Trong 'ma trận' tìm việc làm tết - Kỳ 1: Làm để… chuộc thân

13/02/2015 20:12 GMT+7

(TNO) Trong vai một người kiếm việc làm thêm dịp Tết 2015, chúng tôi cảm nhận được 'sức nóng' từ những lời cò mồi của cánh xe ôm tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM) đến các trung tâm giới thiệu việc làm. Họ sẵn sàng 'bán, buôn' sức lao động của những người xa quê với giấc mơ: kiếm chút đỉnh tiền về ăn tết.

(TNO) Trong vai một người kiếm việc làm thêm dịp Tết 2015, chúng tôi cảm nhận được 'sức nóng' từ những lời cò mồi của cánh xe ôm tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM) đến các trung tâm giới thiệu việc làm. Họ sẵn sàng 'bán, buôn' sức lao động của những người xa quê với giấc mơ: kiếm chút đỉnh tiền về ăn tết.

Người xe ôm nhanh chóng vẫy gọi ngay trước lúc “mồi” chuẩn bị vào “trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí”
 Kỳ 1: Làm để… chuộc thân
Những ngày cuối tháng 1 - đầu tháng 2, trong vai người cần tìm việc làm để kiếm tiền về quê ăn Tết, chúng tôi có mặt ở Bến xe Miền Đông. Không cần phải chờ đợi, chúng tôi rơi ngay vào “vòng xoáy” dòm ngó, lôi kéo của nhiều người: từ cánh xe ôm cho đến các trung tâm môi giới việc làm.
Xe ôm giành “mồi” với môi giới
Khi chúng tôi vừa tiến đến một “trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí” thì ngay lập tức, một người chạy xe ôm tên Sơn (50 tuổi, quê Quảng Nam) chặn chúng tôi lại. “Biết chạy xe máy không? Bao nhiêu tuổi rồi, có giấy tờ tùy thân đó không, quê ở đâu…”, ông Sơn hỏi dồn dập.
Trong lúc chèo kéo, ông Sơn kéo chúng tôi ra phía đằng xa trung môi giới việc làm. “Ra đây ngồi nói chuyện, ở đó mắc công đụng “độ” với mấy người trong đó, phiền phức lắm mày ơi!”, ông Sơn giải thích.
Sau khi không thuyết phục được chúng tôi chịu làm việc trong thời gian Tết, ông Sơn “giận lẫy” bỏ đi, nhưng chỉ một đoạn thì quay lại nói: “Tao ở đây mà không biết à, mày vào trung tâm hỏi cũng vậy thôi! Nó phô trương được cái bảng hiệu thôi chứ có hay ho gì đâu…”. 
“Phải làm đến khi nào đủ tiền… thì hắn mới cho mày ra, chứ tết nhất ai cho về. Cái đó gọi là… thế thân! Chú nói nghe, ai họ cũng muốn moi móc tiền chứ không có giúp đỡ gì mày đâu, Sài Gòn này phức tạp lắm…”, ông Bình (58 tuổi, quê ở Huế), một người chạy xe ôm trước Bến xe Miền Đông, nói với chúng tôi.
Chúng tôi được một người chạy xe ôm khác chở đến trung tâm cách nơi cũ chừng 100 m nhưng chủ đi vắng và đóng cửa. Được dịp, người xe ôm này cũng... tranh thủ tuyển dụng: “Nói mày nghe, giờ tao chở đến chỗ này có rất nhiều việc, bao ăn ở luôn, mà phải làm qua Tết mới được. Nói thiệt chứ tao giới thiệu cũng nhiều lắm rồi! Được trung tâm bên đó cấp thẻ… cộng tác viên đàng hoàng chứ giỡn chơi hả”. Theo tiết lộ, trung tâm này nằm trên đường Ba Tháng Hai, quận 11.
Quay lại một “trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí” ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), chúng tôi được một phụ nữ tên Huế (chừng 50 tuổi, quê nghệ An) xưng là chủ và giới thiệu nhiều công việc khác nhau, sau khi thỏa thuận làm tới ngày 29 Tết sẽ được nghỉ phép về quê, chúng tôi hẹn ngày mai mang quần áo đến đi làm.
Khi quay ra, bà Huế không quên nhắc nhở: “Nếu có gặp xe ôm thì làm ơn tránh xa họ ra, đi làm từ mấy người đó giới thiệu phải tốn tiền “cò” là cái chắc…”.
Người phụ nữ tên Huế (khoảng 50 tuổi, quê Nghệ An) đang mời chào người cần tìm việc với nhiều công việc hấp dẫn
Trong “ma trận” tìm việc làm Tết - Kỳ 1: Làm để… chuộc thân 3Tờ giấy đã cũ rích có ghi danh sách những nơi cần tuyển người làm việc - Ảnh: Trác Rin
“Bán” 1 người, được 250.000 đồng
Hôm sau, chúng tôi quay trở lại bến xe và lại được một người chạy xe ôm chèo kéo, chở thẳng đến trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Ba Tháng Hai, quận 11. Đến nơi, mặc dù đã rất sát Tết, nhưng theo quan sát của chúng tôi, vẫn có khá nhiều người đang ngồi chờ đến lượt lên xe ôm đến nơi làm việc Tết.

“Nếu có gặp xe ôm thì làm ơn tránh xa họ ra, đi làm từ mấy người đó giới thiệu phải tốn tiền “cò” là cái chắc…” - bà Huế, chủ một trung tâm giới thiệu việc làm

Ở đây, chúng tôi gặp trực tiếp với 3 nhân viên của “trung tâm giới thiệu việc làm”. Lấy cớ công việc không hợp, chúng tôi cứ lần lượt từ chối.
Tay xe ôm đợi bên ngoài bắt đầu sốt ruột, liền vào trong cò kè với nhân viên. “Bình thường mỗi người tui “bán” 250.000 đồng, mà giờ trễ giờ rồi nên 200.000 đồng cũng được, nhanh nhanh tui còn về”. Vừa nói đến đây, tay xe ôm bị một nhân viên tên Nguyễn phản bác: “Thứ nhất bây giờ đã qua 17 giờ, hết giờ làm việc của công ty, thứ hai em trai này chưa có quần áo, công ty chỉ muốn giúp nó, giờ 150.000 đồng chốt giá!”.
Cứ “bán” 1 người đến trung tâm môi giới việc làm, cánh xe ôm sẽ nhận 250.000 đồng mà không cần biết kết quả tuyển dụng ra sao.
Sau khi cả hai chốt giá 150.000 đồng tiền "bán" chúng tôi, chúng tôi quyết định “phá hợp đồng”, không chịu đi làm và xin lại chứng minh nhân dân.
Người chạy xe ôm quay ra với vẻ tức tối, giở giọng quát tháo, buộc chúng tôi phải đưa 100.000 đồng rồi "muốn đi đâu thì đi".

“Bình thường mỗi người tui “bán” 250.000 đồng, mà giờ trễ giờ rồi nên 200.000 đồng cũng được, nhanh nhanh tui còn về” – Người xe ôm đòi tiền trung tâm môi giới


Quay trở lại khu vực các trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng tôi được một người đàn ông chạy xe ôm tên Bình (58 tuổi, quê ở Huế) hỏi thăm và tỏ vẻ đồng cảm khi chứng kiến cảnh cậu thanh niên muốn về quê ăn Tết mà phải đi xin việc từ những thành phần “cò, cọc” này!.
Ông Bình cặn kẽ giải thích: “Vô trung tâm giới thiệu việc làm là nó ăn của mày, mày làm không được là họ giữ lại chứng minh nhân dân, rồi bản thân không có tiền nữa nên phải chịu, phải làm để… chuộc lại thân. Làm đến khi nào đủ tiền, người ta mới mới trả giấy tờ. Mà biết chừng nào mới trả, làm khổ lắm chứ đừng nói tới chuyện được về quê ăn tết…”.
7 năm chạy xe ôm, lăn lộn ở khu vực này nên ông Bình hiểu rõ mấu chốt cuộc chiến của “cò” và “trung tâm môi giới”.
“Thôi, không được đâu mày ơi! Vào mấy chỗ đó là tốn hết mấy trăm, tiền xe cộ chở đi hết mấy trăm nữa thì sao mà về quê ăn Tết. Người thân, bà con đâu hết rồi, kêu họ cho mượn tiền mua vé rồi về quê gia đình gửi lại chứ kiểu này là không được rồi”, ông Bình khuyên chúng tôi.
Rồi ông Bình gợi ý: “Còn không được, thì mày vào trong Bến xe Miền Đông làm lơ xe đi! Một ngày kiếm từ vài chục đến vài trăm ngàn cũng có, tùy theo tuyến đường dài hay ngắn thôi. Yên tâm, cứ vào đó rồi nói “Ai cần lơ xe - Ai cần lơ xe không…” thì chắc chắn sẽ có người gọi đi thôi! (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.