Nkosi Johnson: chiến binh chống AIDS bất diệt được Google vinh danh

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
04/02/2020 20:12 GMT+7

Nkosi Johnson được Google vinh danh hôm nay nhân ngày sinh của mình (4.2.1989). Cậu bé đã dừng lại mãi mãi ở tuổi 12 khi qua đời vì bệnh AIDS (vào ngày 1.6.2001).

Nhưng Nkosi Johnson đã mãi mãi trở thành biểu tượng bất diệt trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ này.
"Xin chào, tên tôi là Nkosi Johnson. Tôi năm nay 11 tuổi và tôi nhiễm AIDS toàn diện. Tôi sinh ra đã nhiễm HIV", đây là câu mở đầu của Nkosi Johnson, khi 11 tuổi, nói trước 10.000 đại biểu tại Hội nghị AIDS Quốc tế lần thứ 13 ở Durban (Nam Phi) và được truyền hình trực tiếp trên khắp thế giới, theo Nkosi's Haven.

Người phá hủy quan điểm của thế giới về người mắc bệnh AIDS

Nkosi Johnson sinh ra tại một thị trấn phía đông thành phố Johannesburg. Mẹ của cậu, Nonthlanthla Daphne Nkosi, dương tính với HIV và truyền virus cho đứa con chưa sinh của cô. Nkosi sinh ra cùng với một thống kê lạnh lùng và đau xót: là một trong số hơn 70.000 trẻ em bị nhiễm HIV ở Nam Phi mỗi năm. Nhưng cuộc đời cậu đã vượt trên thống kê ấy. 
Cuộc chiến đầu tiên của Nkosi là khi cậu 2 tuổi. Cậu sống sót sau sinh nhật 2 tuổi. Đây là điều bất thường ở những đứa trẻ nhiễm HIV ngay từ trong bụng mẹ. Khi bệnh của mẹ cậu trở nên nặng hơn, bà và Nkosi được đưa vào một trung tâm chăm sóc người nhiễm AIDS ở Johannesburg. Chính tại đây, Gail Johnson, một nhân viên tình nguyện, lần đầu tiên nhìn thấy hai mẹ con. Sau những phút giây gặp gỡ đó, Gail trở thành mẹ nuôi của Nkosi .

Chiến binh Nkosi Johnson

Nkosi's Haven

Nhưng sau đó, trung tâm chăm sóc phải đóng cửa vì không có tiền. Vì vậy, mẹ nuôi của Nkosi đã đưa cậu về nhà. Năm 1997, mẹ ruột cậu qua đời bình yên trong giấc ngủ. 
Năm mẹ mất, Nkosi được 8 tuổi. Sau đó, mẹ nuôi của cậu đã cố gắng ghi danh cho Nkosi theo học tại một trường học ở Melville, ngoại ô TP.Johannesburg. Khi biết cậu bé nhiễm HIV, nhiều giáo viên và phụ huynh đã phản đối cậu nhập học. Lúc bấy giờ Gail Johnson quyết định chiến đấu. Cô khiếu nại vụ việc, tổ chức các hội thảo giáo dục cộng đồng Nam Phi về AIDS. Những nỗ lực của cô đã khiến Quốc hội thông qua luật pháp yêu cầu các trường phải duy trì các chính sách chống phân biệt đối xử bảo vệ trẻ em như Nkosi. 
Cậu sớm trở thành một nhân vật quốc gia trong chiến dịch chống kỳ thị AIDS. Các sở giáo dục trên khắp Nam Phi đưa ra các chính sách mới chống phân biệt đối xử và bảo vệ trẻ em bị AIDS. Cả đất nước Nam Phi thay đổi chỉ vì một cậu bé mắc HIV/AIDS nhỏ xíu, gầy gò.

Vào tháng 7.2000, Nkosi có buổi nói chuyện với các đại biểu tại Hội nghị AIDS quốc tế lần thứ 13 ở Durban. Với thân hình nhỏ bé trong bộ đồ tối màu và giày thể thao, Nkosi Johnson,  khi ấy 11 tuổi, đã khiến cho 10.000 đại biểu chìm trong im lặng, kèm theo nhiều nước mắt khi kể lại câu chuyện của mình.
Nkosi nói: "Hãy chăm sóc chúng tôi và chấp nhận chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều là con người. Chúng tôi bình thường. Chúng tôi có bàn tay. Chúng tôi có bàn chân. Chúng tôi có thể đi bộ, chúng tôi có thể nói chuyện, chúng tôi có nhu cầu giống như mọi người khác. Đừng e sợ chúng tôi. Tất cả chúng ta đều giống nhau!".
Trong bài viết vinh danh Nkosi hôm nay, khi nói về bài phát biểu chấn động này, Google có viết: "Bài phát biểu đã giúp phá hủy quan điểm trước đó của thế giới về những người mắc căn bệnh này".

Biểu tượng đấu tranh vì sự sống

Tháng 10.2000, Nkosi có buổi nói chuyện với thông điệp tương tự tại một hội nghị AIDS ở Atlanta (Georgia, Mỹ). Khi trở về từ Mỹ, cậu không khỏe. Nkosi bị tổn thương não, trải qua vài cơn động kinh và rơi vào trạng thái nửa hôn mê. Nhưng Nkosi vẫn tiếp tục chiến đấu. 
Nkosi được chôn cất như một người anh hùng tại công viên Westpark trong một đám tang có hàng ngàn người đến viếng. 

Hai mẫu thiết kế ban đầu cho Doodle Google của họa sĩ Kevin Laughlin

Di sản của Nkosi để lại là một nhà cư trú cho những người mẹ nhiễm HIV và những đứa con của họ tại Johannesburg có tên Nkosi's Haven do cậu cùng mẹ nuôi Gail vận động thành lập.
Vào tháng 11.2005, Gail đại diện cho Nkosi Johnson nhận Giải thưởng Hòa bình cho trẻ em quốc tế. Nkosi's Haven cũng nhận được giải thưởng 100.000 đô la Mỹ từ Quỹ KidsRight. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.