Nữ thủ lĩnh tâm huyết với công tác thiếu nhi

13/01/2017 10:22 GMT+7

Hôm nay 13.1, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho bà Lê Thu Trà (tức Trần Nguyệt Thanh) nhằm ghi nhận những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước.

Không chỉ nổi tiếng là nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung hoạt động trong lòng địch góp công lớn vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng 8.1945 tại Hà Nội, bà Lê Thu Trà (1920 - 2002) có 19 năm làm Phó chủ tịch Ủy ban Thiếu niên nhi đồng T.Ư để lại dấu ấn ấn tượng trong xây dựng phong trào toàn dân chăm sóc bảo vệ thiếu niên nhi đồng.
Bà Lê Thu Trà sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, từng dạy học tại Hà Nội nhưng sớm giác ngộ cách mạng nên thôi nghề giáo tham gia hoạt động cách mạng từ thuở đôi mươi, trải qua nhiều chức vụ, vị trí công tác quan trọng. Có 19 năm công tác tại Ủy ban Thiếu niên nhi đồng T.Ư, bà Trà là tác giả của nhiều công trình tâm huyết chăm lo cho thế hệ trẻ.
Có hơn 10 năm công tác cùng bà Lê Thu Trà, ông Bùi Thế Vinh (76 tuổi, nguyên là chuyên viên Ủy ban Thiếu niên nhi đồng T.Ư) nhớ như in nhiều kỷ niệm về nữ thủ trưởng tận tình, trách nhiệm và xông xáo trong công việc, đồng thời chu đáo, quan tâm tỉ mẩn đời sống cán bộ. “Chị Trà thì không có khoảng cách cấp trên cấp dưới, lúc nào cũng gần gũi, chan hòa”, ông Vinh nói với giọng trìu mến.
Lật giở những tài liệu, hiện vật lưu giữ, ông Vinh nhấn mạnh: “Chị Trà rất sâu sát trong công việc để cho ra đời nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và lan tỏa rộng khắp vào đời sống thanh thiếu nhi”.
Ông Vinh kể, đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6.1969, bài viết Nâng cao trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng của bà Trà đăng trên Báo Nhân Dân đưa ra sáng kiến phối hợp với Bộ GD-ĐT, trực tiếp là Viện Khoa học giáo dục, để xây dựng chương trình hành động cụ thể giúp các gia đình có phương pháp giáo dục con em.
Sau nhiều năm nghiên cứu và xây dựng, Ủy ban Thiếu niên nhi đồng T.Ư đã cho ra đời bộ tài liệu “Khoa học giáo dục con em trong gia đình” tập hợp đầy đủ các phương pháp giáo dục về đạo đức, nhân cách cho trẻ em trong gia đình. Qua thí điểm tại Sơn Tây, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), bộ tài liệu này được phụ huynh nhiệt tình ủng hộ; sau đó nó như là cẩm nang về giáo dục trẻ em được các tổ chức Hội, Đoàn tổ chức triển khai rộng khắp trên toàn quốc, len lỏi vào trong các buổi sinh hoạt liên gia, các dòng họ, giúp phụ huynh có phương pháp, kỹ năng giáo dục trẻ em.
Ngay cả Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ và danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ còn duy trì đến tận ngày nay cũng thể hiện tư duy chiến lược của bà Lê Thu Trà. Trước những năm 1970, thiếu niên nhi đồng chưa có hình thức tuyên dương, động viên khen thưởng. Trên cương vị Phó chủ tịch Ủy ban Thiếu niên nhi đồng, bà Trà vận động gợi mở cho các địa phương tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh để vừa tuyên dương, vừa động viên thiếu nhi rèn luyện theo lời Bác dạy. Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều địa phương sau đó đã tổ chức thành công đại hội. Năm 1970, khi biết Cao Bằng nằm trong số địa phương đầu tiên tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, bà Trà bất chấp đường sá xa xôi hiểm trở, tình hình chiến sự còn căng thẳng, dành thời gian đi nguyên một ngày đường từ Hà Nội lên Cao Bằng dự đại hội.
Năm 1979, trước khi về hưu, bà Lê Thu Trà cũng để lại dấu ấn đặc biệt ấn tượng trong lòng quan khách quốc tế khi là người đưa ra ý tưởng kiến tạo và tổ chức thành công Ngày toàn dân lao động vì con em chúng ta vào ngày 1.6 hằng năm, nhằm tạo nguồn lực cho các hoạt động chăm sóc trẻ em. Ngay trong năm đầu tiên, có hàng chục đại sứ, nhân viên ngoại giao các nước đóng tại Hà Nội ủng hộ sáng kiến này, khi trực tiếp tham gia dọn vệ sinh tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Ở các địa phương trên cả nước, Ngày toàn dân lao động vì con em chúng ta diễn ra rộng khắp, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội; toàn bộ giá trị ngày công đều dành cho các hoạt động chăm lo cho trẻ em...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.