Thêm nhiều thị trường xuất khẩu lao động hấp dẫn

19/03/2008 23:20 GMT+7

Theo nhận định của Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong năm 2008 sẽ tập trung ở khu vực Trung Đông, khi tại các thị trường được coi là truyền thống và cao cấp đang gặp khó khăn.

Rút lui khỏi Malaysia

Theo số liệu XKLĐ 2 tháng đầu năm của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đã có 15.764 lao động đi làm việc tại nước ngoài tính từ 1.1 - 29.2.2008. Trong đó, thị trường đang dẫn đầu về tiếp nhận số lượng lao động VN là Đài Loan với 5.851 lao động, tiếp theo là Malaysia: 2.939, Hàn Quốc: 1.612, Nhật Bản: 749. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thị trường lao động của Hàn Quốc và Nhật Bản là rất lớn, song quota quá ít nên cũng chỉ dừng ở mức chỉ tiêu 12.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc và 6.000 lao động sang Nhật Bản trong năm nay. Chỉ tiêu xuất khẩu 26.000 lao động sang Malaysia năm 2008 cũng có nguy cơ "phá sản" do những tác động về tâm lý khi tình trạng lao động VN tại đây chết quá nhiều trong năm 2007 (107 người). Nhiều người lao động đã đăng ký, nộp hồ sơ đi Malaysia nhưng sau đó lại rút lui.

Đối với các thị trường cao cấp khác như Pháp, Úc, Canada, Mỹ thì đòi hỏi về tay nghề, ngoại ngữ, kinh nghiệm rất khắt khe. Để chen chân vào các thị trường này, lao động nhất thiết phải đáp ứng đầy đủ cả 3 yếu tố trên. Đây là một cản trở rất lớn vì hầu hết lao động có tay nghề của VN thường yếu về ngoại ngữ và ngược lại. Một vướng mắc nữa nằm ở thủ tục cấp visa của phía đối tác. Để có được visa làm việc tại những quốc gia nói trên, bắt buộc người lao động phải chứng minh được khi hết hạn hợp đồng sẽ trở về nước như cam kết. Việc chứng minh này dựa trên tài sản thế chấp và điều này hết sức nghịch lý vì khi có một nguồn tài sản đủ để chứng minh như vậy thì người lao động chắc chắn sẽ khó có ý định ra nước ngoài làm việc. Được biết, đã có 2 đơn vị làm thí điểm XKLĐ vào các thị trường này trong năm 2007 nhưng không xin được một visa nào.

Nhắm đến Trung Đông

Mục tiêu đưa 85.000 lao động VN xuất khẩu trong năm 2008 vẫn "dựa" nhiều vào các thị trường truyền thống (Malaysia, Đài Loan...), song theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, thị trường Trung Đông sẽ là trọng tâm XKLĐ năm nay và là tiềm năng trong nhiều năm tới.

Trong năm nay sẽ có 10.000 lao động sang làm việc tại Trung Đông. Trong đó, tập trung chủ yếu tại 3 quốc gia là UAE (2.200 lao động), Qatar (5.000) và Ả Rập Xê-út (2.000). Riêng Qatar đã tiếp nhận 1.368 lao động VN ngay trong 2 tháng đầu năm nay. Đây là khu vực thị trường bình dân với mức thu nhập cho lao động di trú khoảng 200 - 400 USD/tháng và có nhu cầu về lao động rất lớn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, nếu XKLĐ một cách tràn lan, không đảm bảo chất lượng hoặc chất lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu sẽ khiến người lao động phải chịu mức thu nhập thấp, thậm chí bị trả về nước.

Hiện tại, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất Chính phủ xây dựng các cơ chế ưu đãi làm cơ sở pháp lý cho việc đưa và quản lý lao động vào thị trường Trung Đông. Theo đó, ngoài việc giảm thấp nhất mức chi phí cho người lao động, đồng thời sẽ có các quy định khuyến khích doanh nghiệp XKLĐ mở rộng thị trường này.

Hấp dẫn thị trường Singapore

Sau những lao động VN đầu tiên được Tập đoàn điện tử United Micro Electronics Corporation tuyển dụng vào giữa năm 2007, một số doanh nghiệp cùng ngành này tại Singapore đã chú ý nhiều hơn đến lao động chất lượng cao của VN. 

Các nữ lao động do Công ty Sovilaco đưa đi, gửi thư về cho biết môi trường làm việc ở Singapore là "tuyệt vời" và không xảy ra sự cố hay tranh chấp gì trong quan hệ lao động. Tiếng lành đồn xa, hiện tại không chỉ các doanh nghiệp điện tử ở Singapore mà cả các công ty kinh doanh dịch vụ ở nước này cũng mở hướng tuyển dụng lao động VN, thay vì tuyển lao động các nước khác như trước đây.

Đơn vị "mở hàng" cho đợt XKLĐ sang thị trường này năm 2008 là Công ty Suleco - TP.HCM. Ông Trần Văn Thạnh, Phó giám đốc Suleco cho biết công ty vừa "trúng" một hợp đồng tương đối lớn: tuyển 70 lao động đưa sang Singapore làm việc với mức lương rất cao, từ 1.400-1.800 SGD/người/tháng; tức xấp xỉ 14 -18 triệu đồng/người/tháng. Đối với thị trường XKLĐ của VN ở châu Á, đây là khoản thu nhập chính thức cao nhất mà lao động VN có được.

Ngoài thu nhập chính thức kể trên, những lao động VN được tuyển dụng vào các vị trí: trợ lý giám đốc nhà hàng, quản lý bán hàng, nhân viên trung tâm giao hàng, nhân viên chuyển phát bưu phẩm... sẽ được chủ đài thọ một bữa ăn trong giờ làm việc. Riêng với công nhân kỹ thuật cao của VN hiện đang làm việc cho Tập đoàn United Micro Electronics Corporation thì các khoản phúc lợi, phụ cấp ngoài lương còn hấp dẫn hơn nhiều: được cung cấp chỗ ở (3 người ở 1 phòng có máy lạnh), máy giặt công nghiệp và một bữa ăn miễn phí. Làm việc trong những phòng sạch; làm theo ca (12 giờ/ca, trong đó nghỉ ăn giữa ca khoảng 1,5 giờ); làm 2 ngày, nghỉ 2 ngày. Tại tập đoàn này, những ngày không làm việc, người lao động có thể ăn tại công ty với suất ăn ưu đãi là 1 SGD, có phòng tập thể dục thẩm mỹ, phòng chiếu phim, phòng đọc sách, phòng internet... tại ký túc xá để người lao động có thể thư giãn.

Tuy số lao động VN đang làm việc tại Singapore hiện còn khiêm tốn nhưng thị trường này chắc chắn sẽ là thị trường "quan trọng" của VN trong tương lai rất gần, như nhận định của ông Trần Quốc Ninh, Phó chủ tịch Hiệp hội XKLĐ VN.

 Mạnh Dương -  Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.