Sản xuất thí điểm 1.000 ‘mắt thần 2EX’ cho người mù

15/01/2016 18:55 GMT+7

Theo ông Đào Ngọc Chiến, Phó vụ trưởng Vụ công nghệ cao Bộ KH-CN, nhóm nghiên cứu sẽ sản xuất 1.000 mẫu mắt kính thí điểm để tặng miễn phí cho những người mù có hoàn cảnh khó khăn...

Theo ông Đào Ngọc Chiến, Phó vụ trưởng Vụ công nghệ cao Bộ KH-CN, nhóm nghiên cứu sẽ sản xuất 1.000 mẫu mắt kính thí điểm để tặng miễn phí cho những người mù có hoàn cảnh khó khăn...

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải, trưởng nhóm nghiên cứu trao tặng “Mắt thần 2” phiên bản năm 2014 cho học sinh khiếm thị - Ảnh: Như LịchTiến sĩ Nguyễn Bá Hải, trưởng nhóm nghiên cứu trao tặng “Mắt thần 2” phiên bản năm 2014 cho học sinh khiếm thị - Ảnh: Như Lịch
Ngày 15.1, Bộ KH-CN và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhóm nghiên cứu “Mắt thần cho người mù” đã ký kết hợp đồng đề tài độc lập cấp quốc gia về “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, chế tạo mẫu kính điện tử cảnh báo vật cản cho người khiếm thị”.
Trao đổi với báo giới, ông Đào Ngọc Chiến, Phó vụ trưởng Vụ công nghệ cao Bộ KH-CN, cho biết: Theo hợp đồng ký kết, tối đa trong vòng 1 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng, nhóm nghiên cứu sẽ phải hoàn tất việc cải tiến kính điện tử cảnh báo vật cản cho người khiếm thị (còn gọi là “mắt thần”).
Theo ông Chiến, tổng kinh phí thực hiện công trình cải tiến trên là 5,57 tỉ đồng, được cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trong đó, nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện các phần việc: Sản xuất 1.000 mẫu mắt kính thí điểm để tặng miễn phí cho những người mù có hoàn cảnh khó khăn; cung cấp những bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng mắt kính, các bài báo khoa học công bố trong và ngoài nước…
Sau khi được hội đồng nghiệm thu (gồm những nhà khoa học, nhà quản lý, một số đại diện Hội Người mù, Bộ KH -CN, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB và XH cùng các bên liên quan) chứng nhận, nhóm nghiên cứu và nhà trường sẽ xây dựng dự án sản xuất “mắt thần” với quy mô lớn để cung cấp đại trà cho người mù. Lúc đó, nguồn kinh phí là từ sự hỗ trợ của Nhà nước, từ nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp...
Từ trái sang: Các đại diện từ Bộ Khoa học–Công nghệ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và nhóm nghiên cứu ký kết hợp đồng hoàn thiện “Mắt thần cho người mù” - Ảnh: Như LịchTừ trái sang: Các đại diện từ Bộ KH-CN, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và nhóm nghiên cứu ký kết hợp đồng hoàn thiện “Mắt thần cho người mù” - Ảnh: Như Lịch
Được biết, lễ ký kết trên là bước đầu triển khai quyết định tài trợ của Thủ tướng Chính phủ đối với “Dự án triệu đô” sản xuất miễn phí kính điện tử tặng người mù VN (giao cho Bộ KH-CN và T.Ư Đoàn thực hiện) trong cuộc gặp mặt các nhà khoa học trẻ diễn ra ở Hà Nội ngày 11.9.2015.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải - Trưởng khoa Sáng tạo khởi nghiệp (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), chủ nhiệm đề tài “Mắt thần cho người mù”, thông tin: Ngoài nguồn vốn Nhà nước là 5, 57 tỉ đồng, nhóm nghiên cứu còn được một số cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ 500 triệu đồng để hoàn thiện sản phẩm.
Nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho sản phẩm cải tiến lần này là “Mắt thần 2EX”. Theo đó, “Mắt thần 2EX” dự kiến sẽ có những tính năng mới của kính điện tử tránh vật cản cho người khiếm thị, gồm: Sử dụng công nghệ 2 cảm biến nhằm tăng khả năng thị trường nhận biết vật cản cũng như hiệu quả sử dụng; Có khả năng điều chỉnh cường độ rung; Có khả năng hiệu chỉnh khoảng cách tùy chiều cao và tốc độ di chuyển người dùng; Hoạt động trong mọi điều kiện ánh sáng; Hoạt động tốt trong khoảng 0 - 60 độ C; Phiên bản mới này sẽ được thiết kế gọn hơn, thời gian sử dụng của pin là 24 giờ, áp dụng tiêu chuẩn chống nước phù hợp điều kiện sử dụng ngoài trời…
Hiện tại, nhóm nghiên cứu chưa thể công bố giá thành cụ thể của một “Mắt thần 2EX” mà chỉ cho biết mức giá bình quân của một sản phẩm “Mắt thần 2” (phiên bản gần đây nhất) là 2,2 triệu đồng/chiếc.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhận xét: “Cái được lớn nhất của công trình này là kết hợp nghiên cứu để phục vụ cộng đồng, nhất là cho cộng đồng người khiếm thị. Nhà trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhóm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao nhằm cải tiến sản phẩm, để có thể phục vụ không chỉ cho người mù trong nước, mà còn có thể xuất ra nước ngoài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.