Thầy giáo mang quân hàm xanh giải cứu nữ học viên bị lừa bán qua biên giới

Vũ Thơ
Vũ Thơ
17/02/2019 11:39 GMT+7

Thiếu úy Vàng Lao Lừ (Đồn Biên phòng Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) không chỉ miệt mài dạy chữ ở những bản làng vùng cao xa xôi, mà còn giúp bà con dân tộc nâng cao nhận thức cuộc sống.

Giải cứu học viên bị dụ lấy về làm vợ để lừa bán

Chị Vàng Thị Sênh (18 tuổi, trú tại bản Co Muông, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) bị các đối tượng mua bán người dụ dỗ, để bán qua biên giới, nhưng may mắn đã được giải cứu thành công. Người có công lớn trong vụ giải cứu này là “thầy giáo mang quân hàm xanh” thiếu úy Vàng Lao Lừ (Đồn Biên phòng Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La). Khi ấy, thiếu úy Lừ đang giảng dạy lớp học xóa mù chữ ở bản Co Muông cho bà con dân tộc, trong đó có Sênh theo học.
“Tối đó không thấy Sênh đến lớp, tôi đã hỏi em gái Sênh thì được biết Sênh có khách nên không đi học được. Tuy nhiên, ngày hôm sau thì anh trai Sênh lại hỏi tôi “Sênh ngủ ở trên lớp hay sao mà đi từ tối qua không về”. Khi ấy tôi biết là có chuyện chẳng lành…”, thiếu úy Lừ bắt đầu câu chuyện về hành trình giải cứu nữ học viên của mình.
Thiếu úy Vàng Lao Lừ Ảnh Vũ Thơ
Thiếu úy Lừ cũng cho biết, bản Co Muông là một bản nghèo của xã Mường Lạn, tỷ lệ nữ giới mù chữ nhiều, nên thường bị bọn mua bán người lợi dụng lôi kéo, lừa bán qua biên giới với chiêu bài “lấy về làm vợ”. Chị Sênh là một trong những người đã rơi vào cạm bẫy đó.
“Khi cùng gia đình đi tìm Sênh ở các nhà người thân đều không thấy, tôi gọi điện cho Sênh nhiều lần không nghe máy. Khi anh trai Sênh gọi thì có một người lạ nghe và nói rằng “lấy Sênh về làm vợ” và còn động viên anh trai Sênh rằng “Anh đã có em rể”! Khi ấy, tôi đã gọi điện về đơn vị để thông báo đến các cơ quan chức năng và phong tỏa các cửa ngõ biên giới, ngăn chặn đối tượng đưa qua đường biên”, thiếu úy Lừ kể.
Đồng thời, thiếu úy Lừ dò la, tìm hiểu thông tin từ những học viên trong lớp học thì được biết 2 đối tượng lạ mặt dẫn chị Sênh đi là người Yên Bái. Thiếu úy Lừ cũng đã liên hệ được với chị dâu của 1 trong 2 đối tượng này và biết tin đối tượng đã bỏ nhà đi từ rất lâu rồi. Từ đó, anh đã đưa ra những phán đoán chính xác để các cơ quan chức năng vào cuộc truy tìm.
Anh kể: “Nếu lấy về làm vợ thì đối tượng sẽ phải dẫn Sênh về nhà ra mắt, nhưng họ đã dẫn Sênh đi đâu không ai biết. Đồng thời, tôi cũng dự đoán các đối tượng sẽ không đi đường qua khu vực Yên Bái vì sợ bị phát hiện. Vì vậy, tôi đã đề nghị truy tìm ở các tuyến đường khác nữa…”.
Thiếu úy Lừ đã giúp các đơn vị chức năng giải cứu thành công nạn nhân Sênh khi chị này đang bị các đối tượng đưa đến Bến Xe Mỹ Đình (Hà Nội) để đưa lên Lào Cai bán qua biên giới.
“Khi Sênh về đến nhà, em ấy vẫn chưa hết hoảng sợ. Sênh kể rằng 2 đối tượng đó đã kết bạn rồi rủ Sênh đi chơi và nói sẽ cưới về làm vợ. Tôi hỏi họ có vào nhà chơi không thì Sênh bảo họ chỉ đứng ở đầu bản thôi. Tôi đã phân tích để Sênh có nhận thức tốt hơn rằng, nếu thực sự họ muốn lấy về làm vợ thì họ sẽ vào tận nhà. Khi ấy, nếu Sênh có đi chơi với họ thì cũng an toàn vì nhiều người đã biết mặt. Đằng này, họ chỉ ở ngoài đường rủ đi chơi và không ai biết là có ý xấu rồi... Khi ấy Sênh mới hiểu ra”, thiếu úy Lừ chia sẻ.

Thay đổi nhận thức của người dân

Mỗi câu chuyện như thế với thiếu úy Lừ là một bài học cuộc sống mà anh mang đến lớp giảng dạy cho các học viên của mình. Lớp học có đủ mọi lứa tuổi, thấp nhất 9 tuổi, cao nhất ngoài 30 tuổi và đa số là các nữ học viên.
“Đồng bào dân tộc Mông nhận thức rằng con gái không cần đi học vì lớn lên đi lấy chồng sẽ về nhà người khác và học thì không có thời gian đi làm kiếm ăn. Tôi vận động bà con rằng, con gái thì cũng là con mình, nếu có cái chữ, đi lấy chồng sẽ biết vận dụng kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi để thay đổi cuộc sống…”, thiếu úy Lừ kể về công việc vận động bà con đi học của mình.
Thầy giáo mang quân hành xanh Vàng Lao Lừ mang "cái chữ" đến với các em bé dân tộc thiểu số Ảnh NVCC
Thiếu úy Lừ cũng cho biết, đó là một quá trình đầy khó khăn vất vả, vì đồng bào dân tộc nhận thức còn hạn chế. Anh thường lấy những ví dụ chân thực của cuộc sống để thuyết phục bà con. Ví dụ, vào những dịp lễ tết, có những người đi làm ăn xa về quê, anh lại mời đến lớp nói chuyện để bà con hiểu rằng, biết "cái chữ" sẽ có nhiều cơ hội làm kinh tế.
Đặc biệt, anh giúp bà con chuyển đổi giống cây trồng để cải thiện cuộc sống. Anh cho biết đơn vị mình có dự án trồng cây ăn quả, khi các kỹ thuật viên đến hướng dẫn cách trồng và chăm sóc, anh đã tìm hiểu, học hỏi và chuyển giao kỹ thuật đó cho bà con.
“Ban đầu tôi giúp một hộ dân trồng cây ăn quả trên đất dốc với kỹ thuật mới. Thấy vườn cây trồng tươi tốt và cho thu hoạch, cải thiện đời sống kinh tế, bà con mới tin và đến học hỏi. Khi ấy, tôi lại vận động bà con đi học để biết cái chữ. Tôi nói với bà con: biết chữ thì sẽ áp dụng được khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Ví dụ, khi hướng dẫn đào hố trồng cây phải rộng 30 phân thì bà con còn biết mà làm… Khi ấy, bà con bảo: Thầy nói cái gì cũng đúng, chỉ là bà con chưa biết thôi”, thiếu úy Lừ tâm sự.
Nhờ cách vận động đó mà thiếu úy Lừ đã thuyết phục được đông đảo các gia đình cho con em đến trường; nâng cao tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới biết chữ, đặc biệt là chị em phụ nữ. Đồng thời, còn nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác và đời sống kinh tế, xã hội của người dân.
Với những thành công đó, đầu năm 2019 thiếu úy Lừ đã được chọn là 1 trong 20 ứng viên xuất sắc vào vòng bình chọn Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.