5 - 6 tỉ đồng/cái. Như thế, chỉ có thể cung ứng cho những tập đoàn, công ty lớn. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm sao có thể sở hữu những chiếc máy này?”.

Sau 6 tháng thử nghiệm, nhóm đã cho “ra lò” phiên bản 1 của máy cắm linh kiện dán tự động. Máy có thể cắm được điện trở loại 0805 và tụ điện không phân cực. Linh kiện được cắm tương đối chính xác tọa độ và góc, khắc phục tình trạng cắm trực tiếp bằng tay không đồng đều và có thể gây hại cho da (do tiếp xúc chì). Bên cạnh đó, máy còn có phần mềm điều khiển dễ sử dụng và giám sát hiệu quả hoạt động, hạn chế sự cố xảy ra.

 Những nghiên cứu gắn với đời thường - Kỳ 2: Biến đam mê thành sản phẩm hữu ích 2
Giường cũi đa năng  - Ảnh: Lê Thanh

Kích cỡ máy nhỏ gọn (thông số dài x rộng x cao là 500 mm x 350 mm x 280 mm), dễ bố trí cho khu vực sản xuất nhỏ; giá thành thấp (chưa tới 100 triệu đồng); giảm chi phí nhân công nhưng làm tăng hiệu suất công việc gấp nhiều lần. Đó chính là những ưu thế khiến sản phẩm này nhận được những phản hồi tích cực từ một số doanh nghiệp. Thậm chí đã có công ty không ngần ngại đặt mua với giá khoảng 85 triệu đồng.

Đánh giá về tính ứng dụng của những công trình nghiên cứu nói chung của sinh viên lâu nay, anh Lê Tấn Cường cho rằng: “Ở Việt Nam, nhiều nghiên cứu thường không gắn với thực tế. Sinh viên có nhiều niềm đam mê tuổi trẻ nhưng không vốn lẫn sự định hướng, kinh nghiệm và mối quan hệ. Vì vậy, giáo viên hướng dẫn và nhà trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng để biến niềm đam mê đó thành những sản phẩm khoa học đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội”.

Giường cũi đa năng cho trẻ

Một chiếc giường cũi mà có thể dùng với nhiều chức năng từ khi trẻ ra đời cho đến khi đi học.

Trần Mỹ Kiều Trâm (sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM), người  thiết kế, tạo ra giường cũi đa năng cho trẻ từ 0 đến 5 tuổi giải thích lý do thực hiện sản phẩm này như sau: “Trẻ em luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương của mọi thành viên trong gia đình. Để chuẩn bị cho bé chào đời, ba mẹ đầu tư một khoản tiền không nhỏ để mua sắm những vật dụng cho bé. Giường nôi là một sản phẩm rất cần thiết mà mỗi ông bố, bà mẹ ưu tiên mua sắm hàng đầu vì nó ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ của bé. Tuy nhiên, các sản phẩm hiện bán trên thị trường hiện nay hiệu quả sử dụng chưa phù hợp với thói quen chăm sóc của ba mẹ cũng như tâm sinh lý trẻ. Vì vậy, mình muốn nghiên cứu để tạo ra một sản phẩm mới về giường cũi đa năng có hiệu quả sử dụng cao và an toàn cho bé”.

Vật liệu chính để sản xuất sản phẩm này là ván MDF (Medium Density Fiberboard) dày 18 mm, khổ 1.200 x 2.400, với nhiều ưu điểm là bề mặt nhẵn, phẳng, như gỗ tự nhiên, không bị cong vênh, sứt mẻ, cách âm, cách nhiệt tốt. Tính ưu việt nữa của chiếc giường là có thể tháo rời hay lắp ráp một cách dễ dàng dù không thể tìm ra một chiếc đinh hay ốc vít gì cả.

Kiều Trâm cho hay sản phẩm này có thể được chuyển đổi chức năng phù hợp với từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý của bé. Giai đoạn bé từ 0 đến 2 tuổi, cũi là nơi cho bé ngủ và là góc vui chơi giữ bé an toàn khi mẹ bận việc như nấu ăn, pha sữa, giặt giũ... Khi bé từ 2 đến 3 tuổi, lúc này bé không chịu ở trong cũi nữa mà thích khám phá cảnh vật xung quanh. Vì vậy, chúng ta có thể tận dụng cũi lắp ráp thành chiếc bập bênh cho 2 người cùng chơi để giúp bé phát triển hệ vận động. Khi bé ở tuổi mẫu giáo (từ 3 đến 5 tuổi) là lúc bé đã biết xem tranh, ảnh, sách truyện, chúng ta có thể biến cũi thành bàn ghế cho trẻ ngồi chơi hoặc học tập. Khi bé lớn hơn chút nữa và không còn nhu cầu sử dụng sản phẩm này, cũi sẽ được tận dụng để lắp ráp thành kệ để sách báo, đồ chơi, kệ đặt ti vi cho gia đình hoặc phòng riêng cho bé…

Theo thiết kế, cũi đa năng gồm có 2 dòng sản phẩm với gam màu tươi sáng, chi tiết đồ họa bắt mắt cách điệu từ động vật và hoa cỏ, giúp ba mẹ có nhiều sự lựa chọn phù hợp với không gian nội thất cũng như đáp ứng sở thích của cả bé trai và bé gái. Mỗi sản phẩm có giá bình quân khoảng 2 triệu đồng, với thời gian từ 7 đến 10 năm. 

Như Lịch - Lê Thanh

>> Chọn 5 dự án nghiên cứu khoa học của học sinh dự thi quốc gia
>> Nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng cao
>> 15 đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng thực tế 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.