Trần Phương Anh: Giữ lửa nhang đèn

02/01/2013 07:45 GMT+7

Nén nhang nhà chùa làm bằng tay năm nào tại chùa Keo đã kéo tuột sếp 8X của một hãng bảo mật bỏ việc, mở doanh nghiệp sản xuất hương.

Khi Trần Phương Anh bước vào chùa Keo (Thái Bình) lần đầu vào cuối năm 2006, người cậu sực mùi bụi đường, khói xe. Rồi đột nhiên, chàng trai trẻ rơi tõm vào một không gian khác của mùi hương thơm ngát như thể có cả một khu vườn cực rộng đủ loại cây đang nở hoa quanh chùa. Tiếng rì rầm lâm râm của những người khấn vái. “Tôi sực nhớ đến ngày bà nội mất khi mình còn rất nhỏ. Nén nhang tôi thắp lên mộ là nén cuối cùng của đoàn người khi đó sắp ra về. Tôi không còn nhớ hương vị nhang, nhưng sự xúc động thì còn tới tận bây giờ”, Trần Phương Anh nhớ lại.

Trần Phương Anh
Trần Phương Anh - Ảnh: nhân vật cung cấp

Không phải ngẫu nhiên, nén hương chùa Keo lại khiến cậu thanh niên trẻ nhớ về quá khứ da diết đến thế. Nhà chùa có công thức hương bài thơm ngát ấy đã mấy trăm năm và luôn tự làm hương để cúng tế. Mùi hương thanh khiết lạ lùng. Sau này, dưới sự chỉ dạy của đại đức Thích Thanh Quang, trụ trì chùa - Phương Anh học được công thức bài hương đó. “Đó cũng là bài học đầu tiên của tôi về nhang”, anh nhớ lại.

 

Tôi cứ muốn mỗi lần thắp lên thì Nam Phương Chi Hương - làn gió văn hiến nước Nam được thổi bốn phương trời

Trần Phương Anh

Sau bài học đầu tiên, Phương Anh trải tiếp những ngày bôn ba học nghề hương ở rất nhiều làng nghề. Hà Nội có. Bắc Giang có. Thái Bình có. Sau những xốn xang về hương thơm, anh lại được ngẩn ngơ về hình dáng những thẻ hương hay nhang vòng. “Tôi đến làng nhang vòng xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Tây lúc cuối hè đầu thu, nắng hanh vàng. Sau này tôi mới biết đó là lúc tốt nhất để làm nhang. Các gia đình hối hả quấn nhang như một trò tung hứng tốc độ cao rất vui mắt”, anh nhớ lại.

Anh cũng thấy cơ man nào là nhang vòng cuộn tròn như những chiếc đĩa nhạc nhỏ thành hàng thẳng tắp trên các giá phơi nhang. Giá phơi trải trên đường chính của làng. Giá phơi cả ở trên đầu nữa. Nắng vàng chiếu qua các giá phơi trên đầu và qua những vòng nhang, rồi in bóng xuống dưới đất rất tươi tắn trông như những bông hoa nhỏ. “Đột nhiên, tôi thấy nghề làm nhang cần mẫn tài hoa biết bao. Lòng muốn gắn bó với nghề nhang của tôi cũng khởi từ đó”, Phương Anh nói.

Học ngửi hương, tuyển cây

Nhưng Phương Anh chọn đường là vậy, còn nghề phải rất lâu mới chọn anh. Suốt ba năm trời, cứ cuối tuần là anh lại lên xe máy đi về các làng nghề. Đầu tiên chỉ để đặt hàng làm quen. Sau nhiều chuyến đi như thế, Phương Anh mới được cho xem làm nhang, hỏi thăm kỹ thuật. Nhưng không ai cho biết toàn bộ, cũng không có ai truyền kinh nghiệm cả. Một thời gian sau nữa, anh mới được “ăn cùng, làm cùng, ngủ cùng” nghệ nhân, lúc đó kỹ thuật mới nắm được tương đối. Kỷ niệm những ngày đi học làm hương anh còn giữ tới giờ là… bộ đồ nghề vá xe máy. “Có lần từ Bắc Ninh về Hà Nội, sau khi ăn cơm tối xong ở một gia đình làng nghề, đi trên một con đê sông Cầu thì thủng săm. Trời rét, mưa phùn và tối đen như mực. Rồi dắt bộ, lần mò mãi tới gần 4 giờ sáng mới về tới nhà. Rút kinh nghiệm tôi mua ngay bộ đồ nghề vá xe đầy đủ”, anh cho biết.

Một thực tế là rất ít người phân biệt được rõ các mùi vị hương nhang nếu mới học từ đầu. Ban đầu thì chỉ biết mùi này nặng, mùi kia nhẹ, mùi này gắt hơn so với mùi kia. Phương Anh đã phải dán giấy vào từng mùi vị để phân biệt, ở trong phòng tối cho tĩnh tâm và thắp nhang lên ngửi đi ngửi lại rất nhiều lần, trong nhiều tháng mới phân biệt nổi. Phân tích được trong làn hương của mỗi nén nhang có vị ấm của gỗ gốc tùng, vị ngậy của hoa ngâu, vị nồng của vỏ quế, đắng pha cay của trầm hương, Phương Anh mới dám cùng nhóm nghiên cứu “chế” mùi.

Bây giờ, những làng nghề xưa anh học làm nghề cũng là những người anh tiếp tục đặt hàng kinh doanh. Họ làm theo công thức mà Phương Anh cùng nhóm cố vấn sáng tạo. Thu nhập của họ đều đặn hơn, nhỉnh hơn nhờ những mối hàng mà cậu thanh niên tốt nghiệp ĐH Ngoại thương bôn ba chắp nối. Nghề hương tưởng chừng cứ dừng mãi ở chỗ làm giá rẻ, bán rẻ mà khó bán giờ đã nhích dần lên. Hương Phụng Nghi đã chen chân được với những sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan. Và nó cũng chen được ở những nơi thờ cúng quan trọng như chùa Quán Sứ, chùa Một Cột, các điện thờ Mẫu…

Có lẽ việc được làm từ thảo mộc “tuyển” trong nước, thiết kế bao bì trên những câu chuyện văn hóa Việt đã giúp Phụng Nghi làm được điều đó. Phụng Nghi chỉ dùng hương bài Đông Triều, quế Yên Bái, trầm hương Quảng Nam, hoa ngâu Thái Bình, trám Yên Thế… Mẫu mã hương của Phụng Nghi đều được họa sĩ thiết kế dựa trên hướng dẫn của GS Lê Văn Lan, GS Vũ Khiêu… Dòng Nam Phương Chi Hương có vỏ hộp vẽ về Tứ bất tử. Dòng Phúc An đi kèm tranh dân gian về sự đoàn viên của Thúy Kiều - ý nói bình an trở lại. Khang Ninh mang hình ảnh Tống Trân Cúc Hoa khi đã đỗ đạt, sóng gió qua đi. Phụng Nghi cũng có những dòng nhang, có hình ảnh chiến thắng Bạch Đằng, vua Quang Trung giải phóng Thăng Long, Lý Công Uẩn dời đô… “Tôi cứ muốn mỗi lần thắp lên thì Nam Phương Chi Hương - làn gió văn hiến nước Nam được thổi bốn phương trời”, Phương Anh tâm sự.

“Phương Anh có vẻ hơi nghiêm quá so với tuổi. Nhưng làm nhang cần thành tâm như thế. Nhang Phụng Nghi dễ chịu vì làm từ thảo mộc, và cũng làm thủ công. Nó cũng sẽ giúp giữ nghề thủ công truyền thống”, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian nói.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Trinh Nguyễn

>> Cánh chim không mỏi
>> Nguyễn Liên Phương: Phải thay đổi và dám ra biển lớn
>> Huỳnh Anh Tuấn: Đi tận cùng đam mê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.