Tôi là ai?

27/05/2006 23:04 GMT+7

Tôi hôm nay khác tôi hôm qua/Tôi tương lai khác tôi hôm nay/... nói cho tôi đi: tôi là ai?". Bài hát Ai là tôi (nhạc: Nguyễn Lê Tâm, lời: Nguyễn Lê Tâm, Ngô Tự Lập) được trình diễn trong chương trình Tại sao không? trên VTV1 tuần này đặt cho chúng ta câu hỏi về chính bản thân mình. Trả lời câu hỏi "Tôi là ai? Tôi có nhiệm vụ gì? Tôi nhận thức thế giới này ra sao?" sẽ giúp mỗi người xác định được điểm đứng, bản chất và khả năng của mình để sống tốt hơn...

Cô gái tật nguyền Nguyễn Hướng Dương: "Tôi đã biến cuộc đời mình từ... rác thành hoa!"

Cách đây đúng 10 năm, một tai nạn giao thông khủng khiếp đã cướp mất đôi chân của cô gái 25 tuổi Nguyễn Hướng Dương. Từ lúc đó, Hướng Dương tự cảm nhận cuộc đời mình chẳng khác gì "một đống rác hay một mớ giẻ rách". Cô nằm bẹp dí trên giường bệnh, với "thực đơn" duy nhất từ ngày này qua ngày khác là... nước mắt. Trong những ngày vô cùng tuyệt vọng đó, Hướng Dương đã đến thăm Trường mù Nguyễn Đình Chiểu và chị được chứng kiến một đứa trẻ khiếm thị cất giọng hát trong trẻo: Nói đi em lời nào hồn nhiên nhất - Và nói rằng cuộc đời đẹp hơn mơ! "Đây là một sự kiện gây chấn động nội tâm của tôi. Tôi ngộ ra rằng, những người khiếm thị bất hạnh vẫn lạc quan yêu đời, tại sao tôi không thể? Dù sao tôi vẫn rất may mắn khi còn đôi mắt quý giá để tiếp cận đời sống kia mà?" - Hướng Dương tâm tình.

Chuyên mục phối hợp thông tin giữa báo Thanh Niên và chương trình truyền hình Tại sao không? trên VTV1 do HauMy Cross-Media và VTV sản xuất

Sau lần đó, chị thấu hiểu hơn nỗi mất mát, thiệt thòi của những người khuyết tật, nhất là những người khiếm thị và chị luôn xem họ là những người thầy giúp chị vươn lên số phận. Vào năm 1998, Hướng Dương quyết định dành trọn tâm huyết để thành lập dự án Thư viện sách nói dành cho người mù (thuộc Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM). Vốn có giọng đọc hết sức truyền cảm của một cộng tác viên chương trình phát thanh thiếu nhi, Hướng Dương đã thổi hồn mình vào những cuộn băng, mở ra chân trời tiếp cận tri thức mới mẻ cho thế giới người khiếm thị. Rất nhiều người khiếm thị "ghiền" giọng đọc của chị Hướng Dương và coi chị như là một người bạn tri âm không thể thiếu trong cuộc sống...

Hiện nay, Thư viện sách nói dành cho người mù đã thu hút 12 tình nguyện viên thay ca nhau đọc và thu âm nhiều loại sách truyện. Từ năm 2002, thư viện được chính phủ Nhật Bản tài trợ một studio khá hiện đại, chuyên nghiệp. Tính đến năm 2005, thư viện đã sản xuất trên 21 ngàn băng sách nói, phát hành 97 tựa băng sách nói văn học, phục vụ miễn phí cho những người khiếm thị tại TP.HCM và trên 65 hội người mù, trường mù trên cả nước...

Chủ nhiệm dự án Thư viện sách nói cho người mù Nguyễn Hướng Dương nói dí dỏm mà sâu sắc: Hôm nay gặp lại "đống-rác-tôi-ngày-trước", bạn thấy thế nào? Bạn đang gặp rác hay hoa? Tôi chắc rằng bạn đang gặp một bông hoa đấy! Điều quan trọng để biến rác thành hoa, để khẳng định mình là ai cả trong những hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã chính là lòng quyết tâm vươn lên và đặc biệt đừng bao giờ đánh mất tình yêu thương đối với cuộc sống xung quanh...

Nguyễn Huy Trọng: "Điểm đứng của tôi là giữa cộng đồng"

Chuyện thời sinh viên: Dù gia đình đủ điều kiện chu cấp từ A đến Z nhưng từ năm 3, anh chàng sinh viên ĐH Ngoại thương này quyết định "làm thuê" cho một công ty liên doanh để tự lập, trang trải tiền thuê nhà với suy nghĩ "hơn 20 tuổi mà vẫn còn ngửa tay xin tiền cha mẹ thì không ổn!". Rồi đùng một cái, anh chàng tạm ngưng làm thêm để cùng một nhóm bạn chuyên tâm làm công tác xã hội dưới mái nhà chung mang tên IC vì "đi làm không thôi vẫn chưa đủ, mà những hoạt động xã hội bên ngoài giúp mình trưởng thành và thay đổi nhiều hơn nữa". Thay đổi rõ nhất theo Trọng chính là: "Lúc đầu chỉ cắm cúi học, cố gắng vượt qua bạn bè để chứng tỏ dân tỉnh không thua kém gì dân thành phố. Có những lúc qua mặt "người thành phố" nhưng cảm thấy không vui, mệt mỏi vì áp lực và có ít bạn bè. Khi tham gia IC, có thêm nhiều bạn, cảm thấy cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng khác trong cuộc sống chứ không chỉ ganh đua bằng thành tích học tập".

Chuyện hiện tại: Trong khi bạn bè cùng khóa tốt nghiệp "đầu quân" cho các công ty lớn như Unilever, P&G... thì anh chàng bằng lòng với công việc bán thời gian cho một công ty phần mềm nước ngoài khi làm copy writer cho trang web www.audio4fun.com; thỉnh thoảng tranh thủ dạy thêm tiếng Việt cho người nước ngoài, thời gian còn lại ưu tiên cho các hoạt động xã hội của IC.

Huy Trọng (bìa trái) cùng những người bạn nước ngoài của IC tại Malaysia

"Công ty nào cũng muốn tuyển người làm toàn thời gian nên khi trình bày thẳng nguyện vọng chỉ muốn làm bán thời gian trong lúc phỏng vấn  vào công ty, mình cũng hồi hộp. May mà chị giám đốc cũng là người thích làm công tác xã hội, hiểu được ý nghĩa của những hoạt động này nên chấp nhận. Ngày hôm sau mình còn "gan cùng mình" khi xin nghỉ 2 tháng để cùng IC tổ chức những chuyến đi đến vùng sâu, vùng xa..., giám đốc cũng thông cảm cho đi, miễn sau đó đảm bảo hiệu quả công việc là ổn!". Trọng "bật mí".

Đổi lại, anh chàng cảm thấy tự tin khi cùng bạn bè đứng ra quyên góp, tổ chức những chuyến đi đến Tiền Giang trao sách cho các em nhỏ hay tập huấn kỹ năng sống, làm việc đội nhóm với những người bạn tình nguyện đến từ nước Úc tại Lâm Đồng... Và có cả những chuyến giao lưu với bạn bè quốc tế ở Campuchia hay Malaysia. Khi hỏi liệu có tiếc khi nhiều bạn bè ổn định và có cơ hội thăng tiến trong công việc, còn mình hơi bị "chông chênh", Trọng không đắn đo: "Mình cảm thấy thoải mái với con đường đang đi và cách sống mà mình đã chọn. Nó giúp mình "lớn" hơn trước nhiều lắm!".

Vũ Minh Thọ: "Tôi là người Việt Nam và cũng là một công dân quốc tế"

Chàng trai 27 tuổi Vũ Minh Thọ là người Việt Nam đầu tiên vinh dự có tên trong danh sách bình chọn "Hướng dẫn viên du lịch xuất sắc nhất thế giới - Paul Morrison Guide Award 2006". Thọ khẳng định, hiện tại, anh là một hướng dẫn viên du lịch, miệt mài với công việc của mình, nhưng với nhiều người, Thọ còn là "đại sứ" giới thiệu Việt Nam cùng bạn bè thế giới.

Thuở bé ở quê nhà Thái Thụy (Thái Bình), cậu nhóc Thọ mơ làm doanh nhân. Nhưng rốt cuộc, Thọ lại vào khoa Du lịch, và chọn nghề hướng dẫn viên như duyên nợ. Thời sinh viên, bạn bè để dành tiền đến trường học Anh văn còn Thọ thì tự học ở nhà và ra đường kiếm "tây ba lô" thực hành. Lúc đi thực tập, bạn bè ao ước được vào tìm hiểu công ty lớn còn Thọ thì xin ngay vào một công ty nhỏ để "thỏa sức tung hoành", tích lũy kinh nghiệm. 

5 năm đi làm hướng dẫn, tính thích phiêu lưu đưa Thọ qua rất nhiều công ty. "Có lẽ vì Thọ không sợ thử thách, nên mỗi lần ra đi như vậy lại thấy mình trưởng thành hơn", Thọ tâm sự.

Vũ Minh Thọ (phải) trong một lần dẫn khách đi tour

Nghề nghiệp cũng đem lại cho Thọ cơ hội kết bạn năm châu. Với Thọ, khi xem du khách là bạn, và thấy làm việc cũng là đi tận hưởng niềm vui cuộc sống thì nghề hướng dẫn viên du lịch là cực kỳ thú vị. Du khách của Thọ đến từ khắp nơi trên thế giới, nên một phần không nhỏ trong nhiệm vụ của anh chàng lém lỉnh này là tìm hiểu để "biết ý" của từng du khách. Nào khách du lịch người Úc tính xởi lởi thoải mái, hay quan tâm hỏi han đến mọi người xung quanh và đã kết làm bạn thì cực kỳ chịu chơi. Khách người Anh thì "mặt lạnh", hơi khó gần một chút nhưng khi mình thể hiện sự nhiệt tình thì sẽ tìm được ngay nụ cười của họ. Khách du lịch Mỹ tuy nói chuyện cởi mở nhưng yêu cầu của họ cao nên đòi hỏi hướng dẫn viên phải thật sự chuyên nghiệp... 

Đi làm, gặp gỡ nhiều, kết bạn nhiều nên đến nay Thọ hoàn toàn có thể tự hào về khả năng hội nhập năm châu của mình. "Nếu làm một hướng dẫn viên du lịch, hãy chú ý đến việc tạo không khí thoải mái cho du khách và đi nhiều, đọc nhiều để tích lũy kiến thức. Khi bạn toàn tâm toàn ý với công việc, chắc chắn bạn sẽ thành công, bất kể bạn là ai", Thọ nhắn gửi qua e-mail trong khi chờ đợi kết quả giải thưởng bình chọn "Hướng dẫn viên du lịch xuất sắc nhất thế giới" sẽ được công bố vào tháng 8 này.

Câu hỏi dành cho khán giả

Năm 1960, trong một bản báo cáo, nhà kinh tế học Chilê Andre Gunter Frank đã sáng tạo ra một cụm từ dùng để phân loại quốc gia. Từ đó đến nay, 2/3 thế giới vẫn còn gắn chặt với cụm từ nào:

1/ Chậm phát triển
2/ Đang phát triển
3/ Dưới mức nghèo
4/ Lạc hậu

Bạn có thể trả lời bằng các cách sau: nhắn tin hoặc điện thoại đến tổng đài 1900 1758; tham gia trả lời trên giao diện của website

www.taisaokhong.com.vn hoặc gửi về hộp thư điện tử TSK@taisaokhong.com.vn.

Phần thưởng của chương trình gồm: 1 giải nhất 1.000.000 đồng kèm quà tặng của chương trình TSK?; 2 phần thưởng là quà tặng của chương trình TSK? dành cho những bạn có câu trả lời chính xác và nhanh nhất.

Cùng làm truyền hình, Tại sao không?

Mời bạn tham gia vào quá trình sản xuất chương trình truyền hình "Tại sao không?" bằng cách gửi ý kiến góp ý, gợi ý, giới thiệu câu chuyện, nhân vật và trao đổi khả năng làm phóng sự, chân dung... về địa chỉ thư điện tử TSK@taisaokhong.com.vn, hoặc gửi thư về:

* Báo Thanh Niên 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP Hồ Chí Minh (Thư đề gửi Chuyên mục Tại sao không? của Thanh Niên chủ nhật)

* HauMi Cross-Media  168 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. (ĐT: 0983056347 - 0912570036)

Những ý tưởng được sử dụng sẽ được trả nhuận bút. Các videoclip đạt chất lượng phát sóng trên VTV sẽ được nhà sản xuất HauMi Cross-Media mua với giá thỏa thuận để đưa vào chương trình, giữ nguyên tên tác giả.

Như Lịch - V.Anh - L.Anh - B.Hạnh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.