Vẽ bậy, bôi bẩn tràn lan

Thanh Nam
Thanh Nam
29/08/2018 14:57 GMT+7

Nhà cửa bị vẽ bậy, bôi bẩn khiến nhiều người phát ngán. Đáng chú ý là tình trạng này càng diễn ra nhiều hơn.

5 giờ sáng 29.8, anh Trần Đình Khải (ở đường Hồ Xuân Hương, Q.3, TP.HCM) mở cửa nhà và tá hỏa vì thấy chỉ sau một đêm, cửa nhà anh bị bôi bẩn trông vô cùng nhếch nhác. Những dòng chữ không ra chữ, tranh không ra tranh được "ai đó" phát họa đầy trên cửa.
Theo anh Khải: "Đây là lần thứ tư nhà tôi bị như thế này. Có đám trẻ đến, rồi 'sáng tạo' trên cửa nhà tôi. Nhà hàng xóm cũng từng bị tương tự. Các 'nghệ sĩ' graffiti cứ tìm đến những mảng trống và 'thi triển'... tài năng. Nhưng nhìn những bức hình loang lổ thế này, ngán ngẩm quá".
[VIDEO] Graffiti trên các bức tường trung tâm TP.HCM: Nghệ thuật hay bôi bẩn đường phố?
Sáng thức dậy và phát hiện cửa nhà bị bôi bẩn Ảnh: Xuân Phương
Nguyễn Anh Quang, 31 tuổi, họa sĩ graffiti có tiếng ở TP.HCM, cho biết graffiti chính là bộ môn nghệ thuật đường phố khá phổ biến trên thế giới và cả ở Việt Nam, đặc biệt xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Để thể hiện sự sáng tạo và tài năng của mình, các họa sĩ, những bạn trẻ yêu thích graffiti thường chọn các mảng trống để vẽ.
"Nhưng phải thừa nhận rằng, không có nhiều không gian để tụi mình, những người mê graffiti trổ tài. Chính vì thế, có một bộ phận "dân graffiti" lén tìm những mảng tường nơi công cộng, thậm chí là cửa nhà người khác... để viết, vẽ graffiti", Quang thừa nhận.
Nhiều khổ chủ ngán ngẩm khi nhà mình bị người khác vẽ bậy ẢNH: Xuân Phương
Theo Lê Anh Vũ, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, những tác phẩm graffiti thực thụ trông rất đẹp và đầy nghệ thuật. "Còn những hình ảnh nguệch ngoạc, lỗ chỗ mà mọi người hay nhìn thấy trên đường phố, đó không phải là graffiti, mà là một hình thức 'ăn theo graffiti" để bôi bẩn phố phường".
Cũng theo Vũ, một tác phẩm graffiti nghệ thuật được sáng tác đầu tư, công phu và kỹ lưỡng. Các nghệ sĩ chú trọng từng đường nét, chăm chút cho những chi tiết dù là nhỏ nhặt nhất, chứ không phải "đụng đâu xịt đó, đụng đâu vẽ đó" như một số thanh niên hiện nay đang làm.
Đây là gì? Vẽ graffiti hay bôi bẩn phố phường? Ảnh: Xuân Phương
Dạo khắp các đường như: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), Lê Đại Hành, Âu Cơ (Q.11, TP.HCM)..., không khó để nhận ra các đường phố bị bôi bẩn. Từ các điểm bến xe buýt, công trình công cộng, tòa nhà, những bức tường lớn...
"Có khu đất vừa rào chắn lại để chuẩn bị thi công công trình, thì sáng hôm sau công nhân đến để làm tưởng là bị nhầm địa chỉ. Bởi chính họ không nhận ra chỉ sau một đêm, toàn bộ hàng rào xung quanh bị 'oanh tạc', xuất hiện đầy rẫy những hình ảnh, chữ viết đủ màu sắc", anh Lê Thanh Phong, công nhân công trình xây dựng trên đường Ba tháng Hai (Q.10, TP.HCM) kể.
Từng là nạn nhân của nạn bôi bẩn, phải mất thời gian để lau rửa sạch sẽ tường nhà, cửa, chị Nguyễn Minh Thảo (ở đường Lý Thái Tổ, Q.10, TP.HCM), cho biết: "Rất khó để biết được những người vẽ lên nhà mình, bởi thường thì họ "trổ tài" vào đêm khuya. Gia đình từng để camera theo dõi trước nhà thì thấy có một nhóm thanh niên đến, rồi đem bình xịt sơn ra vẽ liên tục thành những dòng chữ, tranh... Mình chỉ biết tự ấm ức chứ không làm gì được".
Anh Quang cho biết: "Graffiti là niềm đam mê của nhiều người trẻ, đó là nghệ thuật được thừa nhận trên thế giới. Nhưng đúng là ở Việt Nam chưa có những không gian để chúng tôi thể hiện khả năng của mình. Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có những nơi để những họa sĩ graffiti tập trung vẽ".
Anh Quang cũng bảo rằng: "Đừng đánh đồng graffiti với những nét vẽ không đâu ra đâu. Và các bạn trẻ đừng lạm dụng graffiti để bôi bẩn nhà cửa của người khác, làm xấu phố phường, mất mỹ quan đô thị".
Ý kiến:
"Nhiều nơi có những tấm pano với hình ảnh đẹp. Vậy mà họ vẫn xịt sơn tạo nét thành những hình thù kỳ quái, những dòng chữ khó đọc rồi cho đó là vẽ graffiti, tự nhận mình là họa sĩ graffiti. Thật không thể hiểu nỗi", (Lê Minh Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM).
"Cần có những biện pháp mạnh để xử phạt những người mạo nhận là 'họa sĩ graffiti' chuyên đi vẽ bậy trên khắp đường phố. Có như vậy thì mới dẹp được nạn bôi bẩn đường phố", (Đỗ Đức Mạnh, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.