Những thủ khoa "kép"

23/08/2008 11:26 GMT+7

Trong số 99 gương mặt xuất sắc được TP Hà Nội tuyên dương ngày 19.8, có những bạn trẻ chỉ trong 4 năm đã lập kỷ lục 2 lần: từng là thủ khoa "đầu vào" nay lại là thủ khoa "đầu ra".

Rút ngắn khoảng cách

Cái tên Ngô Tiến Đạt, sinh viên khoa Công nghệ thông tin (ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội) gây được sự chú ý nhiều nhất tại lễ tuyên dương thủ khoa năm nay. Không chỉ nổi tiếng vì đứng đầu danh sách thủ khoa với số điểm trung bình toàn khóa học là 9,31, mà 4 năm trước Đạt từng là thủ khoa đỗ ĐH với số điểm tuyệt đối 30/30.

Từ một cậu học trò trường huyện ở Hải Hậu (Nam Định), đoạt giải nhì học sinh giỏi toàn tỉnh 2 môn Toán và Lý, nhưng khi đặt chân vào giảng đường ĐH, Đạt không khỏi bỡ ngỡ, choáng ngợp trước một "rừng sao" toàn những học sinh giỏi được tuyển thẳng vào ĐH; có bạn còn đoạt huy chương Olympic quốc tế tin học. Đạt bộc bạch: "Hồi học cấp 3, mỗi năm bọn mình chỉ được thực hành 2 buổi trên máy tính. So với nhiều bạn trong lớp, trình độ tin học của mình chỉ dừng lại ở mức... vỡ lòng". Với niềm đam mê công nghệ thông tin, không ngừng học hỏi, Đạt quyết tâm rút ngắn khoảng cách. Học kỳ đầu tiên, Đạt đứng thứ 3 trong lớp với điểm trung bình các môn đạt 8,93. Từ học kỳ thứ 3 trở đi, Đạt luôn giành ngôi vị dẫn đầu toàn khóa. Đạt đã được nhận học bổng Nortel, NetPro-IT, Motorola và 2 lần là gương mặt tiêu biểu của ĐH Quốc gia.

Không chỉ ham học hỏi, Đạt còn say mê nghiên cứu khoa học và đã đoạt giải ba đồng đội cuộc thi lập trình robot năm 2006, giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2007-2008. Được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh, Đạt ấp ủ dự định trong tương lai sẽ phát triển các hệ thống thông minh như: các thiết bị gia đình, máy móc thông minh trong nhiều lĩnh vực...

Chinh phục các mục tiêu

Đỗ Thị Hà Hạnh, thủ khoa khối A Học viện Bưu chính - Viễn thông với 3 điểm 9,5 (chưa kể 2 điểm thưởng), nói rằng "vất vả nhất" là học kỳ đầu tiên, bởi phải mất thời gian làm quen với môi trường mới, cách học mới hoàn toàn khác xa với cách học ở phổ thông.

Hạnh thú nhận: "Danh hiệu thủ khoa vừa là áp lực lớn, vừa là động lực cho mình phấn đấu trong suốt 4 năm học. Bí quyết của mình là chinh phục dần dần các mục tiêu từ dễ đến khó. Nếu đặt kỳ vọng quá cao mà không vượt qua được dễ bị rơi vào trạng thái chán nản, thất vọng". "Mức xà" đầu tiên, Hạnh đặt cho mình là phải không thi lại môn nào. Tiếp đến là có suất học bổng, chinh phục mốc điểm trên 8,0. Thấy sức mình có thể đạt được kết quả cao hơn, Hạnh thử sức

Đạt nói: "Có những bạn học giỏi ở bậc phổ thông, nhưng khi lên ĐH xao nhãng học tập dẫn đến kết quả không cao. Theo mình, ngay từ năm thứ nhất phải đề ra kế hoạch cho bản thân, không xa rời mục tiêu phấn đấu. Ở môi trường ĐH, một trong những yếu tố quan trọng là phát huy khả năng tự học và học hỏi từ bạn bè".
phấn đấu vượt mức 9,0. Ngoài giờ học, Hạnh còn đi làm "part time" tại Công ty FPT. Mùa hè tình nguyện nào Hạnh cũng xung phong có mặt trong đội tình nguyện đi "xóa mù" tin học ở Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Tây...

Hạnh bảo: "Nếu biết phân bổ thời gian hợp lý thì các hoạt động ngoại khóa hay đi làm thêm hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc học. Ngược lại, tham gia các hoạt động tình nguyện đem lại cho mình vốn sống, hiểu biết xã hội, tinh thần làm việc tập thể và đặc biệt là sự tự tin, khả năng ăn nói lưu loát".

Thành quả học tập trong suốt 4 năm phấn đấu của Hạnh là danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp ĐH loại giỏi và giải thưởng ứng viên xuất sắc nhận giải thưởng "Mãi mãi tuổi hai mươi".

Học không chỉ vì điểm số

Trong khi nhiều bạn tốt nghiệp ĐH còn lận đận xin việc, thì Nguyễn Thị Nga, thủ khoa ĐH Ngoại thương đã nhận được lời mời làm việc cho một công ty tài chính ở TP.HCM,  khi chưa tốt nghiệp.

Là thủ khoa "đầu vào" năm 2003 với điểm số 29,5; 4 năm liền Nga duy trì thành tích rất ổn định, với danh hiệu sinh viên xuất sắc toàn khóa học và được nhận học bổng Sumitomo. Nga tâm sự: "Chọn đúng ngành nghề yêu thích là yếu tố rất quan trọng dẫn đến sự thành công. Khi có niềm đam mê, mình sẽ học với sự say mê, hứng khởi hiệu quả sẽ cao hơn. Nhiều bạn sai lầm khi tính đỗ ĐH bằng mọi giá mà không nghĩ sau này mình sẽ làm gì, có hợp với mình hay không".

Quan niệm học không chỉ vì điểm số mà còn để tích lũy kinh nghiệm cho công việc sau này, nên ngay từ năm thứ 2 Nga đã tham gia vào "Hội bút kinh tế", chuyên viết bài cho tập san của nhà trường. Nga còn đứng ra tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm cho các bạn sinh viên. Năm 2007, Nga giành giải 3 cuộc thi "Sinh viên năng động" do nhà trường tổ chức.

Với điểm trung bình toàn khóa học là 8,97, lại thêm một lần nữa Nga trở thành thủ khoa ĐH Ngoại thương năm 2008.  

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.