Theo chân đội “đặc nhiệm”

05/01/2012 00:14 GMT+7

Sau thời gian vắng bóng, đội chuyên “trị” rác trên sông nước tái xuất ở TP.HCM. PV Thanh Niên đã có những buổi cùng họ lênh đênh vớt rác trên những dòng kênh ô nhiễm.

Sau thời gian vắng bóng, đội chuyên “trị” rác trên sông nước tái xuất ở TP.HCM. PV Thanh Niên đã có những buổi cùng họ lênh đênh vớt rác trên những dòng kênh ô nhiễm.

Đội “đặc nhiệm” dùng nhiều phương tiện để thu gom khoảng 15 tấn rác/ngày. Vậy mà, rác vẫn ùn ùn trôi về!

Không cân sức

Hơn 3 giờ rưỡi sáng, những bóng người lặng lẽ tập kết trên bến nước ở đường Nguyễn Duy, P.10, Q.8, TP.HCM. Họ là những công nhân của đội vớt rác trên sông (Đội Vệ sinh 5) thuộc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích Q.8, TP.HCM. Toàn đội có 25 thành viên, đa số là nam trên dưới 30 tuổi. Được trang bị 4 chiếc tàu và 14 chiếc ghe (đều bằng composit), đội có nhiệm vụ vớt rác mỗi ngày trên những đoạn kênh có chiều dài tổng cộng 12.400m thuộc kênh Đôi (6.000m) và kênh Tàu Hủ (6.400m).

Đúng 4 giờ, các nhóm xuất bến. Họ đi theo 4 lộ trình xoay vòng. Ba công nhân và một thuyền trưởng cùng 1 tàu, 1 ghe đảm trách một lộ trình. Tôi chuẩn bị leo lên tàu SG 1414 theo lộ trình 1 hướng ra cầu Chữ Y. Trong bóng tối nhập nhoạng, một công nhân cất tiếng chào: “Làm nữ nhà báo vất vả quá hả!”. Tôi đáp lại: “Dạ đâu bằng công việc của mấy anh”.


PV Như Lịch (trái) tham gia vớt rác - Ảnh: N.N

Gió thổi phần phật. Cái lạnh cuối năm buôn buốt. Dưới ánh đèn từ cầu Chánh Hưng hắt xuống, những dề rác dập dềnh trước mặt, kéo dài như vô tận. “Cũng nằm trong lòng thành phố, nhưng coi trên ti vi thấy sông ở nước ngoài sạch đẹp và thơ mộng mà ham! Còn ở nước mình thì… chịu hết nổi”, một người nói sau tiếng thở dài.

Cũng nằm trong lòng thành phố, nhưng coi trên ti vi thấy sông ở nước ngoài sạch đẹp và thơ mộng mà ham! Còn ở nước mình thì… chịu hết nổi

Một công nhân của đội vớt rác trên sông (Đội Vệ sinh 5)

Xuất bến chừng 10 phút, thuyền trưởng Nguyễn Hớn Sáng phát lệnh: “Mở càng!”. Anh công nhân tên Trung (33 tuổi) thả hai thanh lùa rác cặp sát hai bên thân tàu. Thuyền trưởng Sáng nhoài người ra cabin rọi đèn xuống khối rác đen ngòm. Công nhân Đỗ Thới Hòa nửa đùa nửa thật: “Coi chừng xác người!”. Hóa ra, đó là thân cây dừa nước nặng trĩu mà họ hay gọi với biệt danh là “cá sấu”.

3 công nhân Trung, Huân, Hòa cầm vợt sắt xúc liên tục, hết lớp này đến lớp khác. Đủ loại rác nhớp nháp bắt đầu chiếm lĩnh sàn tàu: vỏ dừa tươi, buồng chuối, xác mía... cùng những loại phế phẩm khác thải xuống từ những ghe tàu buôn bán; vô số hộp xốp và bịch nylon đựng rác sinh hoạt từ những hộ dân sống dọc kênh. Cũng có xác thú (mèo) trương phình trong bao tải. Bên cạnh đó là nguồn rác “dồi dào” từ thượng nguồn là kênh Bến Nghé, kênh Tẻ... đổ về.

Anh Huân kể: “Tui hay vô mấy hốc tàu ghe người ta đậu trên kênh để vớt. Có lần vừa quay lưng, đã nghe tiếng bụp bụp liên hồi vì họ đổ đến mấy cần xé bưởi thúi”. Một anh khác góp chuyện: “Không biết vô tình hay cố ý, có những người đứng ở trong nhà hất nước dơ ra hoặc ném thẳng mấy bịch rác trúng lúc tụi tui đang làm việc. Nhiều người còn khoét lỗ dưới nhà sàn để dễ bề tống rác”. Theo những công nhân, những ngày cận tết và sau tết, rác càng dày đặc. Đặc biệt, ngày cuối năm, có bao nhiêu hoa kiểng, dưa hấu… ế thừa, người ta đều “quất” hết xuống kênh.

 

Hơi hồi hộp, tôi bước ra chỗ anh công nhân tên Trung thường khom xuống vớt rác. Đó là một tấm sắt nhỏ xíu nằm chênh vênh ngoài thân tàu, chỉ cần sẩy chân là có thể rơi tõm xuống dòng nước ô nhiễm ngay bên dưới. Dù thử sức “chiến đấu” từ những bịch rác nhỏ, song cây vợt trong tay tôi cứ trĩu xuống. Tôi chợt hiểu vì sao phần lớn những chiếc vợt được làm bằng sắt khá nặng, nhằm đối trọng những mớ rác đẫm nước. Một bọc rác đen trôi tới. Tôi cố gắng lùa vào vợt, song có tiếng cản: “Nặng lắm, không xúc nổi đâu”. Quá ám ảnh bởi những câu chuyện vớt rác đụng... xác người, tôi thấy rờn rợn khi tưởng tượng lỡ trong đó là phần thân thể của ai đó bị chặt nhỏ… Anh Hòa cầm cây cào ba chĩa chọc thủng bịch rác. Tôi không né kịp luồng xú uế bởi những loại rác bị ủ kín lâu ngày bốc lên.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ quần thảo giữa đám rác di động dồn dập kéo về, ngoái lại sau lưng, tôi thấy tàu cách bến chưa đầy 1 km. Lúc tàu luồn qua dưới cầu Chánh Hưng, một công nhân rùng mình nhớ lại: “Hôm trước, có người đứng trên cầu quăng thẳng mấy bao rác nặng xuống. Nếu trúng đầu, chết là cái chắc!”.

Hơn 7 giờ, chiếc tàu “no” rác, phải đóng càng. Lúc này, anh Huân lặng lẽ xuống chiếc ghe nhỏ nãy giờ cột theo tàu, nổ máy lao về phía trước. Một mình anh “tả xung hữu đột” giữa những luồng rác bất tận. Chẳng mấy chốc, 5 cần xé trên ghe (khoảng 70 kg/cần) đã đầy ắp.

7 giờ 30, tàu chúng tôi đành quay về vì đã hết chỗ chứa rác. Cầu Chữ Y vẫn còn xa…


 "Màn hai cảnh hai" vất vả không kém: chuyển toàn bộ số rác vừa vớt được lên xe - Ảnh: Như Lịch

Thở ra khói “màn hai cảnh hai”

Chuyện tình của các chàng “đặc nhiệm”

Những chàng trai còn độc thân bày tỏ nỗi e ngại các cô gái sẽ chê họ, không thèm lấy chồng làm nghề "rác" này. Trong khi đó, một số người khác tỏ ra tự hào với những "câu chuyện cổ tích" từng xảy ra trong đội. Số là, trước đây, lần lượt có hai cô gái nhà ở gần các bến tập kết rác (bến Ba Đình cũ và bến Nguyễn Duy) đã để ý, đem lòng thương mến, rồi kết duyên cùng hai thành viên trong đội.

Trừ thuyền trưởng Sáng, còn lại tất cả chúng tôi chuyển sang ngồi hết bên thuyền nhỏ, chạy về trước. Xen giữa những giờ ướt nhẹp mồ hôi và nước bùn, đây là lúc công nhân được thư giãn khá thoải mái. Câu chuyện đùa lúc này của họ là cử anh Huân làm “đại diện vớt rác” tham gia chương trình Vượt lên chính mình trên ti vi. “Tui sẽ đăng ký đi thi. 1 phút 30 giây thì tui không chắc, nhưng cam đoan vớt đầy 30 cần xé rác rất nhanh” - anh Huân hưởng ứng.

Sau tàu SG 1414 của nhóm chúng tôi, ba con tàu từ hướng ngược lại cũng lần lượt cập bến. Theo anh Đoàn Hồng Nhanh - Đội trưởng đội vớt rác trên sông Q.8, bình quân mỗi ngày, cả 4 tàu đưa vào bờ khoảng 15 tấn rác từ trên hai đoạn kênh Đôi và kênh Tàu Hủ.

8 giờ, xe ép rác chạy đến. Một số công nhân đang ăn lót dạ dưới chân cầu Hiệp n 2 vội vã trở lại bến. “Đi vớt rác chỉ là “màn một cảnh một”. Coi vậy mà nhẹ hơn “màn hai cảnh hai” thở ra khói sắp diễn ra” - công nhân Trần Văn Hoàng (31 tuổi) nhận xét.

“Màn hai cảnh hai” chính là đưa rác lên xe. Chưa kịp ráo mồ hôi và nước kênh, cả công nhân lẫn thuyền trưởng (16 người/ca 8 tiếng) lại tiếp tục đánh vật với mấy tàu rác ngồn ngộn. Anh Nguyễn Văn Sản - tài xế thường "đánh" rác ở bến này, nói: “Những hôm trời nắng nóng, từ sau 9-10 giờ, rác bốc mùi nồng nặc khiến công nhân rất mau kiệt sức”.

Đội trưởng Nhanh thẳng thắn nhìn nhận: Trước đây, công nhân càng vất vả ở khâu chuyển rác lên xe. Bởi lúc đó, mọi việc từ A đến Z đều sử dụng sức người. Đầu tiên, họ đứng dưới tàu văng (quăng) từng cần xé rác lên vỉa hè. Tiếp đó, khiêng đến miệng gàu rồi đổ vào xe. “Cực nhất là những khi mực nước thấp, mũi tàu nằm xa bờ, công nhân càng hao tổn sức lực để vận chuyển hết hàng chục tấn”, anh Nhanh chia sẻ. Đồng cảm với nỗi vất vả của anh em, người đội trưởng đi lên từ nghề vớt rác này đã nghĩ ra thanh chuyển có gắn ròng rọc, đưa những cần xé từ sàn tàu trượt xuống miệng gàu. Thật bất ngờ, một công nhân trong đội tên là Nguyễn An Khang đã mày mò biến ý tưởng của đội trưởng thành hiện thực. "Công trình nghiên cứu" này đã được đưa vào ứng dụng ngay từ cuối tháng 11.2011. Anh Nhanh cho hay dự định trong năm 2012, công ty sẽ bổ sung vào đội này khoảng 6 nhân công, lúc đó mới gọi là "tạm đủ".

Nhưng đó là những dự định trong tương lai. Còn trước mắt, chúng tôi chứng kiến tất cả công nhân đầm đìa mồ hôi, cặm cụi suốt nhiều giờ đồng hồ để vận chuyển hàng trăm cần xé nặng trĩu... (còn tiếp)

Phóng sự của Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.