Những sáng tạo độc đáo

21/12/2015 04:39 GMT+7

Nhiều sản phẩm sáng tạo hữu ích tiêu biểu đã giành giải thưởng Sáng tạo trẻ do T.Ư Đoàn trao tặng.

Nhiều sản phẩm sáng tạo hữu ích tiêu biểu đã giành giải thưởng Sáng tạo trẻ do T.Ư Đoàn trao tặng.

Máy bay không người lái - Ảnh: N.V.C.CMáy bay không người lái - Ảnh: N.V.C.C
Máy bay không người lái
Máy bay không người lái (UAV - Unmanned Aerial Vehicle) của nhóm tác giả Nhữ Quý Thơ, Lê Ngọc Duy, Nguyễn Văn Trường (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) là thiết bị bay được điều khiển từ xa thông qua trạm mặt đất GCS (Group Control Station).
Anh Lê Ngọc Duy cho biết máy bay không người lái được ứng dụng trong nhiều công việc trinh thám, giám sát đường biên các khu vực có diện tích rộng như: Vườn quốc gia, khu sinh thái, trang trại. Ngoài ra, thiết bị còn có khả năng thu thập hình ảnh, khảo sát địa hình, hỗ trợ công tác lập bản đồ khu vực; sử dụng trong lĩnh vực quan trắc môi trường, ứng dụng trong ngành an ninh như giám sát tội phạm, hỗ trợ công tác giao thông, công tác tìm kiếm cứu nạn, cảnh báo hỏa hoạn...
Máy bay được điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến từ các trạm mặt đất và bay tự động theo hành trình định sẵn dựa trên tín hiệu GPS. Người lập trình sẽ sử dụng phần mềm mô phỏng chuyên dụng để cài đặt các tham số điều khiển cho chế độ bay tự động, từ kết quả và kiểm nghiệm thành công trên phần mềm mô phỏng sẽ đưa ra các tham số phù hợp vào máy bay thực tế. Điểm ấn tượng nhất là chế độ khôi phục cho phép máy bay tự động quay về sân bay khi mất tín hiệu điều khiển. Đây là chế độ được thiết lập sẵn cho máy bay, giúp giảm sự cố có thể xảy ra khi bay.
Cũng theo anh Lê Ngọc Duy, máy bay được giám sát và điều khiển thông qua máy tính, điều này cho phép thiết lập hành trình bay nhằm giám sát các thông số: Tốc độ, độ cao, các giá trị cảm biến và hành trình bay. Trên máy bay được trang bị các cảm biến và module khác nhau như: GPS, bộ thu phát RF, cảm biến góc nghiêng, vận tốc góc, cảm biến gia tốc, cảm biến áp suất. Phần mềm điều khiển sẽ hiển thị các tham số mà cảm biến đo được, điều này cho phép người điều khiển giám sát các thông số từ mặt đất. “Qua thử nghiệm, máy bay có thể hoạt động trong bán kính 5 - 10 km với thời gian liên tục từ 15 - 30 phút và công trình này tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất”, anh Duy cho biết.
Không chỉ giành giải thưởng Sáng tạo trẻ do T.Ư Đoàn trao tặng, UAV từng giành giải nhất tại Triển lãm khoa học của giảng viên và sinh viên do Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Bộ KH-CN tổ chức; giải nhất tại Triển lãm Robocon Techshow 2014.
Tấm lợp siêu bền làm từ phế thải
Công trình nghiên cứu chế tạo tấm lợp composite của anh Hoàng Hải Hiền, giảng viên Trường CĐ Công nghiệp cao su (tỉnh Bình Phước), thu hút sự quan tâm đặc biệt của hội đồng giám khảo. Sản phẩm có độ bền cao và giá rẻ hơn so với nhiều loại tấm lợp hiện có ngoài thị trường, đặc biệt góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường khi nguyên liệu sản xuất là các loại phế thải khó phân hủy. “Nguyên liệu sản xuất tấm lợp composite là các loại rác thải: vỏ đồ hộp, hộp nhựa bằng kim loại, túi ni lông, các loại vải vụn... Trước khi đưa vào sản xuất tấm lợp, phế thải sẽ được nghiền thành hạt có kích thước nhỏ hơn 1 mm”, anh Hiền chia sẻ.
Tấm lợp composite đang thử nghiệm cho xe máy cán qua -  Ảnh: N.V.C.CTấm lợp composite đang thử nghiệm cho xe máy cán qua -  Ảnh: N.V.C.C
Qua thử nghiệm, tấm lợp này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các loại tấp lợp hiện có ngoài thị trường. Cụ thể, khi kiểm nghiệm tấm lợp trên máy đo cơ lý vạn năng của Mỹ, so sánh với tiêu chuẩn đo lường TCVN 4434:2000 dành cho sản phẩm tấm lợp tại VN thì tấm lợp composite không những vượt tiêu chuẩn kỹ thuật quy định mà còn có độ bền, khả năng chống chịu va đập cao hơn so với các loại tấm lợp xi măng thông thường. Ấn tượng nhất là khi thử nghiệm xác định độ thẩm thấu nước, sau 24 giờ theo quy định, các mẫu thử không có hiện tượng thấm nước.
Cũng theo anh Hiền, ngoài ứng dụng vào công tác giảng dạy tại trường, sản xuất tấm lợp cho hệ thống nhà kho, nhà tạm để tiếp tục phát triển đa dạng hóa sản phẩm, công trình nghiên cứu sản xuất tấm lợp composite từ phế thải còn được chuyển giao cho một doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn phục vụ người tiêu dùng. Trong khi đó, giá bán của loại tấm lợp composite làm từ phế thải chỉ 25.600 đồng/tấm, rẻ gần một nửa so với tấm lợp ngoài thị trường dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/tấm.
T.Ư Đoàn tuyên dương 36 công trình, sản phẩm tiêu biểu
Tối 20.12, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức lễ tuyên dương và trao giải thưởng Sáng tạo trẻ cho các công trình, sản phẩm sáng tạo trẻ tiêu biểu toàn quốc. Phó trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Văn Hùng; Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng và Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn tới dự.
Giải thưởng Sáng tạo trẻ năm nay được trao cho 36 sản phẩm, công trình tiêu biểu cấp toàn quốc lựa chọn từ 255 hồ sơ đề cử của 46 tỉnh, thành phố. Đây là những công trình nghiên cứu khoa học sáng tạo sản phẩm mới, đề xuất sáng kiến kỹ thuật trong lao động sản xuất, đạt giá trị kinh tế cao.
Phát biểu tại lễ trao giải, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn khẳng định giải thưởng Sáng tạo trẻ tuyên dương cá nhân, tập thể có tinh thần lao động sáng tạo với nhiệt huyết, khát khao cống hiến dựng xây đất nước. 
Năm 2016, phong trào Sáng tạo trẻ sẽ có nhiều điểm đổi mới, các tỉnh, thành Đoàn sẽ đăng ký danh mục dự kiến công trình, phần việc sáng tạo làm cơ sở bình chọn vào cuối năm. T.Ư Đoàn sẽ là cầu nối giới thiệu công trình, ý tưởng, sản phẩm sáng tạo đến các đơn vị để ứng dụng chuyển giao vào đời sống.
Phan Hậu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.