Tìm chồng kiểu Nhật

15/08/2009 15:28 GMT+7

Làn sóng “cọc đi tìm trâu” đang trở thành mốt thời thượng tại Nhật Bản, nơi các cô gái vứt bỏ thói quen chờ đợi và giành lấy quyền chủ động trong cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc.

Các nam thanh nữ tú ăn mặc thời trang đang trò chuyện vui vẻ trong một quán bar đèn mờ ảo, một cảnh tượng dường như có thể tìm thấy ở bất cứ địa điểm vui chơi sang trọng nào tại Tokyo. Thế nhưng, mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Những người độc thân này không phải ngẫu nhiên có mặt tại đây chỉ để trò chuyện vui vẻ. Mục đích của họ là konkatsu, có nghĩa là tìm chồng. Khuynh hướng chủ đạo mới nhất trong việc tìm kiếm người hôn phối theo kiểu này đang trở thành cơn sốt tại một quốc gia có bề dày truyền thống như Nhật Bản, thoát khỏi kỷ nguyên của các cô gái văn phòng cũng như hôn nhân sắp đặt.

Với thực tế ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản quyết tâm lập nên sự nghiệp của riêng mình, số liệu thống kê của chính phủ cho thấy tỷ lệ lập gia đình đang trên đà giảm sút, còn tuổi kết hôn thì tăng cao. Cụ thể, tỷ lệ người chưa kết hôn ở đàn ông lứa tuổi 30 đến 34 đã tăng từ 14% lên 47% và 8% lên 32% ở phụ nữ trong 3 thập niên qua. “Cho đến thập niên 80 của thế kỷ trước, chúng ta có hệ thống hôn nhân sắp đặt, hoặc gặp gỡ mọi người qua công việc. Do đó, bạn đã không phải nỗ lực hết mức mới tìm kiếm được một đối tượng”, hãng tin ABC dẫn lời chuyên gia Masahiro Yamada thuộc Đại học Chuo ở Tokyo. Từ konkatsu là nghĩa phụ rút ra từ nhóm từ tìm việc. Khái niệm konkatsu đã trở thành một khuynh hướng được xã hội chấp nhận sau khi cuốn sách bán chạy nhất Nhật Bản Konkatsu Jidai (Kỷ nguyên của việc tìm chồng), của đồng tác giả Mashiro Yamada và Tohko Shirakawa, nhanh chóng được bán sạch trên toàn quốc hồi năm ngoái.

Theo giáo sư xã hội học Masahiro Yamada, trào lưu konkatsu là một hoạt động khá tích cực giúp thúc đẩy tình trạng hôn nhân gia tăng tại một quốc gia có quá nhiều người độc thân thụ động. “Họ chờ đợi một người nào đó tìm đến, hoặc nói chuyện, hoặc tiếp cận. Có quá nhiều người chờ đợi như thế”, ông Yamada nói. Khi đề cập trên diện rộng, ông cho hay không ít trường hợp còn đơn thân vì muốn ăn bám bố mẹ. Những người thuộc dạng này được gọi là kẻ độc thân ký sinh, luôn muốn hưởng thụ cách sống không cần lo nghĩ. Ở Nhật Bản, có rất nhiều người ở độ tuổi 30 hoặc 40 nhưng vẫn còn sống chung với bố mẹ.

Thế là konkatsu đã trở thành mốt thời thượng đang lan tràn với tốc độ chóng mặt khắp Nhật Bản, và những người tổ chức có sự lựa chọn thông minh trong việc tìm kiếm những địa điểm phù hợp cho dạng môi giới hôn nhân thời hiện đại. Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà các địa điểm konkatsu có thể là nhà hàng, quán bar đến các lớp học nấu ăn, từ sân vận động bóng chày đến chùa chiền. Chùa Imado tại Tokyo là một trong những nơi se duyên kết tóc cho những người còn độc thân, cung cấp các dịch vụ cầu nguyện và tổ chức tiệc trà cho các thí chủ vẫn còn “đơn thân lẻ bóng”. Thậm chí, hãng đồ lót Triumph tại Nhật Bản cũng đã trình làng sản phẩm áo ngực konkatsu. Đồng hồ phía dưới áo hiển thị thời gian đếm ngược đến thời hạn cần thiết phải có đám cưới. Chỉ đến khi nhét 1 chiếc nhẫn (đính hôn) vào khe hở giữa 2 bầu ngực thì đồng hồ mới ngừng chạy.

Việc kinh doanh ăn theo konkatsu đã trở thành nguồn lợi nhuận không nhỏ trong thời buổi kinh tế khủng hoảng. Kể từ khi thay đổi quán bar của mình ở quận Roppongi thành Green Bar, chỉ đón tiếp khách có thẻ thành viên, nhà quản lý Yuta Honda cho hay doanh thu của quán tăng vọt đến 400%, diễn biến hiếm thấy tại khu vực đang có nhiều nhà hàng, quán bar phải đóng cửa. Ở quận kế bên, lớp dạy nấu ăn konkatsu đã tạo môi trường thuận lợi cho những người độc thân tìm đến nhau. Họ phải trả khoảng 60 USD để gia nhập một nhóm nhỏ sinh hoạt tại một nơi riêng biệt. Sau khi thực hành các bài học nấu ăn, họ sẽ cùng ăn chung và trò chuyện với nhau. Biết đâu sau bữa ăn no, một số người sẽ tìm được người vừa ý với mình. Chỉ có điều những điểm hẹn như thế này thường thiếu nam giới mà quá thừa nữ giới. Các chuyên gia cho hay điều này là do phụ nữ muốn nhanh chóng tìm chồng để đảm bảo khả năng tài chính trong thời buổi khó khăn, trong khi đàn ông lại chần chừ không muốn kết hôn vì chưa có đủ tiền bạc để lấy vợ. 

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.