Thường thức & Chia sẻ: Nghĩ từ một mùa dịch

19/04/2020 12:38 GMT+7

Những ồn ã, khói bụi, những dòng người chen chúc ngoài kia từng khiến ta thấy phiền toái, khổ sở đến độ muốn thay đổi nhưng nếu thiếu vắng đi, như những ngày cách ly xã hội trong mùa dịch này, cuộc sống hẳn đang bất thường.

Sức khỏe của mỗi người là một loại “tài khoản” đặc biệt, nếu liên tục phung phí mà không biết trau dồi, gìn giữ, chỉ cần một cơn bệnh quét qua,  như trong mùa dịch Covid-19, “chủ tài khoản” có nguy cơ “phá sản” trong phút chốc.
Những va chạm trong tiếp xúc mỗi ngày có khi đem lại niềm vui hoặc hiềm khích. Dẫu vậy, được gặp gỡ, buồn vui, gần gũi nhau mỗi ngày chẳng phải tốt hơn phải giữ khoảng cách với nhau khi có bệnh dịch đó sao?
Mấy ai trong chúng ta từng xem nhẹ những thói quen vệ sinh đơn giản hoặc cho rằng sống điều độ, kỹ lưỡng là sự phòng hộ, lo xa thái quá? Để đến khi được khuyến cáo bởi các cơ quan chức năng trong mùa dịch mới lưu ý, có phải đã suýt muộn rồi?
Bạn từng thoải mái chi tiêu với ý nghĩ “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” nên những lời khuyên tiết kiệm dễ khiến bạn nổi cáu. Nhưng nếu không dành dụm, bạn sẽ xoay xở ra sao nếu một ngày công việc không như ý, việc mưu sinh bị gián đoạn?
Nếu bạn từng lơi nhẹ những cử chỉ yêu thương, những thăm viếng ân cần dành cho những người thiết thân, ruột thịt, vậy tin tức về những bệnh nhân qua đời trên giường bệnh trong mùa dịch này mà không được gặp người thân lần sau cùng mấy ngày này có làm bạn nghĩ suy?
Bạn có đợi đến khi mọi cánh cửa ngoài kia đều sập lại, hiểm nguy rình rập mọi lúc mọi nơi hay chân chồn gối mỏi mới nhận ra gia đình là chốn về bình yên, ấm áp nhất?
Từ những gì diễn ra trong mùa dịch này thấy rằng tiền tài, danh lợi, thắng thua, được mất rồi cũng không đổi được sinh mệnh. Vậy nên, hãy sống trọn vẹn với hiện tại, trân quý mọi người xung quanh và tiết chế tham vọng bởi biết đâu lúc nào đó nhìn lại, bạn sẽ thấy mình đã từng sở hữu rất nhiều, chỉ là vì chưa bằng lòng với những gì mình đang có đấy thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.