Rác thải nhựa hóa thành những con quái vật

Thúy Hằng
Thúy Hằng
13/09/2019 16:30 GMT+7

Chai nhựa, nắp, muỗng nhựa, túi nhựa xách cà phê mang đi, áo mưa một lần,… những rác thải nhựa quen thuộc với mọi người bỗng chốc hóa thành những con quái vật gớm ghiếc.

Triển lãm Loài plastic mới khai mạc sáng nay 13.9 tại Nhà triển lãm thành phố (92 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) thu hút đông đảo người trẻ tham gia. Khác biệt, thú vị, sáng tạo, nhiều thông điệp, đó là nhận xét của nhiều bạn trẻ khi được chiêm ngưỡng những quái vật - những “loài plastic” tạo nên từ rác thải nhựa.

Quái vật bằng giấy origami

Qua ý tưởng sáng tạo của những bạn trẻ và công nghệ đồ họa, những đồ nhựa không còn xa lạ với nhiều người hằng ngày như chai nhựa, nắp, muỗng nhựa, túi nhựa xách cà phê mang đi, áo mưa một lần, tăm bông, khăn ướt… trở thành những loài quái vật mới.
Anh Phạm Minh Hoàng (Hoàng Người đá), 28 tuổi, đồng sáng lập dự án Loài plastic cho biết tại không gian triển lãm có 25 loài được cách điệu từ những rác thải nhựa. Đặc biệt, 13 loài trong số này được nghệ nhân gấp giấy origami Nguyễn Hùng Cường thể hiện thành các mô hình gấp giấy sống động.

Đông đảo bạn trẻ tới triển lãm trong buổi khai mạc

Thúy Hằng

Loài quái vật từ ly mì

Loài này làm từ muỗng nhựa

Và loài áo mưa một lần. Mỗi hình ảnh được mô hình hóa bằng nghệ thuật gấp giấy origami

Thúy Hằng

“Khi nhận được bản vẽ 2D từ các bạn, tôi hình dung ra mô hình 3D mình sẽ phải làm như thế nào, sau đó trải qua nhiều lần gấp thử - sai, thì những hình giấy gấp giống đồ vật thật và mang màu bí ẩn giống đồ nguy hiểm được ra đời”, nghệ nhân Nguyễn Hùng Cường chia sẻ.
Được đặc biệt chú ý trong không gian triển lãm là mô hình quái vật có thân là những chiếc ly nhựa xếp chồng lại, đầu bị muỗng nhựa, ống hút nhựa, nắp chai áp sát, đuôi cũng là chai lọ nhựa và ống hút. Anh Phạm Minh Hoàng, 28 tuổi, đồng sáng lập dự án cho biết, con quái vật này làm mất 1,5 tháng, nguyên vật liệu là giấy báo cũ, bìa các tông được bồi lại.

Thông điệp môi trường qua lăng kính nghệ thuật và công nghệ

triển lãm đưa ra nhiều thông điệp môi trường qua lăng kính của nghệ thuật và công nghệ, do đó người tham dự triển lãm được xem, cảm nhận về sự kiện bằng những trải nghiệm công nghệ. Mọi người tải một ứng dụng (app) về điện thoại thông minh, sau đó quét ứng dụng này trên những hình ảnh “loài plastic” sẽ thấy hình ảnh này chuyển động kèm những thông tin. Ví dụ “loài khăn ướt”, sẽ thấy những chiếc khăn như đang nhảy, kèm theo những con số tuổi thọ của khăn là 200-500 năm, tức là phải sau ngần đó năm, nó mới có thể phân hủy hoàn toàn.
Nhiều bạn trẻ cũng thích thú xem hành trình của những rác thải nhựa, biến hóa thành loài plastic qua công nghệ thực tế ảo. Ban tổ chức cũng sắp xếp những góc sáng tạo, để khách tham quan có thể chia sẻ những ý tưởng của mình, vẽ lên hình thù các con quái vật mới, từ những rác thải nhựa như chai lọ, khăn ướt, ly nhựa…

Trải nghiệm bằng công nghệ thực tế ảo

Thúy Hằng

Bạn trẻ sáng tạo ra những loài plastic mới

Thúy Hằng

Những hình ảnh trong triển lãm khiến người ta ngẫm ra được nhiều thông điệp về môi trường

Thúy Hằng

Phạm Hồng Thảo Nguyên, 18 tuổi, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết là người quan tâm tới vấn đề môi trường nên bạn đã đến với buổi triển lãm. Nguyên nói: “Các bạn thật sự sáng tạo. Tôi nghĩ sẽ nhiều người nhận ra những thông điệp của chương trình và hạn chế tối đa rác thải nhựa, để bảo vệ sự sống của muôn loài”.
Chị Phạm Hồng Ngọc, 24 tuổi, quản lý dự án Loài Plastic, cho biết thông qua những hoạt động tại triển lãm, dự án mong muốn mang tới một cách tiếp cận kiến thức về rác thải nhựa mới lạ, dễ chia sẻ, không hàn lâm khô cứng mà qua đó, góp phần gián tiếp cải thiện những vấn đề về môi trường nói chung và rác thải nhựa nói riêng.
“Không thể ngay lập tức yêu cầu tất cả mọi người ngừng sử dụng rác thải nhựa, hoặc đồ nhựa một lần. Sẽ có những đồ vật hoặc thiết bị bắt buộc chúng ta phải dùng tới nhựa. Nhưng chúng tôi mong muốn mọi người sẽ ý thức và hạn chế rác thải nhựa một lần tối đa nhất có thể. Ví dụ như tôi luôn có một bình nước mang theo mình, như vậy tôi không dùng ly nhựa, muỗng nhựa, nắp nhựa, ống hút một lần”, chị Phạm Hồng Ngọc trao đổi.
Triển lãm diễn ra từ nay tới hết 15.9, mở cửa miễn phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.