Tuấn "khùng" chế máy cày

23/12/2010 07:46 GMT+7

Tuấn "khùng" là tên người ta gán cho Nguyễn Anh Tuấn (Thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, Sơn La) khi thấy anh lao vào chế tạo chiếc máy cày bằng động cơ xe máy.

14 lần thất bại

Ngôi nhà nhỏ bằng gỗ của vợ chồng Tuấn nằm cạnh con lộ chạy dọc thị trấn Ong Ít (Mường La, Sơn La). Vợ chồng Tuấn lập nghiệp bằng một gian hàng tạp hóa nhỏ và nghề sửa xe máy. Cuộc sống sẽ bình lặng trôi nếu cách đây hai năm Tuấn không dở chứng đổ tiền của, thời gian vào chế tạo máy cày. Anh bị nhiều người ở thị trấn cho là dở hơi.

Lúc Tuấn ấp ủ ý tưởng chế tạo chiếc máy cày thì ở nhiều nơi, người ta sử dụng máy cày chạy động cơ diezen xuất xứ Trung Quốc, tuy nhiên người nông dân tại Ong Ít thì chưa bao giờ biết đến. Do đặc điểm ruộng nương vùng Tây Bắc nhỏ hẹp, nằm cheo leo trên đồi núi mà máy cày Trung Quốc thì khá cồng kềnh, nặng ngót nghét 3 tạ, bất tiện trong sử dụng, bảo quản. Vì thế người dân Tây Bắc chỉ sử dụng trâu, bò cày bừa.

Tháng 3 - 2008, lần đầu tiên Tuấn nhìn thấy chiếc máy cày mini xuất xứ Trung Quốc do người dân ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) sử dụng. Lập tức anh tấp xe vào đường, xin phép người chủ được nghiên cứu chiếc máy. Sau lần được ngắm chiếc máy cày đó, Tuấn trở về nhà bắt tay vào làm chiếc máy cày theo ý tưởng.

Sinh 1980, đang học lớp 11 thì Tuấn bỏ nửa chừng để chữa bệnh. Từ đó anh ở nhà theo nghề sửa chữa xe máy của cha. Do không được theo học trường lớp gì nên lúc bắt tay vào chế tạo, anh nghĩ gì là làm nấy. Anh tận dụng sắt vụn, típ nước để hàn làm khung máy. Suốt mấy tháng Tuấn loay hoay với chiếc máy.

Cuối năm 2008, phiên bản đầu tiên của chiếc máy được hình thành. “Ngay lần thử đầu tiên nó chỉ chạy được vài mét rồi đứng im”, Tuấn hài hước khi kể về sản phẩm đầu tay.

Đó là thất bại đầu tiên. Có lần máy chạy lỗi do hệ thống khung máy không hợp lý; lần thì do hệ thống nhông xích, truyền tải bị lỗi... Sau mỗi lần thất bại Tuấn lại phá bỏ chiếc máy cũ, thiết kế lại từ đầu. Việc chế máy khiến anh tốn không ít thời gian và tiền bạc. “Thất bại nhiều khiến bạn bè cũng không tin tưởng vào tôi nữa. Nhưng may mắn tôi luôn có gia đình, vợ con ở bên cạnh ủng hộ”, Tuấn tâm sự.

Sau lần thất bại thứ 14, đầu năm 2010 chiếc máy cày chạy bằng động cơ xe máy của Tuấn hoàn thiện.

Chế tạo máy đa năng

Với sáng chế máy cày đa năng, năm nay Nguyễn Anh Tuấn được T.Ư Đoàn trao giải Lương Định Của.

Ngày chạy thử máy, nhiều người ở thị trấn kéo đến xem. Nhiều người trong số đó đặt mua máy của anh. Sản phẩm do anh chế tạo có ưu điểm nổi trội về trọng lượng nhỏ gọn khoảng 60kg, có thể sử dụng thuận tiện cho mọi địa hình đặc biệt ở đồi núi dốc. Máy chạy xăng, khởi động bằng hệ thống đề; Công suất máy vượt trội có thể cày, bừa 1 sào ruộng trong vòng 21 phút nhưng chỉ tốn 3 nghìn tiền xăng.

Giá thành rẻ, khoảng 9 triệu đồng/máy (nếu sản xuất đại trà khoảng 7-8 triệu đồng/máy), bằng nửa giá máy cày mini Trung Quốc. Đặc biệt, việc thay thế phụ tùng dễ dàng vì có thể mua thiết bị ở các cửa hàng xe máy.

Sau khi chiếc máy cày hoàn thiện, Tuấn bắt tay vào chế tạo hệ thống lưỡi phay đất và lưỡi bừa để sản phẩm của anh có thể phát huy một cách đa năng nhất. Máy có thể vừa phay đất, bừa và cày. Tháng 8 - 2010, Sở Khoa học công nghệ Sơn La kiểm nghiệm. Kết quả ghi nhận, máy chạy tốt, phù hợp với địa hình dốc, nhỏ hẹp của ruộng nương vùng Tây Bắc… Mới đây, Tuấn nhận giải sáng tạo khoa học trẻ của tỉnh. Anh đang hoàn thiện thủ tục đăng ký bản quyền sản phẩm.

Đến nay Tuấn bán được 12 chiếc máy cho bà con nông dân. Hầu hết người sử dụng yêu thích sản phẩm này bởi giá thành rẻ, sử dụng tiện lợi.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.