Niềm vui sáng tạo: Tạo trí tuệ cho máy tính

18/02/2015 06:09 GMT+7

(TN Xuân) 35 nhà phát minh xuất sắc nhất dưới tuổi 35 trong nhiều lĩnh vực vừa được Tạp chí MIT Technology Review vinh danh. Trong đó, có cái tên Lê Viết Quốc đến từ Việt Nam.

(TN Xuân) Sự sáng tạo ra đời khi ta chịu thoát ra khỏi lối mòn, những điều đã trở nên quen thuộc.

Nhờ suy nghĩ phải làm một cái gì đó mà người khác ít hoặc chưa làm mà một chàng trai gốc Đà Lạt đã thành công khi tập trung nghiên cứu và đầu tư vào loại cây trồng với loại trái nhỏ.

Trồng cây thẳng đứng là chuyện bình thường. Có hai bạn trẻ thành công nhờ ý tưởng đi ngược lại điều bình thường này - trồng và bán loại cây úp ngược…
Rõ ràng, sự sáng tạo, ý tưởng ở con người là vô hạn.
Trong sự sáng tạo đó, để đạt đến thành công, ngoài sự độc đáo, mới lạ, cần phải có niềm đam mê. Phải yêu, phải mê, phải sống hết lòng vì nó thì mới có được sự sáng tạo. Nhà vật lý học nổi tiếng thế giới Richard P.Feynman sinh thời từng cho rằng chẳng hiểu rốt cuộc thì giải Nobel có mang lại điều gì hay giá trị gì cho ông. Tuy nhiên, với ông, phần thưởng đích thực chính là niềm vui khám phá, sự đột phá trong phát minh và chứng kiến kết quả nghiên cứu của mình được nhiều người sử dụng.
Cùng với Thanh Niên Xuân, bạn đọc hãy bước vào thế giới những ý tưởng sáng tạo độc đáo của người Việt trẻ.

 Tạo trí tuệ cho máy tính

35 nhà phát minh xuất sắc nhất dưới tuổi 35 trong nhiều lĩnh vực vừa được Tạp chí MIT Technology Review vinh danh. Trong đó, có cái tên Lê Viết Quốc đến từ Việt Nam.

Niềm vui sáng tạo: Tạo trí tuệ cho máy tínhẢnh: Đào Ngọc Thạch
Vì đó là đam mê, là thú vui nên mỗi ngày làm việc với tôi không phải là làm việc nữa, mà là được tham dự một cuộc vui hấp dẫn
Lê Viết Quốc
Giữa một quán cà phê có wifi, bạn có thể hỏi chiếc điện thoại: “Who is Barack Obama?” (Barack Obama là ai?). Gần như ngay lập tức, chiếc điện thoại trả lời ông là vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ. Hoặc khi nhìn thấy một con cá lạ trong bể nước, bạn chỉ cần chụp lại, đưa lên trang tìm kiếm, hỏi đây là loại cá gì? Trong tích tắc, hệ thống dữ liệu sẽ lục soát trong số hàng triệu hình ảnh về loài cá đã đưa lên trước đó, rồi cho bạn biết chính xác tên của loài cá này!
Đó chính là một trong những sản phẩm trí tuệ nhân tạo mà Lê Viết Quốc đã nghiên cứu và phát triển, giúp cho hàng triệu người suốt thời gian qua thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, nhận biết về thế giới.
Sinh năm 1982 ở Huế, từ nhỏ Lê Viết Quốc đã ham đọc sách về những phát minh kỳ diệu của nhân loại. Quốc tự đặt hàng loạt những câu hỏi và âm thầm tìm cách trả lời.
Tốt nghiệp chuyên toán - tin Trường Quốc học Huế, Quốc nhận được học bổng của Trường đại học Quốc gia Úc ngành kỹ sư máy tính, và sau đó lấy bằng tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo ở Đại học Stanford (Mỹ). Bắt đầu từ năm học thứ 2 đại học, Quốc bắt tay vào nghiên cứu lĩnh vực này. Khi là nghiên cứu sinh ở Đại học Stanford, Quốc tập trung vào công nghệ “deep learning” (phương pháp dạy cho máy tính học sâu). Vào những thập niên trước, đã có nhiều phát minh về phương pháp deep learning, tuy nhiên, để “dạy” một cái máy tính thông minh, uyên bác thì họ phải mất một thời gian dài, có thể đến vài tháng mà không cho kết quả tốt. Quốc đã nghiên cứu, tìm tòi trong suốt 4 năm để rút ngắn thời gian và nâng cao độ chính xác của thuật toán.
Niềm vui sáng tạo: Tạo trí tuệ cho máy tính 2Lê Viết Quốc trong một buổi nói chuyện về trí tuệ nhân tạo tại San Francisco (Mỹ) - Ảnh: Curtney Burton
Kết quả là chỉ trong vài ngày, bất cứ máy tính nào cũng có thể trở thành một dạng “bách khoa toàn thư” chứa đựng kiến thức, giúp nhận dạng người, thú, cây và hàng ngàn đồ vật khác từ những bức hình. Nhờ kết quả này, deep learning đã trở thành một công nghệ đột phá từ năm 2013 và được thừa nhận rộng rãi bởi các tạp chí uy tín như New York Times, MIT Technology Review.
“Nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo là đam mê của cuộc đời tôi. Nó làm thay đổi chính tôi, và có khả năng mang lại nhiều ứng dụng cho mọi người. Điều may mắn là tôi đã có được một môi trường tuyệt vời để sáng tạo, bên những người cộng sự xuất sắc”, Quốc chia sẻ. Được một tạp chí hàng đầu về công nghệ trên thế giới vinh danh, với Quốc là một niềm hạnh phúc vì được nhìn nhận là một người trẻ đi tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Nói về quá trình sáng tạo, Quốc bảo: “Vì đó là đam mê, là thú vui nên mỗi ngày làm việc với tôi không phải là làm việc nữa, mà là được tham dự một cuộc vui hấp dẫn”.
 
Tạp chí MIT Technology Review, khi mới ra đời năm 1999 với tên gọi Tr100, hằng năm vinh danh 100 nhân vật dưới 35 tuổi đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, y tế, môi trường, khởi nghiệp... Bắt đầu từ năm 2005, danh sách rút xuống chỉ còn 35 người.
Đây là những người dẫn đầu trong lĩnh vực mà họ theo đuổi, đồng thời giải quyết được các khó khăn trong quá trình sáng tạo để đạt được thành tựu có sức ảnh hưởng.
Lê Viết Quốc, năm 32 tuổi, được vinh danh trong hạng mục “Người có tầm nhìn xa” bởi sản phẩm trí tuệ nhân tạo có ý nghĩa mới mẻ, có sức ảnh hưởng lâu dài.
Nhiều nhân vật nổi tiếng từng được vinh danh tại Tr100 như 2 nhà sáng lập Google - Larry Page và Sergey Brin, cha đẻ hệ điều hành Linux - Linus Torvalds, nhà sáng lập Yahoo - Jerry Yang, nhà sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.