Trải nghiệm cùng học sinh Nhật Bản

07/09/2009 17:35 GMT+7

Không chỉ học lý thuyết qua các bài giảng trên lớp, học sinh Nhật Bản còn được trải nghiệm các chương trình thực hành nông nghiệp như cấy lúa, chăn nuôi bò, làm than củi...

Học theo ngành yêu thích

Là một trường THPT chuyên ngành, học sinh của trường THPT Tono Ryokuho (tỉnh Iwate, Nhật Bản) được phân theo chuyên ngành ngay từ khi bước vào lớp 10. Toàn trường có 231 học sinh được chia thành 3 khối, mỗi khối tương đương với 1 lớp học, và mỗi lớp học được phân thành 2 ban cơ bản: Ban Công nghệ sản xuất và Ban Tin học. Có nghĩa, ngay khi trải qua kỳ thi vượt cấp bước vào lớp 10, học sinh đã cơ bản được định hướng ngành nghề mình sẽ theo học thông qua việc chọn lựa ban chuyên môn. Dù vậy, học sinh các ban vẫn phải học chung phần kiến thức phổ thông giống nhau qua các môn cơ bản. Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH tùy theo lĩnh vực mình yêu thích.

Với nghề truyền thống của Tono là nông nghiệp, học sinh của trường được tham gia rất nhiều chương trình thể nghiệm thực hành nông nghiệp ngay tại địa phương. Trong đó, môn học về nghề nghiệp truyền thống của địa phương được thiết kế trong chương trình với rất nhiều hoạt động thực tiễn như: cấy lúa trên đồng ruộng theo kiểu truyền thống, học cách làm củi gỗ, đóng than, làm đồ gốm... Học sinh còn được đến ở tại những nhà dân (homestay) để học hỏi về đời sống nông nghiệp của họ, tham gia bán các sản phẩm của trường. Tại các công ty, doanh nghiệp sản xuất của địa phương, học sinh có thể tự chọn nơi tham quan, thực hành sản xuất để nắm bắt các quy trình công nghiệp.

Chế biến các món ăn từ nông sản cũng là một cách để thể nghiệm thực hành nông nghiệp cho học sinh. Với các sản vật nông nghiệp được làm ra từ trại thực nghiệm, từ địa phương, học sinh được các giáo viên chuyên ngành hướng dẫn để tự tay làm ra các món ăn truyền thống như: bánh bột gạo, tương đậu nành... Theo bà Kikuchi – giáo viên dạy môn học này, thì đây là cách giúp học sinh hiểu sâu hơn công dụng, cách thức sử dụng các sản phẩm nông nghiệp do chính tay mình tạo ra.

Trại nuôi bò trong trường học

Nằm ngay trung tâm thành phố Tono song trường THPT Tono Ryokuho vẫn có khuôn viên khá rộng rãi. Đáng chú ý nhất là khu trại nuôi bò giống và khu đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi được thiết kế ngay bên hông khu nhà học. Tại đây, giáo viên và học sinh của môn Chăn nuôi sẽ làm toàn bộ các công việc như thu hoạch cỏ, ủ cỏ, chế biến thức ăn tinh, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, cho bò ăn uống, lai tạo giống... Giáo viên là những người thường trực làm việc tại trại, học sinh sẽ có từ 3 – 4 buổi thực hành tại đây. Không chỉ là môi trường thực hành những bài giảng lý thuyết, trại còn là nơi để thầy trò cùng nghiên cứu và áp dụng những kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Cho đến nay, Tono Ryokuho là trường duy nhất của tỉnh áp dụng thành công dây chuyền sản xuất bò giống từ khâu lai tạo, thụ tinh cho đến xuất chuồng. Vì vậy, đây còn được xem là trại thực nghiệm mang tính chất kinh doanh. Ông Hirano – giáo viên quản lý trại cho biết, mỗi năm trường thu được khoảng 4 triệu yên từ việc bán bò giống và bò thịt các loại. Số tiền này được nộp lại cho quỹ chung của địa phương, tuy nhiên học sinh sẽ có những kinh nghiệm rất thực tế về mô hình kinh doanh nông nghiệp để sau khi ra trường có thể bắt tay vào kinh doanh ngay. Hằng năm, địa phương còn tổ chức cuộc thi đánh giá chất lượng thịt bò cho học sinh, và nhiều học sinh của trường đã giành được giải từ cuộc thi này trên phạm vi toàn quốc.

Còn với môn Trồng trọt, trường có các khu trồng hoa, cây cảnh và các loại cây ăn quả như: táo, lê, nho... rất quy mô. Khi chúng tôi đến thăm, các loại cây đều đang trong giai đoạn chuẩn bị chờ thu hoạch. Đây cũng chính là các sản phẩm được tạo ra từ tay của các giáo viên và học sinh trong trường.

Hà Ánh
(từ Iwate, Nhật Bản)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.