Thợ lành nghề có giá hơn thạc sĩ

07/10/2009 13:39 GMT+7

Giỏi nghề - dễ thành công trong cuộc sống, đó là thông điệp mà những bạn trẻ thành đạt gửi tới những người tham gia buổi giao lưu “Tài năng trẻ giỏi nghề” do Thành Đoàn - Hội LHTN TP.HCM vừa tổ chức.

Cơ duyên từ... trượt ĐH

Có một công việc hài lòng, thu nhập tốt, bạn Chu Tiến Dũng (sinh năm 1987) cho rằng “cơ duyên” của mình bắt nguồn từ việc... trượt ĐH. Trở thành SV hệ CĐ của trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Dũng đã không ngừng học tập, trau dồi kiến thức và tay nghề để rồi liên tiếp gặt hái nhiều giải thưởng: giải nhất Hội thi tay nghề Bộ Công thương, giải nhì Hội thi tay nghề quốc gia, huy chương vàng Hội thi tay nghề ASEAN, chứng chỉ xuất sắc Hội thi tay nghề thế giới lần thứ 40 tại Canada năm 2009...

Trả lời thắc mắc của một bạn trong buổi giao lưu: “Nhiều người vẫn muốn học ĐH để thành “thầy” chứ không muốn thành “thợ”. Vậy việc bạn chọn làm “thợ” có đi ngược lại xu thế không?”, Nguyễn Phúc Hưng (sinh năm 1987), cựu SV trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng lựa chọn làm một người thợ lành nghề mới là hợp xu thế, vì ở VN đang có tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Để trở thành một người thợ lành nghề, ngoài giờ học trên lớp, Hưng luôn cố gắng thực hành thêm. Với những kiến thức đơn giản, bạn thực hành theo nhóm. Còn với những kiến thức sâu, Hưng tìm tới các công ty để xin thực tập. Nhờ học đi đôi với hành, Hưng đã đoạt huy chương vàng Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 7 tại Malaysia ngành thiết kế web, giải nhất Hội thi tay nghề Bộ Công thương 2008, giải nhất Hội thi tay nghề quốc gia 2008...

Tuyển thạc sĩ dễ hơn thợ bậc 7/7

Nhiều bạn trẻ đã rất ngạc nhiên khi anh Dương Quốc Thái (sinh năm 1973), Tổng giám đốc Công ty bao bì nhựa Sài Gòn Saplastic, doanh nhân trẻ xuất sắc TP.HCM 2008 cho biết hiện anh có... 9 bằng ĐH, 3 bằng thạc sĩ và sắp tới sẽ có thêm 1 bằng tiến sĩ! Vốn tốt nghiệp ngành Toán - Tin trường ĐH Đà Lạt, Thái đam mê toán học và hiện giờ vẫn đang là giảng viên của một số trường ĐH, nhưng anh lại lập nghiệp bằng... nghề in. Sau 7 năm thành lập, Saplastic đã là sự lựa chọn của nhiều công ty sản xuất thực phẩm lớn của VN. Anh chia sẻ: “Tôi rất sợ một người thợ lành nghề của mình xin nghỉ việc, bởi rất khó để tìm người thay thế vào chỗ trống đó. Nhưng một nhân viên là thạc sĩ mà xin nghỉ việc thì tôi có thể đồng ý trong... 30 giây! Bởi vì bây giờ tìm một thạc sĩ về làm dễ hơn nhiều so với việc tìm một người thợ bậc 7/7”.

Từng là người đi làm trái ngành, đi từ những bước thấp nhất trong ngành công nghệ thông tin như làm kỹ thuật viên, ráp máy, sửa chữa, giờ đây Trần Đại Hải (vốn học ngành Hóa) đã là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bệnh viện máy tính quốc tế iCARE. Anh Hải chia sẻ kinh nghiệm thành công với những bạn trẻ muốn lập thân bằng nghề: “Có đam mê thì bạn mới có sáng tạo để cải tiến công việc tốt hơn. Nếu các bạn khơi dậy được niềm đam mê, không sớm thì muộn bạn sẽ có lời giải và đi đến thành công”.

Nhân dịp này, ban tổ chức đã trao 26 suất học bổng  Bác sĩ thực hành Máy tính PC - Laptop cho các đoàn viên, thanh niên (tổng trị giá 66.150.000 đồng) và 40 máy tính thuộc chương trình Máy tính cũ - Tri thức mới cho các quận, huyện Đoàn nhằm xây dựng các điểm tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và truy cập internet cho thanh niên, công nhân.

Phương Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.