Nô nức... chợ trời

22/06/2014 03:00 GMT+7

Không dừng lại ở việc là một hình thức kinh doanh ngoài trời, flea market còn len lỏi và trở thành một phần thú vị trong đời sống tinh thần của người dân thành phố bằng những cách rất riêng.

 
Chợ phiên Thanh niên chủ yếu cung cấp các mặt hàng và dịch vụ dành cho tuổi mới lớn - Ảnh: Kim Nga

Xuất hiện đầu tiên ở Paris với tên gọi “Marche aux puces” (chợ bọ chét) vì những khu chợ ngoài đường phố này chủ yếu để mua bán các mặt hàng đã qua sử dụng, có thể có… bọ chét, flea market (tên tiếng Anh dịch từ tiếng Pháp) chính thức có mặt trong tiếng Anh vào năm 1922.

Săn hàng “độc”

Giá cả dễ chịu cùng những món hàng đa phần là thủ công độc đáo chính là thế mạnh của hình thức “chợ phiên” này. Hà Nội và TP.HCM lần lượt trở thành hai khu vực có chợ trời sầm uất.

Saigon Flea Market, thành lập từ năm 2011 bởi cô chủ trẻ kiêm blogger thời trang Doãn Thu Hằng, được các tín đồ thời trang tự hào cho rằng đây là một “đặc sản” giữa Sài Gòn.

Theo Hằng, ban đầu Saigon Flea Market chỉ thu hút khách hàng người nước ngoài, khi được tổ chức ở khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7), nhưng về sau nơi đây trở thành điểm đến yêu thích hằng tháng của các bạn trẻ Việt Nam. Tuy mang danh “chợ trời” nhưng Saigon Flea Market lại có cách làm việc rất quy củ, với chất lượng là tiêu chí đầu tiên, sau đó là phong cách và gu thẩm mỹ chọn lọc.

Mới đây, Saigon Flea Market cũng đã thẳng tay dừng hoạt động của 4 gian hàng trong đợt họp đầu tháng 6, khi phát hiện ra các chủ shop này trộn đồ nhái những thương hiệu có tiếng và mỹ phẩm không rõ nhãn mác từ Trung Quốc.

Chính sự thành công của Saigon Flea Market đã mở đường cho hàng loạt các buổi “họp chợ” theo lịch trình từ tùy hứng đến có kế hoạch như “Chợ phiên Thanh niên” tại Nhà văn hóa Thanh niên.

Các phiên chợ còn thu hút khách bằng những gian hàng phụ như đồ ăn thức uống hay các dịch vụ giải trí rất nghệ thuật.

Thu Trang, nhân viên một ngân hàng, cho biết những món đồ cô mua được ở phiên chợ trời có khi không rẻ, nhưng là hàng thiết kế riêng vì thế khá độc đáo. Trang cũng chia sẻ gu thẩm mỹ của mình “lên thấy rõ” vì khi đi các chợ phiên, khách lẫn chủ các gian hàng đều “trông hay hay”.

Bán để trao tặng

Không chỉ là một hoạt động thương mại vui vẻ, chợ trời còn mở ra nhiều cơ hội giao lưu cộng đồng, giáo dục thanh thiếu niên và cả làm từ thiện rất hiệu quả.

Ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 11 hằng năm ở Hà Nội luôn được trông chờ bởi sự xuất hiện của hội chợ từ thiện Charity Bazaar. Phiên chợ ngót nghét 20 năm tuổi này đặc biệt có sự tham gia của các đại sứ quán sở tại và luôn có sự hiện diện của phu nhân đại sứ tại các gian hàng. Hội tụ sắc màu đa văn hóa, sản phẩm thủ công tinh tế với ẩm thực bản địa từng quốc gia do chính tay các phu nhân thiết kế chính là điểm nhấn chính của sự kiện này. Hơn nữa, số tiền thu được từ các gian hàng Charity Bazaar luôn dành cho các dự án y tế, giáo dục dành cho người nghèo và trẻ em Việt Nam.

Travelling Trunk - Chiếc rương du hành cũng là một cái tên mới mẻ của các thành viên Hội Global Shapers Hà Nội. Lần đầu xuất hiện vào tháng 2.2014 với định kỳ 1 lần/quý, nhưng chợ phiên đô thị này đã chinh phục nhiều khách hàng sành đồ nhờ những sản phẩm thủ công của các nghệ nhân trong nước. Toàn bộ lợi nhuận của hội chợ sẽ  được chuyển cho Trung tâm hỗ trợ sáng kiến cộng đồng (SCDI) để làm trại hè nhằm cải thiện những kỹ năng sống, hội nhập cơ bản cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngoài những tiếng rao bán vui tai, âm nhạc và trò chơi, Travelling Trunk còn là nơi những người sáng lập như Tạ Tùng, Mai Linh hay Giang Lương Hà nuôi dưỡng và chia sẻ tình yêu hàng Việt, để nhân lên sự trân trọng của mỗi người cho từng sản phẩm quê hương.  

Kim Nga

>> Chợ trời Paris
>> Đi “chợ trời” đêm vỉa hè
>> Tôi đi chợ trời ở Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.