Thủ khoa Ngoại thương chia sẻ bí quyết 'vượt vũ môn'

(TNO) Những kinh nghiệm của hai thủ khoa khối A1 và D của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM sẽ giúp cho các sĩ tử trong quá trình ôn luyện và làm bài khi kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần.

(TNO) Những kinh nghiệm của hai thủ khoa khối A1 và D của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM sẽ giúp cho các sĩ tử trong quá trình ôn luyện và làm bài khi kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần.

Thủ khoa Ngoại thương chia sẻ bí quyết “vượt vũ môn” 1Lê Hữu Quang Vinh 
Dùng sổ tay, tránh sập bẫy và học trực tuyến
Bạn Lê Hữu Quang Vinh (thủ khoa khối A1 năm 2014, hiện là sinh viên năm nhất khóa 53 lớp K53E, ngành Kinh tế đối ngoại, cựu học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến cơ sở 3A) cho biết bí kíp của bạn là dùng quyển sổ nhỏ bỏ vừa túi để ghi lại những phần mẹo vặt tính toán của cả 3 môn thi: toán, lý, Anh văn. Trong đó ghi lại những dạng bài tập hay câu hỏi mà Quang Vinh không làm được và các bước giải trình tự. Việc ghi lại các bước giải là một cách học rất hay bởi vì khi gặp lại những dạng bài như vậy mình sẽ nắm được bước 1 làm gì, bước 2 nên xử lý ra sao. Trong sổ tay Quang Vinh cũng ghi lại những lưu ý của các thầy cô, mẹo vặt tính nhanh và khi “lều chõng đi thi” thì cậu bạn cũng mang theo bí kíp để ôn bài luôn cho thuận tiện.
Bên cạnh đó, chàng thủ khoa cũng học với một nhóm bạn để “thi đua” cho tốt. Vì theo Vinh, khi học nhóm các sĩ tử có thể học hỏi được cách giải khác nhau từ các bạn. Theo kinh nghiệm của bạn ấy thì học nhóm rất dễ có những tranh cãi về nội dung bài học có thể khiến mình nhớ lâu hơn và khi sai thì đôi lúc “quê” nên ít khi nào mắc lại sai lầm nữa. 
Theo Vinh, bẫy trong đề thi chia làm 2 loại: một là bẫy vào sự thiếu cẩn thận của học sinh (đọc đề không kỹ, đọc chưa suy nghĩ kỹ nên tưởng là dạng này nhưng nếu đọc hết thì biết là dạng kia) và bẫy thứ hai là ở những dạng bài mới (cách diễn đạt, cách người ra đề lồng ghép vào nhiều dạng thực tế). Do đó, với dạng một các bạn có thể làm bài tập nhiều để rèn luyện tính cẩn trọng, càng làm nhiều thì càng cẩn thận hơn. Còn ở dạng bẫy thứ hai chính là tỉnh táo sử dụng hết các dữ kiện trong đề thi và bình tĩnh suy nghĩ chứ đừng nóng vội kết luận và đôi lúc có thể xâu chuỗi nhiều nội dung kiến thức lại với nhau.
“Hiện tại, mình đang tham gia nhóm GSTT (Gia sư trực tuyến). Trong đó, GSTT Group hướng đến các đối tượng chuẩn bị thi đại học nên mình muốn chia sẻ cho các em học sinh nguồn tài liệu khá đa dạng và phong phú từ những thành viên của tổ chức. Đặc biệt tất cả đều là miễn phí. Mới đây GSTT Group cũng tổ chức kỳ thi thử lần 1 năm 2015 với chủ đề “Bắt mạch” với sự tham gia của hàng trăm thí sinh ở cả hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM. 
Học bằng sự yêu thích
Thủ khoa Ngoại thương chia sẻ bí quyết “vượt vũ môn”Bạn Cao Hoàng Hạ 
Bạn Cao Hoàng Hạ (sinh viên năm nhất ngành Kinh tế đối ngoại, lớp K53C, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định) là thủ khoa khối D năm 2014 chia sẻ kinh nghiệm học tập bằng một cuộc sống tự lập và độc lập chính là bí kíp giúp cô bạn vượt vũ môn tốt hơn.
Trong số các môn thi, Hoàng Hạ mạnh nhất môn Anh văn. Kinh nghiệm để lấy điểm tối đa môn Anh là học thật chắc ngữ pháp, trau dồi vốn từ vựng, luyện tập giải đề nhiều và học từ những lỗi sai mà mình mắc phải trong quá trình giải đề.
Theo Hoàng Hạ, nguồn tài liệu học thi đại học thì rất nhiều và đa dạng. Đối với môn toán, nên học những cuốn giải đề thi, tổng hợp tất cả các phần tạo nên cấu trúc của một đề thi với lời giải chi tiết, có thể mua những cuốn sách luyện giải đề của Lovebook hay bất kỳ cuốn sách nào khác, miễn là sách những năm gần đây, để được cập nhật mới về mặt kiến thức. Đối với môn văn, nên tham khảo nhiều nguồn, có thể từ thầy cô, sách vở và các nguồn trên mạng, để học được nhiều ý tứ, luận điểm, dẫn chứng, lối viết… hay. Tiếng Anh thì nên luyện giải đề nhiều, cuốn sách đề hoặc đề trên mạng nào cũng được, nhưng nên là những tài liệu có lời giải chi tiết, có thể là đề thi thử của THPT chuyên Ngoại ngữ ĐH Sư phạm Hà Nội.
Ngoài giờ học trên trường, và trừ thời gian ăn uống, ngủ nghỉ thì thời gian còn lại cô bạn dành chủ yếu cho việc học. Nên học tập điều độ kết hợp với ăn uống nghỉ ngơi và chia thời gian thích hợp để học các môn, môn nào còn yếu thì nên tập trung học nhiều hơn.
“Em cũng không có nhiều áp lực thi cử lắm, vì chỉ cần mình nắm chắc kiến thức, tin tưởng vào khả năng của mình, thì mình sẽ vượt qua sự sợ hãi và tự tin làm bài. Quan trọng là kiến thức của mình phải thật vững chắc và đầy đủ để hoàn thành bài thi”, thủ khoa khối D chia sẻ.
Quê ở huyện Tuy Phước nhưng cấp 3 thuê trọ ở thành phố Quy Nhơn theo học trường chuyên. Cô bạn đã rèn luyện tính độc lập, chủ động trong học tập và những quyết tâm để chinh phục kỳ thi. Trước thềm kỳ thi, Hoàng Hạ nhắn các bạn sĩ tử rằng: “Trước khi thi 1 - 2 ngày nên nghỉ ngơi, không nên quá sức và lúc vào thi thì nên tập trung, bình tĩnh và có chiến lược phân bổ thời gian và thứ tự làm các câu trong đề bài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.