Ước mơ và… ngăn tủ

16/12/2009 15:34 GMT+7

“Đừng bao giờ từ bỏ những ước mơ, kể cả khi ước mơ ấy dường như rất khó trở thành hiện thực”.

Đó là điều mà cô sinh viên Nguyễn Thị Bích Diệp (ảnh), chủ nhân những học bổng từ các trường ĐH danh tiếng trên thế giới và hiện là Giám đốc marketing của Beat The GMAT (Mỹ) chia sẻ khi được hỏi về những thành công của mình.

* Diệp đã từng phát biểu tại một hội thảo về du học năm 2007 rằng: “Đừng bao giờ từ bỏ những ước mơ mặc dù nó có nhỏ bé hay to lớn cỡ nào”, nhưng người ta vẫn sợ rằng, ước mơ quá cao xa thì sẽ trở nên viển vông. Diệp nghĩ sao?

- Diệp nghĩ điều quan trọng là bạn đừng bao giờ từ bỏ những ước mơ của mình, nếu nó có hơi to lớn quá thì cùng lắm hãy cất nó vào trong ngăn tủ thời gian và chờ cho đến khi bạn chín chắn trưởng thành hơn thì có thể tiếp tục thực hiện ước mơ đó. Nếu được chăm chút và nuôi dưỡng bằng niềm tin thì ước mơ nào cũng có thể nằm trong tầm tay bạn.

 Nếu được chăm chút và nuôi dưỡng bằng niềm tin thì ước mơ nào cũng có thể nằm trong tầm tay bạn

* Xuất sắc đoạt học bổng toàn phần trong nhiều năm học phổ thông cũng như của đại học danh tiếng Stanford, và từng làm cho ban tuyển sinh của Stanford vào mùa đông năm 2007, Diệp có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ với các bạn học sinh, sinh viên VN đang “săn” học bổng?

 - Diệp thấy ban tuyển sinh sẽ nhìn vào tất cả mọi yếu tố, từ bài luận, điểm trung bình trên lớp, hoạt động xã hội đến thư giới thiệu từ các thầy cô giáo. Điểm quan trọng nhất của một đơn xin học bổng là các bài luận và hoạt động xã hội. Các bài luận phải thực sự nói lên được bản thân, cách suy nghĩ và cá tính của bạn, chứ không nên chỉ sơ sài miêu tả những hoạt động bạn đã làm.

Nguyễn Thị Bích Diệp sinh năm 1986. Khi là học sinh lớp 10 chuyên Văn trường Hà Nội - Amsterdam (khóa 2001-2004), Diệp giành được học bổng toàn phần ASEAN 4 năm cấp O-level và A-level ở Singapore. Nhận tiếp học bổng toàn phần tại Cambridge Tutors College ở Anh (2005-2006). Học bổng toàn phần ngành Quan hệ quốc tế của ĐaÅi học Standford (Mỹ). Hiện Diệp đang học năm cuối tại ĐaÅi học Stanford và sẽ tốt nghiệp vào năm 2010. Từng làm việc cho HSBC, Stanford Student Enterprise...

Cách tốt nhất để lưu giữ được những suy nghĩ thoáng qua đầu đó là Diệp hay giữ một quyển nhật ký bên người. Thỉnh thoảng viết những suy nghĩ của mình xuống và cuối mỗi ngày ghi lại những gì mình học được. Đến lúc viết bài luận thì chỉ cần lướt qua quyển nhật ký và lấy những ý tưởng hay nhất ra để nhào nặn và làm nên một bài luận hoàn chỉnh, phù hợp với đề bài. Còn việc “săn” học bổng thì theo Diệp, tốt nhất là bạn cứ thử sức với tất cả những cơ hội đến với mình. Đừng bao giờ để vuột bất kỳ một cơ hội nào mặc dù là nhỏ nhất, vì biết đâu cơ hội nhỏ bé ấy sẽ đưa bạn đến một cơ hội lớn hơn thì sao?

* Thế còn kinh nghiệm học tiếng Anh, theo Diệp đâu là phương pháp học hiệu quả?

- Cách học tiếng Anh tốt nhất là thực hành. Đọc sách báo, nghe đài, xem phim bằng tiếng Anh có thể học được những ngôn từ thông dụng và cách sử dụng từ Anh/Mỹ hiệu quả hơn là cách học theo sách giáo khoa. Tất nhiên, sách giáo khoa có dạy những phần ngữ pháp căn bản nhưng để vận dụng một cách khéo léo và để chiếm được tình cảm của các ban tuyển sinh ở các trường đại học bên Mỹ thì mình cũng nên dùng các thành ngữ, câu nói đùa hóm hỉnh của họ chèn vào bài của mình một chút để gây được thiện cảm. Ngoài ra, nếu có cơ hội, các bạn hãy cố gắng thực hành tiếng Anh với chính các bạn cùng lớp và thay phiên sửa lỗi sai cho nhau hoặc học tại những trung tâm có người nước ngoài giảng dạy.

* Du học ở nhiều nước, Diệp nghĩ như thế nào về vấn đề “sốc văn hóa”?

- “Sốc văn hóa” thì ở đâu cũng có, nhiều khi ngay tại VN mình cũng gặp. Điều quan trọng là xử lý nó như thế nào. Lúc mới sang Mỹ, Diệp cũng choáng lắm, vì không chỉ là chuyển tiếp từ THPT lên đại học mà còn là lao đầu vào một nền văn hóa đa chủng tộc, đa quốc gia. Thế nhưng dần dần thì Diệp cũng làm quen được và bây giờ thì thực sự Diệp cảm thấy nền văn hóa nào cũng đáng được tìm hiểu và học tập cả.

Nguyễn Ngọc Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.