Shop của các nhân viên dùng ngôn ngữ ký hiệu

03/03/2009 17:14 GMT+7

(TNO) Cũng là bán quà lưu niệm, vẽ tranh sơn mài, viết thư pháp, cắt uốn tóc thẩm mỹ, vi tính văn phòng, internet, bán nước giải khát... nhưng dãy cửa hàng số 47 Yên Bái (TP Đà Nẵng) không giống nhiều điểm kinh doanh cùng mặt hàng khác. Đó là vì các nhân viên ở đây đều còn rất trẻ, và đều là những người bị thiểu năng câm điếc.

Kinh doanh không ồn ào

Hệ thống cửa hàng này có tất cả 7 shop nằm kề nhau. Những người phục vụ ở đây giao tiếp với khách hàng bằng giấy và bút; còn với nhau, họ dùng "ngôn ngữ" riêng - ký hiệu.

Hệ thống cửa hàng có tất cả 30 nhân viên phục vụ, ở lứa tuổi từ 16 đến 25, đều bị khuyết tật bẩm sinh, được Trung tâm hướng nghiệp trẻ khuyết tật Ánh Dương tạo công ăn việc làm.

 

Chăm sóc tóc cho khách

Các bạn phục vụ ở đây rất hiếu khách. Họ không ồn ào, không tay bắt mặt mừng, nhưng những nụ cười thân thiện, ánh mắt trìu mến đã nói lên tất cả.

Chị Mai, giáo viên Trường THCS Trần Phú (TP Đà Nẵng) mỗi lần đưa con đi mua thiệp là đến đây. “Các em không thể hiện bằng lời mà bằng cả trái tim”, chị Mai nói.

Khách tới cửa hàng hầu hết là những người hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của các bạn. “Chính sự cẩn thận, làm việc chuyên nghiệp và giá cả hợp lý là lý do khách đến với hiệu cắt tóc thẩm mỹ nơi đây. Cắt một kiểu tóc cũng chỉ 15.000 đồng mà tôi thấy rất hài lòng”, anh Nguyễn Văn Minh, chủ quán ăn trên đường Yên Bái, một khách hàng của hệ thống cửa hàng số 47 Yên Bái nói.

Đây còn là địa điểm thường lui tới của một số khách nước ngoài. Bà Kota Sakae - người Nhật, là khách quen thường đến cửa hàng để cắt tóc, gội đầu cho biết: “Một lần đi dạo, thấy tấm biển treo là Trung tâm hướng nghiệp trẻ khuyết tật Ánh Dương, tôi tò mò bước vào. Thấy tôi nói được tiếng Việt các em đều rất vui và ngạc nhiên. Giờ tôi là khách hàng được ưu ái nhất của các em ở đây”.

“Các em làm việc rất chăm chỉ, cẩn thận, những sản phẩm làm ra không thua kém gì ngoài thị trường nhưng do các em bị khuyết tật nên thật lòng mà nói phần nào đó làm mất đi niềm tin của khách hàng. Đây cũng là trở ngại lớn nhất của các em”, sơ Bảo Yến, người quản lý nơi đây giãi bày.

Công việc và tình yêu

 

Lan - một nhân viên của cửa hàng đang chăm chú vào công việc của mình

Hệ thống cửa hàng số 47 Yên Bái không những đã tạo công ăn việc làm cho các bạn không may bị khuyết tật bẩm sinh mà còn là nơi vun vén những mối tình đẹp.

Được làm việc, giao tiếp hàng ngày với khách, các bạn thấy mình tự tin hẳn lên, tinh thần thoải mái, phần nào đó xóa đi mặc cảm về sự không lành lặn của bản thân.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện rất vui với các bạn qua những mẩu giấy nhỏ. Cách nói chuyện rất hồn nhiên và hóm hỉnh, các bạn sẵn sàng tâm sự chuyện tình yêu khi được hỏi đến.

Thanh (25 tuổi) bị câm điếc bẩm sinh, ghi lên giấy: “Em đã có người yêu 2 năm nay rồi, hôm 14.2 anh ấy đã làm cho mọi người ở cửa hàng vô cùng ngạc nhiên. Anh ấy đã tự tay xếp 1.000 con hạc giấy tặng em chỉ để được một điều ước “Thanh, em lấy anh nhé!”. Đây chỉ là một trong số những câu chuyện tình thú vị tại dãy cửa hàng này.

Sơ Bảo Yến cho biết: “Thấy các em yêu thương nhau, tôi cũng mừng lắm, nhờ vậy mà các em có thể nương tựa vào nhau, vượt qua mặc cảm”.

Nhìn những khuôn mặt xinh xắn, dễ thương, hồn nhiên của các bạn, ai cũng cầu chúc cho họ được hưởng trọn vẹn những gì tươi đẹp và hạnh phúc nhất của tình yêu.

Bài, ảnh: Trương Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.