Thủ khoa “bật mí” làm bài đạt điểm cao: Tránh căng thẳng khi ôn thi 'nước rút'

10/07/2020 08:35 GMT+7

Cận kề ngày thi, tâm lý chung của thí sinh là lao vào học ngày, học đêm, nhưng như thế có thực sự hiệu quả? Cùng nghe các thủ khoa đầu vào của các trường chia sẻ họ đã ôn và chuẩn bị như thế nào ở những ngày sắp thi.

Gần ngày thi, Cần phải có thời gian nghỉ ngơi, không nên lao vào học ôn ngày, học đêm. Các thủ khoa đầu vào đã chia sẻ như thế trong quá trình ôn luyện.

Giãn cách thời gian học để não được nghỉ ngơi

Tránh tâm lý căng thẳng khi ôn thi giai đoạn cuối

Ảnh: Nữ Vương

Phạm Vũ Dũng, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2019, cho biết càng gần ngày thi, Dũng thay đổi luôn cả chiến lược học tập. Thay vì học 3 môn/ngày thì Dũng chỉ học 1 môn/ngày, cùng với đó là giãn cách thời gian học tập để não được nghỉ ngơi sau một năm học và tinh thần sẽ minh mẫn hơn khi đến ngày thi.

Các bạn thường nhầm tưởng là học nhiều thì sẽ nhớ nhiều. Chúng ta chỉ nhớ được nhiều và hấp thụ kiến thức hiệu quả khi đầu óc tỉnh táo nhất

Đào Ngọc Minh Huy, thủ khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2017

“Mình thấy việc lao vào học ở giai đoạn cuối không những không giúp cho kết quả thi tốt hơn mà còn gây phản tác dụng vì nhiều lý do, như sức khỏe không đảm bảo, tâm lý căng thẳng hơn… Chính vì thế, cần giảm tải việc học trong giai đoạn cuối”, Dũng nhắn gửi.
Cũng theo Dũng, giai đoạn cuối, thường thí sinh sẽ dễ bị kiệt sức và có những triệu chứng như đau đầu khi giải đề, đặc biệt là ôn tập ở khối tự nhiên. Dũng kể: “Có lần mình không ngủ được vì cứ mãi suy nghĩ về cách giải một bài toán, kết quả sáng hôm sau bị đau đầu và ảnh hưởng đến hiệu suất ôn tập của ngày hôm đó. Nên theo mình, để ôn tập các môn khối tự nhiên mà không bị đau đầu thì cứ sau một khoảng thời gian học nên nghỉ 5 - 10 phút, nghe nhạc hay làm gì đó, miễn là đừng để đầu óc suy nghĩ đến môn học đó nữa”.
Đồng quan điểm với Dũng, Phạm Tiến Trung, thủ khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2019, cũng cho rằng cần phải có phương pháp học mới cho giai đoạn sắp đến kỳ thi. Theo Trung, cần phân chia ra cách học: tự ôn tập lại các kiến thức từng môn và tự luyện giải đề, cả hai cách này làm song song với nhau.
“Mình thường đọc lại sách giáo khoa, đặc biệt các phần hay quên để không bị mất điểm lý thuyết khi làm bài thi... Khoảng 1 tuần cuối trước khi thi, mình sẽ tập trung vào các dạng bài tập cơ bản và ngưng các dạng bài tập khó. Lúc này dường như chỉ xem lại những gì đã học chứ tuyệt đối không học thêm kiến thức mới”, Trung chia sẻ.
Trung cũng cho biết thêm trong quá trình thi, thí sinh có thể mắc một số sai lầm quen thuộc như: sai các câu dễ, sai các câu đã từng được học... Với những lỗi như thế này nên khắc phục trong khoảng thời gian cuối khi ôn thi, nên đọc kỹ các dạng câu đánh đố.

Không nên nhầm tưởng học nhiều sẽ nhớ nhiều

Tránh tâm lý căng thẳng khi ôn thi giai đoạn cuối

Ảnh: Nữ Vương

Nguyễn Ngọc Băng Tâm, thủ khoa Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm 2019, cho biết những ngày cuối khi sắp đến ngày thi, bạn ưu tiên việc tập đi ngủ sớm.
“Giai đoạn này thì mình tập ngủ sớm, trễ nhất chỉ thức đến 11 giờ đêm và sáng tập dậy sớm vì mình sợ đến ngày thi lại ngủ quên”, Tâm nói.
Lịch trình một ngày của Tâm ở giai đoạn cuối ôn thi: buổi sáng Tâm sẽ đặt một số mục tiêu nho nhỏ trong ngày, ví dụ như làm 2 đề toán, 1 đề lý, ôn lại từ vựng của ngày hôm qua... và cố hoàn thành các mục tiêu này. Thời gian còn lại đa phần Tâm ngồi giải đề thi mẫu, học bài, ôn từ vựng... trên mạng theo như mục tiêu đã đề ra. Những lúc mệt, Tâm sẽ ăn vặt gì đó, ngủ một giấc hoặc giải trí nhẹ nhàng bằng cách nghe nhạc…
Cũng giống Tâm, Đào Ngọc Minh Huy, thủ khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2017, cho rằng thời gian này nên tập đi ngủ sớm để tạo nên thói quen và có được sự tỉnh táo cho đầu óc.
Tránh tâm lý căng thẳng khi ôn thi giai đoạn cuối

Ảnh: Nữ Vương

“Hầu hết các thí sinh ôn thi giai đoạn cuối thường sẽ thức khuya, thậm chí mất ăn mất ngủ chỉ vì lo lắng cho kỳ thi. Nhưng điều này là hoàn toàn không nên, các bạn thường nhầm tưởng là học nhiều thì sẽ nhớ nhiều. Chúng ta chỉ nhớ được nhiều và hấp thụ kiến thức hiệu quả khi đầu óc tỉnh táo nhất”, Huy chia sẻ.
Không chỉ tập thói quen ngủ sớm, thủ khoa Huy còn lưu ý: “Mình thấy nhiều bạn trước khi vào phòng thi vẫn cầm sách vở cặm cụi ôn bài. Nhưng theo mình như thế sẽ không hiệu quả mà càng làm cho chúng ta rối kiến thức. Thay vì thế, nên đi tham quan khu vực nơi ta sắp thi, để khi vào phòng thi có tình huống bất trắc cũng dễ dàng xử lý. Những điều này cũng làm tâm lý chúng ta vững tâm hơn. Để thi tốt thì tâm lý là điều rất quan trọng, dù cho bạn học giỏi nhưng nếu không có bản lĩnh phòng thi, tâm lý không vững thì cũng khó đạt được điểm cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.