Những "tháng không ngày, tuần không thứ" trên bản Rào Tre

20/03/2006 22:00 GMT+7

Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt", câu nói ấy vừa như mệnh lệnh, vừa như động lực thôi thúc Lê Văn Sơn lên với bản Rào Tre. Thấm thoắt đã 5 năm, người chiến sĩ Đồn biên phòng 563 - Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh này đã cùng đồng đội lập công bảo tồn, phát triển cuộc sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Chứt trước mối đe dọa suy vong.

Lê Văn Sơn là một trong 7 chiến sĩ biên phòng đầu tiên xung phong lên xây dựng bản Rào Tre thuộc xã Hương Liên (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) - nơi có dân tộc Chứt, một dân tộc có số dân ít nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Dù đã biết trước mắt là những khó khăn, song anh và đồng đội cũng mường tượng khá đầy đủ những tháng ngày gian khổ sau này. Anh kể: "Chúng tôi không tin vào mắt mình, ở thế kỷ 21 rồi, trên đất nước mình vẫn còn những vùng nghèo khổ đến như vậy. Từ bao đời nay, bà con dân tộc Chứt chủ yếu sống du canh, du cư, săn bắn, hái lượm trong rừng theo phương thức: chặt, đốt, cốt, trỉa". Cả bản chỉ có 25 hộ dân. Từâ già đến trẻ chẳng ai biết đến mặt chữ. Cuộc sống thiếu đói quanh năm, phong tục tập quán hết sức lạc hậu, dịch bệnh phát triển, nhất là bệnh sốt rét và bệnh bướu cổ. Sự tồn vong của dân tộc Chứt đang bị đe


Anh Lê Văn Sơn

dọa nghiêm trọng. Với tình thương và trách nhiệm trước đồng bào, Sơn và đồng đội lăn xả vào công việc. Phải mất 6 tháng giúp đồng bào dân tộc Chứt, từ những việc nhỏ nhặt nhất như dọn dẹp nhà cửa đến việc đồng áng, thậm chí kiêm luôn cả... đỡ đẻ. Đối với chiến sĩ biên phòng, đó là những "tháng không ngày, tuần không thứ", nhờ vậy họ mới giành được lòng tin của dân bản. Cùng một lúc, chiến sĩ Lê Văn Sơn đảm nhiệm nhiều vai trò: ban ngày làm thầy thuốc, kỹ sư khuyến nông; đêm thành thầy giáo, thủ lĩnh Đoàn thanh niên... Trong câu chuyện với chúng tôi, điều mà Sơn tâm đắc nhất chính là đã làm thay đổi được nhận thức của bà con. "Giờ đây bà con đã biết có thuốc chữa bệnh thay cho lá rừng, biết ăn chín uống sôi, biết cách gội đầu, tắm giặt bằng xà phòng. Từ chỗ thiếu đói quanh năm nay đã đủ ăn. Nhiều hộ còn mua sắm được cả ti vi, quạt điện, trâu bò, lợn gà chăn nuôi. 100% bà con đã biết đọc, biết viết. Chúng tôi còn vận động được 39 em theo học trường dân tộc nội trú của huyện" - anh Sơn hồ hởi cho biết.

Bên cạnh việc đưa ánh sáng văn hóa đến với bản Rào Tre, các chiến sĩ Đồn biên phòng 563 không quên giữ gìn phong tục tập quán của dân tộc. Với lòng say mê nhiệt tình cộng với năng khiếu văn nghệ, anh Sơn đã tìm hiểu, sưu tầm những nhạc điệu của dân tộc Chứt đã bị lãng quên. Hoạt cảnh Bản làng đổi mới do Lê Văn Sơn dàn dựng đã đoạt giải A trong Liên hoan tổ tuyên truyền văn hóa các tuyến biên giới - bờ biển lần thứ 2. Sơn còn được tín nhiệm bầu vào làm công tác Đoàn ở xã. Phong trào Đoàn từ đây được gầy dựng, thu hút được đông đảo đoàn viên tham gia. Sơn khoe: "Chi đoàn mình đã đóng góp được hàng ngàn ngày công và hàng chục triệu đồng giúp bà con ngói hóa nhà và bê tông đường đi nội bản. Năm ngoái, bọn mình còn tổ chức khám chữa bệnh cho đồng bào bản Nape nước bạn Lào rất thành công". Liên tục trong 4 năm, chi đoàn Rào Tre đạt chi đoàn vững mạnh toàn diện, được T.Ư Đoàn tặng bằng khen. Từ năm 2001 đến nay, năm nào Lê Văn Sơn cũng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được nhận nhiều bằng khen của Bộ Quốc phòng, tỉnh Hà Tĩnh và T.Ư Đoàn. Năm 2005, anh vinh dự được chọn là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII. Với những gì đã làm cho đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, Lê Văn Sơn xứng đáng là gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2005.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.