Những người rời phố, âm thầm gieo chữ ở đảo xa

07/10/2016 08:50 GMT+7

Cô giáo Nguyễn Thị Hợi và thầy giáo Lưu Thế Sơn kiên cường bám trụ dạy học, mang tri thức đến với học trò nơi đầu sóng ngọn gió.

Đây là những giáo viên tiêu biểu được T.Ư Hội LHTN VN và Tập đoàn Thiên Long lựa chọn tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô".
Thắp sáng nghị lực vượt khó
Có 29 năm trong nghề giáo thì hơn một nửa thời gian, cô giáo Nguyễn Thị Hợi (50 tuổi) dạy học ở Trường PTCS Bản Sen, xã đảo Bản Sen (H.Vân Đồn, Quảng Ninh). Bằng tình yêu nghề, cô Hợi là ngọn lửa thắp sáng ý chí vượt khó vươn lên cho bao thế hệ học sinh ở xã đảo này.
Cô Hợi còn chịu thêm thiệt thòi là nỗi nhớ con đến thắt lòng khi phải xa nhà biền biệt. “Mỗi lần lên lớp nhìn học trò, tôi coi đó là con mình để làm điểm tựa hạnh phúc, thương các con, mình không nỡ rời xa, dù cũng có cơ hội chuyển về đất liền”, cô Hợi nói.
Cô Hợi là giáo viên có nhiều ý tưởng sáng tạo trong giảng dạy. Ở môn địa lý, cô Hợi chọn ngay danh lam thắng cảnh địa phương lồng ghép vào mỗi bài giảng khiến học sinh đặc biệt đam mê học địa lý. Cô Hợi trở thành giáo viên đi vào lịch sử Trường PTCS Bản Sen khi có công đào tạo các lứa học sinh giỏi cấp tỉnh, điều hiếm có ở các trường học vùng xã đảo.
“Nhiều em học rất khá nhưng điều kiện gia đình khó khăn phải nghỉ học đi biển rất sớm khiến tôi day dứt. Tôi chỉ mong các em được hỗ trợ nhiều hơn để yên tâm học tập, theo đuổi ước mơ của riêng mình”, cô Hợi trải lòng.
Không chỉ đào tạo nhiều học sinh giỏi mang niềm vinh dự cho nhà trường, cô Hợi còn có nhiều bài giảng, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước, xua đuổi thú dữ, phòng chống bão lũ... giúp học sinh chủ động ứng phó giữ an toàn cho bản thân được phụ huynh đồng tình ủng hộ.
Gieo chữ ở đảo xa 2
Ngoài giờ dạy, thầy Sơn phải sửa xe để có thêm thu nhập
Thầy giáo dạy văn giỏi
Thầy giáo Lưu Thế Sơn có thâm niên dạy học ở Trường PTCS Ngọc Vừng (xã Ngọc Vừng, H.Vân Đồn) nhiều nhất. 14 năm gắn bó với hòn đảo Ngọc Vừng xinh đẹp cách đất liền gần 3 giờ đi biển. Sau khi ra trường, thầy Sơn xách ba lô xuống tàu vượt biển ra đảo Ngọc Vừng.
Quen với cuộc sống đất liền nhộn nhịp, thầy Sơn ngỡ ngàng nhìn đảo vắng hoang sơ. Ngôi trường về dạy học chỉ có vài ba dãy nhà xuống cấp xơ xác như nhà kho. Ngay sân trường, một hố cát to nằm án ngữ là chỗ vui đùa yêu thích của trẻ con trên đảo. Không có nhà công vụ, thầy Sơn mượn nhà, ở tạm cùng các hộ dân ra đảo khai hoang.
Khó khăn trong đời sống không thấm tháp gì so với việc vận động trẻ em đi học. Ngư dân trên đảo Ngọc Vừng quanh năm thả lưới đánh cá, trẻ em theo gia đình đi biển từ nhỏ, lớn lên nối nghiệp ngư dân. Cuộc sống lao động theo vòng luẩn quẩn như thế khiến ngư dân không màng tới chuyện học hành của con em mình. Để có học sinh đến lớp, thầy Sơn cùng đồng nghiệp lặn lội đến từng hộ gia đình vận động cho con em đi học.
“Lúc ấy không có đường bê tông như bây giờ mà chỉ toàn đường đất pha cát trắng, nắng thì nóng nhẫy, mưa thì lầy lội ngày nào cũng phải đi bộ hàng chục cây số vận động trẻ em đi học. Đến nhà không gặp thì phải tìm ra bến tàu, thuyền của ngư dân “đón” học sinh đến lớp”, thầy Sơn nhớ lại.
Dành hết tình yêu nghề, thầy Sơn đưa vợ con từ đất liền ra đảo Ngọc Vừng định cư để yên tâm làm việc. Cuộc sống khốn khó với đồng lương nghề giáo ít ỏi cùng những bận bịu, lo toan trong công việc là nguyên nhân khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ.
Sau ly hôn, người vợ về lại đất liền, bỏ lại thầy Sơn một mình nuôi hai con nhỏ. Thầy Sơn mở tiệm sửa chữa xe đạp xe máy, lúc rảnh rỗi lại theo thuyền ngư dân đi đánh cá, xúc tép kiếm thêm thu nhập. Hiện thầy Sơn đã lập gia đình với người phụ nữ thứ hai, công việc chăm sóc con nhỏ có thêm người san sẻ nhưng khó khăn vẫn còn bủa vây khi vợ chưa có việc làm ổn định nên ở nhà nội trợ, bó chổi cùng chồng mưu sinh.
Không chỉ đóng góp ở trường, nhiều năm nay thầy Sơn là giáo viên biệt phái của Trung tâm học tập cộng đồng xã Ngọc Vừng, chuyên cố vấn và tham mưu cho chính quyền địa phương mở các lớp học nghề, phổ cập giáo dục bậc THCS cho ngư dân trên toàn đảo.
Vinh danh những đóng góp cho nền giáo dục
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa
Mục đích chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” ngay từ đầu là nhắm đến việc chia sẻ, tuyên dương những tấm gương hy sinh bản thân và gia đình vì sự nghiệp trồng người đối với thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống và công tác giảng dạy.
Chính vì vậy, tương tự như thầy cô giáo cắm bản là đối tượng chính của chương trình trong năm 2015, thì năm nay chương trình hướng đến các giáo viên vùng biển đảo, những chiến sĩ giáo dục đang thầm lặng ngày đêm gieo con chữ trên những vùng đất gian truân giữa muôn trùng sóng gió của biển cả.
Không chỉ muốn hiểu rõ hơn về những khó khăn, chương trình còn muốn tìm hiểu đâu là động lực để những thầy cô giáo biển đảo vẫn kiên trì đứng trên bục giảng bất chấp bộn bề khó khăn, thiếu thốn ở vùng biển, đảo. Thêm vào đó, ngoài việc hỗ trợ các thầy cô giáo nơi biển đảo, điều quan trọng hơn chúng tôi muốn làm là vinh danh những đóng góp của họ cho nền giáo dục VN. Tất nhiên, dù không có sự vinh danh này, các thầy cô biển đảo vẫn sẽ lặng lẽ gắn bó và đam mê với nghề giáo nhưng tôi tin rằng có sự vinh danh này, thầy cô biển đảo sẽ cảm thấy ấm lòng hơn và sẵn sàng bước tiếp trên con đường họ đã chọn.
Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa
Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.