Thiên Long mang đến cái nhìn mới về nghề thư ký

09/05/2008 10:05 GMT+7

Tuy đã ra đời và được tổ chức rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới nhưng "Ngày hội thư ký" vẫn chưa đến được với giới thư ký Việt Nam. Năm nay, Tập đoàn văn phòng phẩm Thiên Long đã tiên phong thực hiện sự kiện này tại 4 cao ốc văn phòng lớn ở TP.HCM. Với vai trò là đơn vị tổ chức, Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - TGĐ điều hành tập đoàn Thiên Long - đã chia sẻ về ý nghĩa của việc này.

* Đầu tiên, xin chúc mừng Thiên Long đã trở thành Tập đoàn văn phòng phẩm. Với tham vọng trở thành Tập đoàn văn phòng phẩm hàng đầu tại Việt Nam, ông có thể cho biết cơ sở nào để Thiên Long có được tự tin này?

- Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa: Sau gần 27 năm hoạt động, sản phẩm của Thiên Long đã trở thành thương hiệu uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều người chỉ biết đến bút bi Thiên Long, trong khi chúng tôi đã phát triển sang cả lĩnh vực văn phòng phẩm. Cơ sở để Thiên Long tự tin vươn lên, trước hết phải kể đến thực tế Việt Nam hiện nay chưa có một công ty văn phòng phẩm nào tầm cỡ trong khi ở các nước đều có những tập đoàn văn phòng phẩm rất lớn.

Máu “tự ái dân tộc” nổi lên và đầu năm 2000, chúng tôi ra quyết tâm tập trung sức mạnh vật lực và nhân lực để nhanh chóng trở thành tập đoàn văn phòng phẩm hàng đầu tại Việt Nam. Để thực hiện tham vọng này, Thiên Long đã xây dựng thêm nhà máy thứ hai tại Khu công nghiệp Sonadezi ở Long Thành - Đồng Nai rộng 3ha, vốn đầu tư khoảng 150 tỉ đồng, chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến bìa hồ sơ. Bên cạnh đó, Thiên Long cũng đã thành lập thêm Công ty CP Thiên Long miền Bắc tại KCN Đồng Văn, tỉnh Hà Nam, chuyên sản xuất bút chì, phấn, tập vở, sổ tay...

Cuối tháng 2 vừa qua, Thiên Long cũng đã tổ chức thành công IPO, thuyết phục được một số cổ đông lớn tham gia Hội đồng quản trị, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ tay nghề giỏi, quản lý chuyên nghiệp. Toàn bộ dây chuyền sản xuất cũng được trang bị thêm với nhiều máy mới hiện đại nhập từ Đức, Hàn Quốc, Đài Loan...

* Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Thiên Long, ông Cô Gia Thọ từng phát biểu: “Trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp đều có sự trợ giúp, cộng hưởng của những người xung quanh và xã hội”. Phải chăng, đó là lý do Thiên Long tổ chức Ngày hội thư ký như một sự chia sẻ với người làm văn phòng - những người gắn bó với sản phẩm của Thiên Long?

- Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa: Tuy là một công ty sản xuất thương mại nhưng Thiên Long vẫn luôn hướng về các hoạt động đem lại ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội. Khẩu hiệu “Vì sự học là trọn đời” đã phần nào thể hiện tiêu chí hoạt động và tâm huyết của Tập đoàn chúng tôi. Và “Ngày hội thư ký” cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó. Từ trước đến nay, thư ký vốn là một nghề ít được xã hội coi trọng. Nhưng thực tế tôi thấy người thư ký đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp. Vì thế, tôi cho việc tôn vinh nghề thư ký là việc phải làm. Ngoài ra, khi nói đến thư ký, người ta vẫn liên tưởng đến hình ảnh gắn với cây bút, quyển sổ - những sản phẩm mà Thiên Long mang đến cho xã hội. Do vậy, việc tổ chức ngày hội này của Thiên Long còn có ý nghĩa chia sẻ với những người đang sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Và Thiên Long mong sự kiện này sẽ được xã hội công nhận, nghề thư ký cũng cần phải có một ngày để tôn vinh như rất nhiều nghề khác.

* Ý nghĩa lớn nhất của ngày hội này mà Thiên Long muốn mang đến?

- Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa: Đó là tạo ra cho xã hội một cái nhìn mới về nghề thư ký. Thực ra, thư ký là một nghề đòi hỏi trình độ và kỹ năng chuyên môn rất cao. Ngay ở Thiên Long, cũng đã có thư ký được cân nhắc lên vị trí trưởng phòng hành chính nhân sự và trong chính sách tuyển dụng thư ký mới, bao giờ chúng tôi cũng có định hướng cho họ vươn lên, xem nghề thư ký là một nghề đòi hỏi chất xám cao và là một nấc thang để họ xứng đáng giữ vị trí cao hơn trong công việc.

* Từng làm thư ký và vươn lên vị trí như hiện nay, ông có thể cho biết tố chất mà những người thư ký cần phải có?

- Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa: Có một ví von về nghề thư ký thế này. Nếu được ăn bữa cơm ngon, người ta sẽ hỏi: “Chà, gạo mua ở đâu mà ngon thế?”. Nhưng nếu bữa cơm dở thì câu hỏi sẽ là: “Ai nấu thế nhỉ?”. Nói vậy để thấy nghề thư ký bạc bẽo lắm. Những gì họ làm thành công thì dấu ấn rất mờ nhạt. Đó là chưa kể thư ký còn là người phải chịu đựng những cơn bực bội, quá tải của sếp mà chúng tôi vẫn gọi đùa là “xả xú pắp”. Do đó, theo tôi người thư ký phải có những tố chất sau: Một là phải chịu khó học hỏi trong công việc. Hai là phải chịu nghe, cả những lời chê và la rầy có lúc vô lý của sếp. Ba là phải nhạy bén, nhanh nhẹn. Bốn là phải “chịu cày” vì nghề thư ký cũng phải làm việc ngày đêm không kém sếp. Và năm là phải có khả năng truyền đạt chính xác ý chỉ đạo của cấp trên. Nói một cách khác, một thư ký giỏi phải có tài về khoa ăn nói.

* Ông có thể đánh giá mức độ thành công của ngày hội và niềm vui của Thiên Long khi tham gia tổ chức ngày hội này?

- Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa: Đem đến cho xã hội một hoạt động tốt đẹp, làm cho một người thêm vui và tự hào với công việc mình đang làm là niềm hạnh phúc lớn nhất của cả tập thể Thiên Long. Vì tổ chức lần đầu nên về qui mô và chương trình, có thể chưa rộng rãi và chưa thỏa mãn hết kỳ vọng của mọi người. Nhưng về mặt ý nghĩa, tôi cho đó là thành công. Ít nhất, những người làm thư ký cũng cảm thấy rất vui khi có một ngày để xã hội hội tôn vinh nghề nghiệp của họ. Đó cũng là động lực để họ thêm yêu nghề và gắn bó hơn với công việc.

* Xin cảm ơn ông!

Ngọc Dũng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.